CTCK chọn ra 10 cổ phiếu tiềm năng trong tháng 12 tập trung vào câu chuyện kết quả kinh doanh, ưu tiên doanh nghiệp đầu ngành.
Trong báo cáo cập nhật mới nhất, Chứng khoán BIDV (BSC) tiến hành lọc cổ phiếu các doanh nghiệp có kết quả kinh doanh ổn định, duy trì sức tăng trưởng tốt và có câu chuyện riêng. Từ đó, nhóm phân tích đưa ra gợi ý 10 mã tiềm năng cho tháng 12/2024.
Nguồn: BSC |
SZC: Giá mục tiêu 45.000 đồng/cp, tỷ suất sinh lời dự kiến 11%
BSC kỳ vọng SZC sẽ cho thuê 40-50ha đất/năm trong 2 năm tới nhờ: hưởng lợi từ hệ sinh thái Tripod, FDI tại Bà Rịa – Vũng Tàu tăng và quỹ đất từ các KCN hiện hữu không còn nhiều.
Giá cho thuê KCN Châu Đức sẽ tiếp tục tăng trưởng 12% trong 2 năm tới nhờ hạ tầng giao thông hoàn thiện và giá cho thuê tại Bà Rịa – Vũng Tàu tương đối rẻ so với các tỉnh phía Nam.
Điểm rơi bàn giao KDC Hữu Phước 1 vào năm 2025 nhờ giải phóng mặt bằng xong 2,8ha, nghiệm thu hạ tầng, đủ điều kiện bàn giao.
Trong năm 2024, BSC dự báo doanh thu của SZC đạt 1.287 tỷ đồng (+57% svck). Lợi nhuận sau thuế 478 tỷ đồng (+118% svck), chủ yếu nhờ bàn giao 45ha dự án KCN Châu Đức và 16 căn shophouse KDC Hữu Phước.
HPG: Giá mục tiêu 37.500 đồng/cp, tỷ suất sinh lời dự kiến 40%
Ngành thép nội địa phục hồi và kết quả kinh doanh của HPG sẽ tiếp tục cải thiện về mức trung bình của chu kỳ thép.
Dự án Dung Quất 2 khi hoạt động ổn định sẽ giúp tăng quy mô lợi nhuận của HPG lên 15.000–30.000 tỷ đồng/năm, tăng thêm 20% – 2,4x quy mô lợi nhuận năm 2024.
BSC cho rằng dự án Dung Quất sẽ tiêu thụ tốt và kỳ vọng lấp đầy 90% công suất trong năm 2026 nhờ lợi thế về quy mô tiếp tục giảm giá thành sản xuất, thời điểm đi vào hoạt động rơi vào chu kỳ mới.
Trong năm 2024, BSC dự báo HPG ghi nhận doanh thu thuần 139.664 tỷ đồng (+17% svck), lợi nhuận sau thuế 12.300 tỷ đồng (+80% svck).
BSC phân tích chỉ tiêu tài chính HPG |
VPB: Giá mục tiêu 26.250 đồng/cp, tỷ suất sinh lời dự kiến 37%
Với lợi nhuận từ FECredit tiếp tục quá trình phục hồi đi cùng khẩu vị rủi ro thận trọng hơn, BSC dự báo lợi nhuận sau thuế năm 2024-2025 được điều chỉnh tăng nhẹ lần lượt lên 15.300 tỷ đồng (+53,6% svck) và 19.300 tỷ đồng (+26% svck). Đây tiếp tục là mức tăng trưởng cao nhất trong các ngân hàng tư nhân quy mô lớn.
Tỷ lệ cổ tức tiền mặt cao là bộ đệm tốt: BSC duy trì dự báo rằng VPB sẽ trả cổ tức tiền mặt tối thiểu 1.000 đồng/cp trong 2-3 năm tới, qua đó đem lại thêm gần 5% tỷ suất sinh lời trong 1 năm tới so với giá hiện tại (chưa kể cổ tức cổ phiếu).
