Chi tiết

Chấm dứt hoạt động Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước, số phận 19 tập đoàn, tổng công ty ra sao?

Năm 2024, các doanh nghiệp thuộc Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước đạt doanh thu ước tính hơn 2 triệu tỷ đồng.

Phó Thủ tướng Thường trực Nguyễn Hòa Bình vừa ký văn bản số 141 ngày 6/12 về kế hoạch định hướng, sắp xếp và tinh gọn tổ chức bộ máy của Chính phủ. Theo nội dung văn bản, Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp (CMSC) sẽ kết thúc hoạt động, quyền và trách nhiệm của đại diện chủ sở hữu Nhà nước đối với 19 tập đoàn, tổng công ty sẽ được chuyển về các bộ quản lý.

Đối với các tập đoàn lớn như Tập đoàn Dầu khí quốc gia Việt Nam, Tập đoàn Điện lực, Tập đoàn Bưu chính Viễn thông, Tập đoàn Công nghiệp Than – Khoáng sản, Tổng công ty Đường sắt Việt Nam và Tổng công ty Đầu tư phát triển đường cao tốc Việt Nam, tổ chức Đảng của các đơn vị này sẽ chuyển về trực thuộc Đảng bộ Chính phủ.

Chấm dứt hoạt động Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước, số phận 19 tập đoàn, tổng công ty ra sao?
19 tập đoàn, tổng công ty sẽ được chuyển về các bộ quản lý.

Theo kế hoạch, một phần chức năng của Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp sẽ được chuyển về các bộ ngành, phần còn lại sẽ thuộc quản lý của Bộ Tài chính.

Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp được thành lập từ tháng 2/2018. Đây là cơ quan thuộc Chính phủ, thực hiện chức năng đại diện chủ sở hữu đối với các doanh nghiệp mà Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ và phần vốn nhà nước tại công ty cổ phần, công ty trách nhiệm hữu hạn hai thành viên trở lên.

Hiện tại, Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp trực tiếp đại diện chủ sở hữu của 19 doanh nghiệp lớn, bao gồm Tổng công ty Đầu tư và Kinh doanh vốn nhà nước (SCIC), Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN), Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN), Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam (Petrolimex), Tập đoàn Hóa chất Việt Nam và nhiều doanh nghiệp khác theo quyết định của Thủ tướng.

Theo ông Nguyễn Ngọc Cảnh, Phó Chủ tịch Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp, trong năm 2024, các doanh nghiệp thuộc quản lý của Ủy ban đã đạt được kết quả tích cực. Cụ thể, doanh thu hợp nhất ước đạt 2,03 triệu tỷ đồng, tương đương 120% kế hoạch năm và tăng 7% so với cùng kỳ. Lợi nhuận trước thuế đạt 111.692 tỷ đồng, bằng 158% kế hoạch năm, tăng 56% so với cùng kỳ. Nộp ngân sách Nhà nước số tiền 206.206 tỷ đồng, bằng 153% kế hoạch, tăng 5% so với cùng kỳ.

Ngoài ra, giá trị thực hiện đầu tư hợp nhất của 19 tập đoàn và tổng công ty đạt khoảng 160.000 tỷ đồng, tăng 30% so với cùng kỳ năm 2023. Các dự án lớn và trọng điểm đã hoàn thành bao gồm: Đường dây 500kV Nhà máy Nhiệt điện Nam Định I – Phố Nối, đường dây 500kV mạch 3 Quảng Trạch – Phố Nối.



Nguồn tin