Chi tiết

‘Phấn đấu tăng trưởng GDP năm sau đạt 8%’

Chính phủ nhấn mạnh ưu tiên và làm mới các động lực tăng trưởng, để phấn đấu GDP năm 2025 đạt 8%.

Thông điệp này được Thủ tướng Nguyễn Minh Chính nêu khi phát biểu tại Hội nghị toàn quốc triển khai tổng kết thực hiện Nghị quyết 18 của Ban chấp hành Trung ương khóa 12, tình hình kinh tế xã hội 2024 và giải pháp năm 2025, ngày 1/12.

Theo Thủ tướng, Quốc hội giao mục tiêu kinh tế năm 2025 trên 7%. Tuy nhiên, Chính phủ phấn đấu đạt GDP khoảng 8%. Việc này sẽ tạo đà phấn đấu mức tăng trưởng hai con số trong giai đoạn 2026-2030.

“Việt Nam ưu tiên thúc đẩy tăng trưởng trên cơ sở giữ ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, bảo đảm các cân đối lớn và có thặng dư cao”, Thủ tướng nói.

Năm sau, Việt Nam phấn đấu đạt GDP bình quân đầu người khoảng 4.900 USD, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) bình quân khoảng 4,5%, bội chi ngân sách 3,8% GDP, nợ công 35-38% GDP…

Lãnh đạo Chính phủ cũng đặt mục tiêu hoàn thành ít nhất 3.000 km đường bộ cao tốc, cơ bản hoàn thành sân bay Long Thành, xóa nhà tạm, nhà dột nát trên cả nước… Đây là những yếu tố, theo Thủ tướng, tạo nền tảng để đất nước “bước vào kỷ nguyên mới, vươn mình thành quốc gia giàu mạnh, thịnh vượng”.

Thủ tướng Phạm Minh Chính phát biểu tại hội nghị, sáng 1/12. Ảnh: Hoàng Phong

Thủ tướng Phạm Minh Chính phát biểu tại hội nghị, sáng 1/12. Ảnh: Hoàng Phong

Để thực hiện mục tiêu này, các động lực tăng trưởng truyền thống về đầu tư, tiêu dùng, xuất khẩu tiếp tục được củng cố, làm mới.

Theo đó, giải ngân vốn đầu tư công, nhất là các dự án trọng điểm quốc gia sẽ được đẩy mạnh ngay từ đầu năm. Nguồn tăng thu ngân sách nhà nước năm 2024 sẽ được bố trí ưu tiên cho các dự án đường bộ cao tốc Bắc – Nam phía Đông và một số dự án khác có nhu cầu. Chính phủ cho biết cần có cơ chế hiệu quả hút vốn đầu tư nước ngoài có chọn lọc, nhất là dự án công nghệ cao, các ngành, lĩnh vực mới nổi như chip bán dẫn, trí tuệ nhân tạo, chuyển đổi năng lượng…

Về tiêu dùng, Chính phủ sẽ có các giải pháp kích cầu tiêu dùng trong nước, đẩy mạnh vận động “Người Việt Nam dùng hàng Việt Nam”, thương mại điện tử, kiểm soát nguồn cung, giá các mặt hàng thiết yếu, đảm bảo an ninh lương thực, thực phẩm…

Các hoạt động xúc tiến xuất khẩu, thương mại được đẩy mạnh qua tận dụng 17 hiệp định thương mại tự do (FTA), khai thác các thị trường mới như Halal, châu Phi. Cùng với đó, các động lực tăng trưởng mới như kinh tế số, kinh tế xanh, kinh tế chia sẻ… sẽ được đẩy mạnh, theo Thủ tướng.

Liên quan tới chính sách tiền tệ, mục tiêu giảm tiếp lãi suất cho vay. Tăng trưởng tín dụng năm sau vẫn duy trì trên 15%, với dòng vốn hướng vào các lĩnh vực ưu tiên, sản xuất kinh doanh. Thu ngân sách dự kiến cao hơn khoảng 10% so với năm 2024 và tiết kiệm triệt để chi thường xuyên.

Các đại biểu dự hội nghị, sáng 1/12. Ảnh: Hoàng Phong

Các đại biểu dự hội nghị, sáng 1/12. Ảnh: Hoàng Phong

Chính phủ cũng đặt mục tiêu phát triển mạnh mẽ thị trường tài chính, thị trường vốn để huy động nguồn lực cho nền kinh tế, trong đó phấn đấu nâng hạng thị trường chứng khoán.

Với thị trường bất động sản, Thủ tướng cho biết tiếp tục tháo gỡ khó khăn, vướng mắc về pháp lý. Doanh nghiệp bất động sản chủ động hơn trong cơ cấu lại nguồn lực đầu tư, các phân khúc sản phẩm, điều chỉnh giá hợp lý. Gói tín dụng 145.000 tỷ cho nhà ở xã hội cần được triển khai hiệu quả.

Nhìn lại năm 2024, Thủ tướng cho biết “kinh tế có xu hướng phục hồi tích cực, tháng sau tốt hơn tháng trước, tăng trưởng quý sau cao hơn quý trước”. Quy mô GDP năm 2023 đạt 430 tỷ USD, xếp thứ 34 trên thế giới. Năm nay, nếu GDP tăng 7%, quy mô ước khoảng 470 tỷ USD.

Chính phủ đã chuyển giao bắt buộc xong hai ngân hàng thương mại yếu kém, là CBBank, Oceanbank. Bộ chính trị đã đồng ý phương án xử lý hết 12 dự án chậm tiến độ, kém hiệu quả, kéo dài nhiều năm qua, trong đó một số dự án đã có lãi. Chẳng hạn, năm nay DAP Hải Phòng dự kiến lãi 215 tỷ đồng, Đạm Lào Cai 102 tỷ, Đạm Hà Bắc lãi 5 tỷ đồng…

Ban chỉ đạo về rà soát, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc liên quan đến các dự án tồn đọng của trung ương, địa phương và tư nhân đã được Chính phủ thành lập.

“Cần xây dựng cơ chế thông thoáng để khơi thông, huy động và sử dụng hiệu quả mọi nguồn lực. Trong đó, nội lực là chiến lược, còn ngoại lực là đột phá”, Thủ tướng nói, thêm rằng mọi nguồn lực, động lực đều bắt nguồn từ tư duy, đổi mới.

Ông cũng nhấn mạnh việc giữ kỷ luật, kỷ cương, tăng phân cấp, phân quyền và “kiên quyết xóa bỏ cơ chế xin – cho”, tiêu cực. “Coi trọng thời gian, phát huy trí tuệ, đổi mới sáng tạo, tăng cường đột phá, quyết đoán và đúng thời điểm là những yếu tố quan trọng để thành công”, Thủ tướng chốt lại.

Quỳnh Trang


Nguồn tin: https://vnexpress.net/thu-tuong-phan-dau-tang-truong-gdp-nam-sau-dat-8-4822453.html