Định giá ở vùng hấp dẫn cho tầm nhìn trung dài hạn: Với P/B FW 1 năm vẫn chỉ ở mức 1,0x, BSC cho rằng VPB đang chưa được trả mức định giá hợp lý so với tiềm lực của ngân hàng.
MWG: Giá mục tiêu 77.000 đồng/cp, tỷ suất sinh lời dự kiến 27%
Kết quả kinh doanh năm 2025 duy trì đà tăng trưởng 25% svck – ghi nhận mức đỉnh lợi nhuận từ khi thành lập, nhờ Bách hoá Xanh trở thành động lực tăng trưởng mới của MWG:
(1) Thế giới Di động và Điện máy Xanh: cải thiện biên hoạt động từ 3,6% lên 5-6%, nhờ chiến lược giảm lượng tăng chất;
(2) Bách hoá Xanh – bước đầu của chu kỳ tăng trưởng: BSC ước ghi nhận lãi tại mức biên lợi nhuận sau thuế tăng 0,3% (trong năm 2024) từ mức âm 3,1% (năm 2023) và nhân rộng mô hình hiệu quả kết hợp cải thiện biên lợi nhuận tăng 1,5% (năm 2025);
(3) Tối ưu các mảng kinh doanh khác, kiểm soát hiệu quả dòng tiền hoạt động của doanh nghiệp và kết quả kinh doanh tích cực của Erablue.
Giá cổ phiếu chiết khấu về vùng hấp dẫn PE FW năm 2025 khoảng 18 lần – thấp hơn PE trung bình giai đoạn năm 2021-2024 – chưa phản ánh hết tiềm năng định giá của Bách hoá Xanh trong giai đoạn năm 2024-2026.
FPT: Giá mục tiêu 205.600 đồng/cp, tỷ suất sinh lời dự kiến 15%
BSC kỳ vọng kết quả kinh doanh năm 2025 tăng 64% svck – thiết lập mức nền lịch sử mới, được dẫn dắt bởi:
Long Châu (+114%svck): tiếp tục tăng trưởng về số lượng cửa hàng (+400/2.379) và doanh thu/cửa hàng nhờ đóng góp tuyệt đối của các cửa hàng bước vào giai đoạn trưởng thành sau giai đoạn mở nhanh chóng và cơ cấu sản phẩm hợp lý và tối ưu hóa chi phí vận hành.
FPT Shop: biên lợi nhuận dương khoảng 0,8% nhờ cải thiện cơ cấu sản phẩm và tối ưu hóa hoạt động vận hành.
HAH: Giá mục tiêu 61.700 đồng/cp, tỷ suất sinh lời dự kiến 28%
BSC kỳ vọng kết quả kinh doanh của HAH sẽ ghi nhận tăng trưởng svck trong năm 2025, nhờ:
Hoạt động cho thuê định hạn cải thiện do: (i) giá cước thuê định hạn ký giao động từ 15.000-20.000USD/ngày cải thiện mạnh so với giai đoạn đầu năm (13.000USD/ngày) và cùng kỳ (cùng kỳ HAH chủ yếu tự khai thác do giá cước và nhu cầu thấp), (ii) tàu Haian Gama mới nhận trong tháng 11/2024 được ký với giá 30.000USD/ngày kỳ vọng sẽ đảm bảo tăng trưởng trong nửa đầu năm 2025.
Hoạt động tự khai thác duy trì xu hướng hồi phục nhờ: (i) sản lượng cải thiện do nhu cầu cải thiện và xu hướng tập kết hàng hóa tại Cái Mép – Thị Vải, (ii) HAH mở thêm các tuyến dịch vụ mới, (iii) liên doanh với ONE, (iv) giá cước tự khai thác kỳ vọng +4% svck.
Biên lợi nhuận kỳ vọng cải thiện 4 điểm % trong 2025 nhờ giá cước cải thiện và thời gian cho thuê định hạn kỳ vọng dài hơn trong năm 2025.
