Chỉ một tuần qua, giá cà phê Robusta trên sàn London – Anh đã lên đỉnh lịch sử với mức 5.565 USD/tấn (sáng 29-11, giờ Việt Nam), sau đó lao dốc chưa từng có khi giảm đến 575 USD/tấn chỉ trong 1 phiên. Các chuyên gia dự báo giá cà phê vẫn biến động mạnh trong thời gian tới.
Phóng viên Báo Người Lao Động ngày 3-12 đã có cuộc trao đổi với ông Nguyễn Quốc Mạnh, Phó Cục trưởng Cục Trồng trọt – Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN-PTNT), xung quanh những vấn đề nóng của việc sản xuất cà phê hiện nay.
* Phóng viên: Với tình hình giá cà phê hiện nay, Cục Trồng trọt khuyến cáo gì với nông dân và các vùng trồng?
– Ông NGUYỄN QUỐC MẠNH: Bất cứ cây trồng nào khi giá tăng lên, người dân thường có xu hướng mở rộng diện tích, ngay với những khu vực không phù hợp thổ nhưỡng hoặc nơi không được định hướng trồng.
Ví dụ, Tây Nguyên có những vùng hạn hán, không có nước tưới. Vụ cà phê vừa qua, nhiều vùng khi chớm hạn đã không có nước tưới và cà phê bị hỏng. Do đó, chúng tôi đã khuyến cáo các địa phương chú ý kiểm soát việc mở rộng diện tích, nhất là những vùng thiếu nước, vùng có tầng đất canh tác thấp.
Ngoài ra, cây cà phê đang gặp áp lực về dịch hại, đặc biệt là bệnh tuyến trùng. Những vùng có bệnh tuyến trùng nặng, mật độ dày, cần luân canh cây trồng khác trong 1-2 năm, nếu không thì cà phê tái canh sẽ chết sau 2-3 năm, gây thiệt hại về kinh tế cho người trồng. Việc tái canh, mở rộng diện tích cà phê cần tuân thủ quy trình đã được Bộ NN-PTNT ban hành cũng như thích hợp với vùng trồng.
* Có vẻ như Cục Trồng trọt đang lo ngại khủng hoảng thừa giữa lúc giá cà phê đang ở mức cao, thưa ông?
– Theo thống kê chính thức từ Tổng cục Thống kê và sở NN-PTNT các tỉnh báo cáo, niên vụ cà phê 2023-2024, sản lượng của Việt Nam đạt 1,9 triệu tấn, cao nhất từ trước đến nay.
* Nhiều người nói về tình trạng xen canh cây ăn trái, đặc biệt là sầu riêng, trong vườn cà phê. Vậy vì sao sản lượng cà phê vẫn tăng?
– Năm 2014, tức cách đây 10 năm, chúng ta có chương trình tái canh cà phê và sử dụng cây giống chất lượng cao, năng suất tốt. Từ chương trình này, vụ vừa qua, chúng ta có khoảng 150.000 ha cà phê tái canh, tức hơn 25% diện tích, đang ở thời điểm vàng cho năng suất tốt nhất khiến sản lượng tăng.
Vụ vừa qua, năng suất cà phê bình quân tăng từ 2,7 tấn lên 2,9 tấn/ha so với vụ trước. Ngoài ra, qua theo dõi các điểm kinh doanh cà phê giống thì 2 năm qua, sản lượng tiêu thụ tăng, đồng nghĩa với việc diện tích cà phê thu hoạch sẽ tăng trong thời gian tới.
* Điều này có mâu thuẫn gì không, khi sản lượng xuất khẩu cà phê của Việt Nam lại giảm trong vụ vừa qua và nhiều người giải thích là do mất mùa?
– Không có gì mâu thuẫn ở đây cả. Thông thường khi giá cà phê ổn định, luôn có một lượng cà phê tồn chuyển từ vụ trước sang vụ sau.
