Tình hình kinh doanh không như kỳ vọng
CTCP Nước giải khát Sanest Khánh Hòa (mã: SKH) vừa công bố kết quả lấy ý kiến cổ đông bằng văn bản nhằm thông qua việc điều chỉnh các chỉ tiêu doanh thu và lợi nhuận trong năm 2024.
Theo đó, với hơn 80,9% số phiếu tán thành, SKH đã điều chỉnh giảm mục tiêu doanh thu từ 1.680 tỷ đồng xuống 1.170 tỷ đồng, lợi nhuận trước thuế giảm từ 96 tỷ đồng xuống 70 tỷ đồng, mức giảm lần lượt là 30% và 27%.
Theo lãnh đạo SKH, việc giảm chỉ tiêu doanh thu, lợi nhuận năm nhằm giảm áp lực tồn kho cho hệ thống phân phối, cũng như thực hiện các chiến lược sản xuất kinh doanh nhằm tăng doanh thu và thị phần; nâng cao chất lượng sản phẩm, tăng hình ảnh nhận diện thương hiệu tại điểm bán trong mùa Tết Nguyên đán sắp đến và thể hiện trách nhiệm với cổ đông.
Thực tế, kết quả kinh doanh sau 9 tháng năm 2024 của SKH sụt giảm mạnh so với cùng kỳ. Cụ thể, doanh thu thuần đạt hơn 864,6 tỷ đồng, lợi nhuận trước thuế đạt 54,9 tỷ đồng, lần lượt giảm gần 40% và gần 43% so với cùng kỳ. Nếu không điều chỉnh, sau 9 tháng, SKH mới chỉ hoàn thành hơn 51% mục tiêu doanh thu.
Cùng là doanh nghiệp trong hệ thống Công ty TNHH Nhà nước MTV Yến Sào Khánh Hòa với SKH, CTCP Nước giải khát Yến sào Khánh Hòa (mã: SKV) cũng đã điều chỉnh kế hoạch sản xuất kinh doanh năm 2024.
SKV đã thực hiện điều chỉnh giảm kế hoạch doanh thu từ 1.700 tỷ đồng xuống 1.510 tỷ đồng, giảm 11,1%; lợi nhuận trước thuế từ 95 tỷ xuống 75 tỷ đồng, giảm 21%; lợi nhuận sau thuế từ 76 tỷ xuống 60 tỷ đồng, giảm 21%. Cùng với đó, tỷ lệ chi trả cổ tức năm 2024 bằng tiền (tính theo mệnh giá 10.000 đồng/cổ phần) từ 22,4% xuống 17,7%.
SKV cho biết, năm 2024, hoạt động sản xuất của doanh nghiệp bị ảnh hưởng của suy thoái kinh tế, lạm phát tăng cao dẫn đến nhu cầu tiêu thụ hàng hóa của người tiêu dùng ngày càng giảm; đồng thời ảnh hưởng của bão Yagi cũng khiến công tác kinh doanh gặp nhiều khó khăn.
Bên cạnh đó, vấn nạn hàng giả, hàng nhái thương hiệu Yến sào Khánh Hòa, Sanest, Savinest diễn ra công khai, tràn lan và ngày càng phức tạp, gây nhầm lẫn cho người tiêu dùng, ảnh hưởng rất lớn đến uy tín, thương hiệu của công ty, doanh thu lợi nhuận giảm sút rõ rệt.
Về tình hình kinh doanh, sau 9 tháng 2024, doanh thu thuần của SKV đạt hơn 1.156 tỷ đồng và lợi nhuận trước thuế đạt hơn 60,5 tỷ đồng, lần lượt giảm 23,8% và 41,2% so với cùng kỳ năm ngoái. Nếu không điều chỉnh kế hoạch, SKV cũng chỉ hoàn thành 68% mục tiêu doanh thu.
Nhức nhối tình trạng yến sào “thật giả lẫn lộn”
Hiện, Công ty TNHH Nhà nước MTV Yến Sào Khánh Hòa (gọi tắt là Công ty Yến Sào Khánh Hòa) là cổ đông lớn nhất, đều sở hữu 51% vốn của SKH và SKV.
Theo thống kê của bộ phận Sở hữu trí tuệ của Công ty Yến sào Khánh Hòa, từ đầu năm đến nay, đơn vị đã phát hiện trên 30 đơn vị, doanh nghiệp sao chép mẫu mã, bao bì, thành phần sản phẩm; 15 doanh nghiệp ở TP. HCM sử dụng tên “Yến sào Khánh Hòa” để đặt nhãn hiệu sản phẩm; 10 website chứa tên miền “Yensaokhanhhoa”.
Trong khi đó, ông Nguyễn Mạnh Thắng, Giám đốc chi nhánh miền Bắc của Công ty Yến sào Khánh Hòa cho biết, vừa qua, đơn vị phát hiện nhiều sản phẩm yến sào của thương hiệu Yến sào Khánh Hòa bị làm giả.
Sản phẩm giả khi quét mã QR sẽ không ra thông tin, trên bao bì thể hiện địa điểm sản xuất nhưng cơ quan chức năng vào kiểm tra thì chỉ là nơi gia công dán nhãn hiệu.
Đáng chú ý, ông Thắng phản ánh, các sản phẩm nước yến gia công làm giả quảng cáo hàm lượng yến theo kiểu “thích bao nhiêu ghi bấy nhiêu”, từ 20% – 70%, trong khi thực tế kiểm nghiệm không phải như vậy. Đây là thực trạng diễn ra rất nhức nhối.
Còn theo bà Trịnh Thị Hồng Vân, Chủ tịch HĐTV Công ty Yến sào Khánh Hòa, doanh nghiệp thường xuyên phát hiện và gửi khiếu nại đến các cơ quan chức năng, bao gồm Cục Sở hữu trí tuệ, để yêu cầu xử lý các hành vi vi phạm.
“Dù đã có một số các cá nhân và tổ chức bị xử phạt, nhưng mức phạt hiện tại vẫn chưa đủ sức răn đe, dẫn đến ngày càng có nhiều đơn vị sao chụp, làm nhái sản phẩm thương hiệu Yến sào Khánh Hòa”, bà Vân nói thêm.