Cổ phiếu TRT của CTCP RedstarCera đã tăng trần trong sáng 3/12 trước khi giảm hết biên độ trong phiên chiều và chốt ngày giao dịch 3/12 ở mức 23.300 đồng/CP. Dù vậy, tính đầu tháng 11 đến nay, cổ phiếu này đã tăng gần 95%.
Biến động gần đây của cổ phiếu TRT được đánh giá nhờ thông tin Tổng Công ty Thép Việt Nam (VNSteel – UPCoM: TVN) vào đầu tháng 11 đã công bố kế hoạch thoái toàn bộ 2,2 triệu cổ phần, tương đương 20,05% vốn điều lệ tại RedstarCera.
VNSteel xác định giá trị cổ phần TRT tại thời điểm ngày 30/6/2024 là hơn 126,5 tỷ đồng, tương đương giá trị thực tế một cổ phần sau thẩm định là 57.358 đồng/cổ phần. Mức giá này cao gấp 3,2 lần thị giá của cổ phiếu TRT trên thị trường tại thời điểm thông báo thoái vốn.
Phương thức giao dịch là khớp lệnh, chuyển nhượng trên sàn giao dịch chứng khoán với giá khởi điểm từ 57.358 đồng/cổ phần. Tuy nhiên, lượng cổ phiếu giao dịch hàng ngày của TRT đều rất thấp, chỉ từ vài trăm đến vài nghìn cổ phiếu. Thậm chí có nhiều phiên còn rơi vào tình trạng mất thanh khoản.
Thanh khoản của TRT “nhỏ giọt” xuất phát từ cơ cấu cổ đông khá cô đặc. Tính đến tháng 10/2024, các cổ đông lớn của TRT nắm đến gần 92% vốn công ty, đó là: Công ty TNHH Sản xuất và Thương mại Minh Ngọc (34%), Tổng Công ty Thép Việt Nam (20,05%), và 4 cá nhân là Đặng Việt Phương Anh (13,44%), Đặng Việt Dũng (11,95%), Đặng Văn Việt (5,36%) và Nguyễn Thị Thanh Hải (7,68%).
Định vị 2 nhóm cổ đông tại TRT
Cổ đông tổ chức lớn nhất tại TRT là Công ty TNHH Sản xuất và Thương mại Minh Ngọc (Minh Ngọc) với tỷ lệ sở hữu đạt 33,46%. Theo dữ liệu của Nhadautu.vn, Minh Ngọc tại thời điểm tháng 9/2023 ghi nhận vốn điều lệ đạt 1.700 tỷ đồng với 2 cổ đông góp vốn là ông Đồng Tuấn Vũ (51,59%) và bà Phạm Thúy Nga (48,41%).
Cổ đông cá nhân lớn nhất Minh Ngọc Steel – ông Đồng Tuấn Vũ nên biết là một doanh nhân có đủ tiếng tăm trong ngành thép Việt Nam.
Những năm 90 của thế kỷ XX chứng kiến sự chuyển mình của Việt Nam từ nền kinh tế kế hoạch hóa tập trung, bao cấp sang nền kinh tế hàng hóa nhiều thành phần, hoạt động theo cơ chế thị trường với sự ra đời của nhiều ngành nghề mới. Nhận thấy tiềm năng phát triển rất lớn trong mảng ống thép từ nhu cầu xây dựng và phát triển đô thị tăng mạnh, ông Đồng Tuấn Vũ đã bắt đầu khởi nghiệp trong ngành thép tại Tổng Công Ty Thép Việt Nam. Năm 1999, trong lúc vẫn đang làm tại Tổng Công Ty Thép, ông Vũ đã sáng lập Công ty Quang Minh với sản phẩm đầu tiên là ống thép đen không mạ.
Năm 2005, với tầm nhìn nhạy bén cùng hoài bão lập nghiệp, ông Đồng Tuấn Vũ đã cùng những đồng sự của mình thành lập Công ty TNHH Sản xuất và Thương Mại Minh Ngọc (Minh Ngọc Steel), chủ thương hiệu Thép Minh Ngọc.
Minh Ngọc hiện hoạt động chính trong lĩnh vực sản xuất và phân phối các loại sản phẩm ống thép, hộp thép mạ kẽm cơ khí (vuông, tròn, chữ nhật), cuộn tôn mạ kẽm, vớiqQuy trình sản xuất khép kín gồm 4 dây chuyền mạ kẽm liên tục và hơn 20 dây chuyền cuốn ống đưa tổng công suất của Minh Ngọc lên trên 300.000 tấn/năm.
Trở lại với TRT, “tiếng nói” của doanh nhân Đồng Tuấn Vũ tại doanh nghiệp này phần nào được khẳng định qua việc ông là Chủ tịch HĐQT TRT. Ngoài ra, ông Đỗ Tô Hiệu – Giám đốc, Người đại diện theo pháp luật Minh Ngọc, cũng là Thành viên HĐQT tại TRT.
Nhóm cổ đông còn lại tại TRT gồm ông Đặng Văn Việt (5,36%) – Thành viên HĐQT, Tổng giám đốc TRT và người nhà là Đặng Việt Phương Anh (13,44%), Đặng Việt Dũng (11,95%), Đặng Văn Đạt (2,72%), với tổng tỷ lệ sở hữu là 33,47%.
Ông Việt được biết đến là nhân sự kỳ cựu tại Tổng Công ty thép Việt Nam khi đảm nhiệm nhiều vai trò như Bí thư Chi bộ, Giám đốc Trung tâm HTLD với nước ngoài (tháng 8/2007 – tháng 12/2009); Phó trưởng phòng Kế hoạch Hợp tác (tháng 1/2010 – tháng 3/2011); sau đó ông trở thành Ủy viên HĐQT, Phó Tổng Giám đốc CTCP Kim khí Hà Nội (tháng 4/2011 – tháng 3/2012), và sau đó từng giữ chức Chủ tịch HĐQT TRT từ tháng 4/2012 đến tháng 7/2020. Người thay thế ông ở vị trí này là doanh nhân Đồng Tuấn Vũ đã được đề cập trong bài viết.