Thế nhưng, khi giá cà phê tăng vào 2 năm trước, nông dân và cả doanh nghiệp bán luôn cả phần tồn kho. Thế nên, khi sang vụ cà phê 2023-2024, ngành cà phê không có hàng tồn kho cho vụ sau, tức là bị “hụt” từ vụ trước. Ngoài ra, việc tiêu thụ cà phê nội địa tăng khiến đầu ra tốt hơn.
* Vụ cà phê 2024-2025 hiện tại ra sao?
– Vụ năm nay, đầu mùa bị khô hạn nặng, một số diện tích cà phê bị ảnh hưởng. Tuy nhiên, các vùng định hướng phát triển cà phê vẫn bảo đảm 3-4 đợt tưới và cuối vụ khô có các cơn mưa sớm nên sản lượng niên vụ này không bị ảnh hưởng quá nhiều.
Việc giá cà phê tốt như hiện nay sẽ thúc đẩy nông dân đầu tư, thâm canh cho vụ tiếp theo. Dù đầu ra thuận lợi nhưng nông dân cần chú ý bảo đảm an toàn thực phẩm và chất lượng, đáp ứng quy định của các thị trường nhập khẩu và sự phát triển bền vững của ngành cà phê.
Không phải lúc đầu cơ
Đề cập diễn biến thị trường cà phê hiện nay, ông Lê Đức Huy, Tổng Giám đốc Công ty TNHH một thành viên Xuất Nhập khẩu 2-9 Đắk Lắk – một trong những nhà xuất khẩu cà phê hàng đầu Việt Nam – cho rằng việc giá cà phê tăng cao rồi giảm mạnh cũng là bình thường. Trong thời gian tới, giá cà phê dự báo sẽ còn biến động mạnh nhưng theo chiều hướng tăng hay giảm chưa biết được.
Dù vậy, việc cà phê bán ra trên mức 110.000 đồng/kg vẫn là mức giá tốt, người trồng có lãi. Sắp tới, khi thu hoạch rộ hơn, nông dân có thể cân nhắc bán một ít để trang trải chi phí thu hoạch, tưới nước; còn lại có thể chờ thị trường để bán ra theo đợt. “Với giá cà phê như hiện tại, không nên đầu cơ vì rất rủi ro” – ông Huy nhấn mạnh.
Về lo lắng “khủng hoảng thừa” của ngành cà phê, ông Huy cho rằng trong ngắn hạn, đó chưa phải là nỗi lo. Năm nay Việt Nam vẫn tiếp tục mất mùa cà phê, sản lượng có thể hụt 5%-7% so với vụ trước. Đây là một trong những lý do khiến giá cà phê ở mức rất cao như hiện nay.
Đối mặt nhiều thách thức
Trong 2 ngày 3 và 4-12, tại TP HCM, Hội nghị Cà phê hàng đầu châu Á (AICC) lần thứ 27 diễn ra với chủ đề “Toàn cảnh nền kinh tế cà phê: Từ hạt cà phê đến ly cà phê hảo hạng”, do Công ty Informa Connect Limited cùng Hiệp hội Cà phê – Ca cao Việt Nam (VICOFA) tổ chức. Hội nghị quy tụ hơn 200 khách mời trong và ngoài nước, bao gồm lãnh đạo các doanh nghiệp sản xuất, rang xay, kinh doanh cà phê hàng đầu thế giới.
Phát biểu tại hội nghị, ông Nguyễn Nam Hải, Chủ tịch VICOFA, cho rằng dù giá tăng nhưng ngành cà phê đang gặp nhiều thách thức bởi tình hình địa chính trị diễn biến khó lường ở nhiều nơi trên thế giới. Xung đột Nga – Ukraine kéo dài và ngày càng phức tạp. Căng thẳng ở khu vực Trung Đông và biển Đỏ khiến cước vận tải tăng cao. Giá cà phê liên tục tăng cao gây đứt gãy chuỗi cung ứng, tạo nhiều khó khăn, rủi ro cho doanh nghiệp kinh doanh, xuất nhập khẩu cà phê.