Ưu tiên huy động vốn trong và ngoài nước, hạn chế vay nước ngoài
Ngày 6/12, Hiệp hội các tổ chức Xếp hạng tín nhiệm Châu Á (Association of Credit Rading Agencies in Asia – ACRAA) đã tổ chức thành công Hội nghị thường niên năm 2024.
Tại hội nghị, ông Phùng Xuân Minh, Chủ tịch Saigon Ratings cho biết trong giai đoạn 2026-2030, Chính phủ Việt Nam đặt mục tiêu tăng trưởng GDP bình quân 7,5–8,5%, GDP bình quân đầu người đạt 7.400–7.600 USD. Hướng đến mục tiêu năm 2030, Việt Nam là nước đang phát triển có công nghiệp hiện đại, thu nhập trung bình cao. Quy mô nền kinh tế đạt khoảng 780–800 tỷ USD và trở thành quốc gia trong nhóm 30 nền kinh tế có quy mô GDP lớn hàng đầu thế giới.
Để thực hiện mục tiêu này, nhu cầu nguồn vốn đầu tư phát triển trung và dài hạn của nền kinh tế và hệ thống doanh nghiệp của Việt Nam là rất lớn. Cụ thể, Chính phủ Việt Nam đang nỗ lực chỉ đạo triển khai các dự án trọng điểm quốc gia đầu tư mới và nâng cấp hệ thống hạ tầng giao thông như: Cao tốc Bắc – Nam (hơn 2000km); sân bay quốc tế Long Thành (tỉnh Đồng Nai), công suất 100 triệu hành khách/năm; cảng trung chuyển quốc tế Cần Giờ (TP. HCM) và cảng quốc tế Liên Chiểu (Đà Nẵng). Đặc biệt, Chính Phủ thúc đẩy đầu tư dự án đường sắt cao tốc Bắc – Nam tốc độ cao theo thiết kế 350 km/h, điện khí hóa và tổng mức đầu tư khoảng 67,34 tỷ USD.
Đối với nguồn vốn để thực hiện các công trình trọng điểm quốc gia về hạ tầng giao thông, cảng biển, nhà máy điện hạt nhân, công nghệ cao… Chính phủ xác định phải huy động nguồn vốn trong và ngoài nước, hạn chế vay nước ngoài.
Nhiều giải pháp thúc đẩy thị trường chứng khoán và trái phiếu
Người đứng đầu Saigon Ratings đánh giá Việt Nam vẫn là quốc gia đang phát triển với nền kinh tế có tỷ lệ đòn bẩy cao, trong bối cảnh thu nhập bình quân đầu người ở mức trung bình thấp. Điều này cho thấy mô hình kinh tế của Việt Nam còn phụ thuộc rất lớn vào hệ thống ngân hàng, do quy mô của thị trường chứng khoán và thị trường trái phiếu của Việt Nam còn ở mức tương đối khiêm tốn so với nhiều quốc gia khác trong khu vực và trên thế giới.
Số liệu năm 2023 cho thấy quy mô tài sản toàn hệ thống ngân hàng gấp đôi GDP trong khi thị trường chứng khoán (TTCK) mới 65% GDP và thị trường trái phiếu 7% GDP. Về dài hạn, Chính phủ đang muốn nâng tầm thị trường chứng khoán và trái phiếu để giảm áp lực lên hệ thống ngân hàng. Cụ thể, đến năm 2030, quy mô thị trường chứng khoán đạt 120% GDP và thị trường trái phiếu đạt 30% GDP.
Ở kênh TTCK, các cơ quan quản lý Việt Nam đang nỗ lực để được nâng hạng từ cận biên sang mới nổi từ năm 2025, từ đó làm thay đổi cả chất lẫn lượng của thị trường. Nếu được nâng hạng, TTCK Việt Nam có khả năng huy động từ 50 – 70 USD từ các nhà đầu tư quốc tế.
Đối với kênh trái phiếu, Quốc hội ngày 30/11 đã thông qua điều chỉnh Luật Chứng khoản sửa đổi, trong đó buộc phải xếp hạng tín nhiệm trong hoạt động huy động vốn trái phiếu kèm tài sản đảm bảo. Đây là thông tin mới và dấy lên hy vọng cho hoạt động huy động trái phiếu doanh nghiệp.
Nhu cầu vốn rất nhiều nhưng vấn đề là niềm tin nhà đầu tư, trong thời gian qua, thị trường trái phiếu có nhiều biến động đã làm lung lay niềm tin nhà đầu tư. Nhiều doanh nghiệp đua nhau phát hành trái phiếu để huy động vốn, nhưng không đủ khả năng quản lý và sử dụng hiệu quả nguồn vốn này. Hậu quả là nhiều doanh nghiệp không thể trả nợ đúng hạn, gây ra rủi ro tín dụng cao và làm mất niềm tin của nhà đầu tư.
Mặt khác, nhiều doanh nghiệp phát hành trái phiếu tại Việt Nam chưa tuân thủ đầy đủ các quy định về công bố thông tin. Báo cáo tài chính thiếu minh bạch, không đầy đủ hoặc không được kiểm toán độc lập là những vấn đề phổ biến.
Chủ tịch Saigon Ratings nhấn mạnh 3 vấn đề lấy lại niềm tin nhà đầu tư trên thị trường trái phiếu. Đó là việc cơ quan quản lý xử lý các vụ việc tiêu cực đang dần lấy lại niềm tin cho nhà đầu tư. Thứ 2, niềm tin này còn phục thuộc lớn vào tổ chức phát hành, phải có phương án kinh doanh, hiệu quả trong công tác quản lý, quản trị, bằng mọi cách giữ chữ tín, trả nợ đầy đủ và đúng hạn theo cam kết. Thứ 3, các đơn vị tư vấn cần hướng dẫn, tư vấn rõ cho nhà đầu tư hiểu về khẩu vị rủi ro, bởi mỗi trái phiếu sẽ mức độ rủi ro cũng như sinh lời khác nhau.
Bởi vậy, xếp hạng tín nhiệm gắn với tài sản đảm bảo là công cụ để các tổ chức phát hành đảm bảo lòng tin nhà đầu tư, yên tâm là kênh đầu tư có được sự chắc chắn, an toàn. Thế nhưng, việc xếp hạng tín nhiệm tổ chức phát hành và trái phiếu doanh nghiệp chưa trở thành tập quán văn hóa kinh doanh theo thông lệ quốc tế tại Việt Nam.