Báo cáo quý III của Hội đồng Vàng thế giới cho thấy, tổng nhu cầu vàng đã tăng thêm 5% so với cùng kỳ năm ngoái, lên 1.313 tấn, ghi nhận mức tăng kỷ lục trong quý III. Lần đầu tiên trong lịch sử, tổng nhu cầu về vàng vượt hơn 100 tỷ USD.
Xuất hiện quốc gia mua vàng ‘khủng’
Theo Kitco, với 100 tấn vàng mua vào từ đầu năm đến cuối quý III, Ngân hàng Trung ương Ba Lan đã trở thành quốc gia mua vàng lớn nhất thế giới.
Grzegorv Dróżdż, chuyên gia phân tích thị trường tại Conotoxia, cho biết tốc độ mua vàng của Ba Lan kể từ tháng 4 đã vượt qua cả những nền kinh tế lớn nhất thế giới.
Trong đó, nếu tính trong quý II thì Ba Lan là nước mua vàng lớn nhất trong số tất cả các ngân hàng trung ương. Quốc gia này có chung đường biên giới với Ukraine, là thành viên của NATO và ủng hộ Kyiv.
Adam Glapinski, Thống đốc Ngân hàng Trung ương Ba Lan, cho biết dự trữ vàng và ngoại tệ mạnh là biện pháp bảo vệ quan trọng cho nền kinh tế.
Tính đến cuối tháng 9, Ba Lan đã tăng lượng vàng nắm giữ lên khoảng 420 tấn, bằng khoảng một nửa tổng dự trữ của Ấn Độ hay Nhật Bản. Glapinski đặt mục tiêu, tăng tỷ trọng vàng trong tổng dự trữ lên 20%.
Nhu cầu vàng của nước này tăng mạnh sau đại dịch Covid-19 và do căng thẳng giữa Nga-Ukraine. Dự trữ vàng của Ba Lan tăng lên 377,4 tấn, chủ yếu được lưu trữ tại Ngân hàng Anh.
Không chỉ Ba Lan, các quốc gia khác như Séc, Serbia, Hungary cũng tăng cường dự trữ vàng trong bối cảnh xung đột Nga-Ukraine gia tăng.
Sau chuyến thăm kho dự trữ vàng của Cộng hòa Séc ở London (Anh), Ales Michl, người đứng đầu ngân hàng trung ương nước này nói rằng: “Cần phải giảm sự biến động, vàng là tài sản ổn định nhất”. Séc muốn tăng gấp đôi dự trữ vàng từ 100 tấn trong 3 năm tới.
Ngân hàng trung ương nước này đang tự hào khi có khoảng 150 tỷ USD dự trữ ngoại hối.
Ngân hàng Trung ương Trung Quốc từng là “cá mập” chính trên thị trường vàng vàng, đứng đầu giao dịch mua kim loại quý trong thời gian dài. Khi giá vàng cao kỷ lục, Trung Quốc đứng ngoài cuộc chơi và động thái đang “chờ xem” thị trường vàng diễn biến ra sao.
Các quốc gia Đông Âu đang âm thầm nổi lên, thay thế Trung Quốc trở thành “cá mập” gom vàng nhiều nhất quý gần đây.
Theo báo cáo của Bloomberg, các ngân hàng trung ương trên toàn thế giới đang tích trữ vàng như một lá chắn chống lại những cú sốc bên ngoài, như các cuộc chiến tranh thương mại tiềm tàng do nhiệm kỳ tổng thống thứ hai của Donald Trump gây ra và căng thẳng địa chính trị ở Ukraine và Trung Đông.
Các quốc gia Đông Âu đang tìm cách lấp đầy kho vàng của họ.
Ngân hàng Trung ương Hungary cũng tăng lượng vàng nắm giữ hơn 10% lên 110 tấn vào năm 2024.
Trong khi đó, Tổng thống Serbia hồi hương kho dự trữ vàng thỏi của nước này do nước ngoài nắm giữ vào năm 2021. Jorgovanka Tabakovic, Thống đốc Ngân hàng Trung ương Serbia, đã giám sát việc tăng gấp ba dự trữ vàng của đất nước lên 48 tấn, từ khi nhậm chức vào năm 2012.
Theo Tabakovic, vàng đang tăng giá trị và tầm quan trọng trong thời kỳ biến động toàn cầu, đặc biệt là trong các cuộc xung đột địa chính trị và thời kỳ lạm phát cao.
(Theo VietnamNet)