Do chưa có đơn hàng cho 2025 nên nhiều doanh nghiệp chỉ vay trong hạn mức cũ của năm nay và quay vòng vốn theo đơn hàng hiện có đến cuối năm.
Lãi suất vay ở mức thấp
Theo báo cáo của Thống đốc NHNN Nguyễn Thị Hồng tại Quốc hội, trong 10 tháng đầu năm 2024, NHNN giữ nguyên lãi suất điều hành (sau khi đã giảm 4 lần liên tiếp năm 2023) nhằm tạo điều kiện cho các TCTD tiếp cận nguồn vốn từ NHNN với chi phí thấp để góp phần hỗ trợ nền kinh tế, đồng thời chỉ đạo các TCTD tiết giảm chi phí hoạt động để giảm lãi suất cho vay.
Thống đốc NHNN cũng cho biết lãi suất cho vay đã có xu hướng giảm sâu thời gian qua. Năm 2023 giảm hơn 2,5%/năm và tính đến 20/10/2024 tiếp tục giảm 0,76%/năm so với cuối năm 2023.
Thống kê của NHNN cũng cho biết lãi suất cho vay ngắn bình quân với lĩnh vực ưu tiên là 3,7%/ năm, lãi suất cho vay trung và dài hạn từ 6,5%/năm.
Tuy nhiên, trong khi một số doanh nghiệp xuất khẩu có đơn hàng, được cấp hạn mức vay ngắn hạn từ 3-6 tháng có thể dễ dàng tiếp cận được vốn vay ngắn hạn với lãi suất dưới 6%/năm, thì nhiều doanh nghiệp cho biết khó tiếp cận được các mức lãi suất ưu tiên này.
Ông Nguyễn Đức Lệnh, Phó Giám đốc NHNN chi nhánh TP HCM giải đáp thắc mắc này của doanh nghiệp, là quy định về tiếp cận vốn lãi suất ưu đãi đã có, theo đó doanh nghiệp phải đáp ứng được các quy định, tiêu chuẩn theo xét thẩm định của ngân hàng.
Trong xu hướng lãi suất huy động được các ngân hàng liên tiếp điều chỉnh, thậm chí trong những ngày căng thẳng tỷ giá của đầu tháng 11 có thời điểm lãi suất liên ngân hàng vượt 6,2%/năm, việc giữ mặt bằng lãi suất vay thấp được đánh giá là nỗ lực tích cực của các ngân hàng.
Ông Nguyễn Ngọc Hòa, Chủ tịch Hiệp hội doanh nghiệp TP HCM (HUBA) cho biết, các ngân hàng đã chủ động kết nối với doanh nghiệp thời gian qua và thông qua chương trình kết nối doanh nghiệp – ngân hàng, nhiều doanh nghiệp đã tiếp cận vốn vay ưu đãi lãi suất, vượt qua khó khăn và phát triển sản xuất kinh doanh.
Bên cạnh đó, Chủ tịch HUBA cũng cho biết do những khó khăn trong các giai đoạn qua khiến các doanh nghiệp suy kiệt vốn đầu tư, nên vẫn rất cần được các ngân hàng tiếp tục chia sẻ khó khăn.
Xem xét thị trường
Đối với việc tiếp cận vốn ưu đãi, ông Trần Việt Anh, Tổng giám đốc Công ty Xuất Nhập khẩu Nam Thái Sơn, Chủ tịch Hội doanh nghiệp Thủ Đức (TP HCM), chia sẻ càng về cuối năm, nhiều doanh nghiệp, ngành nghề sẽ càng cần bổ sung thêm vốn lưu động. Tuy nhiên, nhiều doanh nghiệp cũng đang trong quá trình chờ đối tác quay trở lại dẫn tới hạn chế vay vốn quá lớn.
Trao đổi với DĐDN, ông Huỳnh Tuấn, đại diện một công ty gỗ cho biết thị trường đồ gỗ đã bắt đầu có tăng trưởng đơn hàng về cuối năm. Đặc biệt, triển vọng từ thị trường Mỹ (vốn chiếm đến 40% kim ngạch của ngành gỗ Việt Nam) có thể sẽ có lợi thế về chính sách thuế so với hàng Trung Quốc khi Tổng thống đắc cử Donald Trump nhậm chức, nhưng đó vẫn mới chỉ là kỳ vọng. Do chưa có đơn hàng cho 2025 nên doanh nghiệp chỉ vay trong hạn mức cũ của năm nay và quay vòng vốn theo đơn hàng hiện có đến cuối năm.
Điều quan trọng nhất, ông này bày tỏ, xu hướng lãi suất và các rủi ro tiềm ẩn từ thị trường quốc tế khiến các doanh nghiệp nhìn chung sẽ phải thận trọng đối với tiếp cận vốn trung và dài hạn. Trong đó, như giới chuyên môn phân tích, chưa biết chính quyền Trump sẽ tác động ra sao tới chính sách lãi suất của FED, tới lạm phát cũng như thương mại toàn cầu. Nếu lãi suất của FED giữ mức cao thì tỷ giá USD/VND vẫn có kỳ vọng tăng, bên cạnh rủi ro về thao túng tiền tệ. “Chúng tôi đang xem xét và theo dõi để thoả thuận được với ngân hàng một mức lãi suất + biên độ phù hợp với khả năng trả nợ và sẵn sàng đầu tư khi có đơn hàng lớn cho năm sau”, ông Huỳnh Tuấn nói.
Nhận định NHNN sẽ linh hoạt điều hành chính sách tiền tệ, ưu tiên các mục tiêu ổn định vĩ mô, kiềm chế lạm phát, ổn định tỷ giá và hỗ trợ sản xuất và trong trưởng, ông Nguyễn Đức Lệnh cho rằng trong 2 tháng cuối năm 2024 và đầu năm 2025, nguồn tín dụng lãi suất ưu đãi được dự báo ở mức khoảng 4-6,5%/năm đối với ngắn hạn và 7-9%/năm đối với trung, dài hạn. Như vậy, đối với những doanh nghiệp có tài sản hoặc đơn hàng, hoặc vay theo dòng tiền… đáp ứng “đầu vào” tiếp cận tín dụng của các ngân hàng, vấn đề vẫn nằm ở chỗ phụ thuộc khả năng hấp thụ vốn của chính doanh nghiệp.
Ngoài ra, một chuyên gia cũng nhận định không loại trừ trong “dư địa” hạn mức còn của các nhà băng, họ đã và đang có nhiều hồ sơ để phê duyệt ở thời điểm doanh nghiệp cần vốn cuối năm. Đây cũng chính là nguyên nhân khiến tín dụng luôn tăng trưởng đạt chỉ tiêu cao của toàn hệ thống vào “phút 89” cuối năm, trong khi trước đó việc thúc đẩy giải ngân lại ì ạch.
Source link