CTG: Giá mục tiêu 42.800 đồng/cp, tỷ suất sinh lời dự kiến 20%
CTG tích cực chuyển dịch sang cho vay bán lẻ. BSC cho rằng đây là tiền đề giúp ngân hàng ít nhất duy trì được NIM trong năm 2025. Trên quan điểm thận trọng, BSC dự báo NIM năm 2024-2025 của CTG ổn định ở mức 3%, lần lượt +9bps và +2bps svck.
Chi phí tín dụng dự kiến hạ nhiệt trong năm 2025 và tạo động lực tăng trưởng lợi nhuận. Dù quá trình cắt giảm không hoàn toàn đi theo đường thẳng, BSC kỳ vọng CTG sẽ bắt đầu ghi nhận chi phí tín dụng giảm từ năm 2025 (dự báo -21bps svck), là động lực chính cho dự báo lợi nhuận trước thuế đạt 34.600 tỷ đồng (+24% svck). Thu hồi nợ xấu sẽ tiếp tục là yếu tố có thể đem lại đột biến về lợi nhuận cho ngân hàng.
Tiềm năng được nâng chấp nhận định giá. Với P/B dự phóng 1 năm là 1,1x, định giá của CTG không có nhiều chênh lệch với các ngân hàng tư nhân lớn. BSC cho rằng CTG có nhiều dư địa để được nâng chấp nhận định giá khi đang dần bước vào giai đoạn cải thiện ROAE.
BSC phân tích chỉ tiêu tài chính CTG |
PVD: Giá mục tiêu 29.900 đồng/cp, tỷ suất sinh lời dự kiến 26%
Hiệu suất sử dụng giàn khoan tự nâng duy trì ở mức cao: Trong giai đoạn nửa cuối năm 2024 và năm 2025, 5/6 giàn khoan của PVD (trừ giàn PVD 11) đều đảm bảo việc làm. BSC cho rằng các hợp đồng đều đã được ký và là các hợp đồng dài hạn (> 12 tháng) nên hiệu suất hoạt động của các giàn trong năm 2024-2025 kỳ vọng quanh mức 99%.
PVD công bố đã đầu tư 1 giàn khoan mới (tương tự các giàn khoan PVD đang sở hữu), dự kiến sẽ đi vào hoạt động từ quý IV/2025 sau thời gian PVD tiến hành cải tạo. BSC kỳ vọng giàn khoan mới sẽ nâng mức nền lợi nhuận của PVD vào năm 2026.
DPM: Giá mục tiêu 42.000 đồng/cp, tỷ suất sinh lời dự kiến 22%
Lợi nhuận cải thiện và duy trì mức nền cao từ 800–1.000 tỷ đồng/năm nhờ: giá khí đầu vào giảm nhờ kỳ vọng tỷ giá USD/VND và giá dầu giảm, chi phí sản xuất giảm nhờ luật thuế VAT được thông qua.
Sức khỏe tài chính vững mạnh, sở hữu lượng tiền mặt lớn: DPM không có nợ và đang nắm giữ gần 10.500 tỷ đồng tiền mặt.
DXG: Giá mục tiêu 21.800 đồng/cp, tỷ suất sinh lời dự kiến 25%
Doanh thu mở bán mới (presales) dự kiến phục hồi từ năm 2025 đạt 9.543 tỷ đồng sau 2 năm không tung sản phẩm mới chủ yếu nhờ tái mở bán Gem Sky World và DXH Riverside. Cơ hội tái định giá và triển vọng kinh doanh tích cực khi dự án chủ lực DXH Riverside đã hoàn thành pháp lý, dự kiến mở bán năm 2025
Định giá hấp dẫn khi doanh nghiệp bắt đầu bước vào pha phục hồi – DXG hiện đang giao dịch tại P/B 2025 là 1,13x – thấp hơn mức P/B trung bình ngành hiện tại 1,3x cũng như tương đương P/B trung bình ngành trong pha phục hồi trước 1,15x dù bối cảnh hiện tại của ngành bất động sản lành mạnh hơn.