Năm 2015, khi Malaysia giữ chức Chủ tịch ASEAN, thế giới chứng kiến nhiều biến động chính trị. Mười năm sau, bối cảnh chiến lược ở Đông Nam Á đã hoàn toàn khác.
ASEAN vẫn phải đối mặt với những thách thức khác nhau, một trong số đó đã được xác định trong Tầm nhìn Cộng đồng ASEAN 2045. Chủ đề “Tính bao trùm và tính bền vững” của Malaysia là lời nhắc nhở kịp thời để ưu tiên lại một cộng đồng “hướng đến con người, lấy con người làm trung tâm”.
Động lực để thực hiện điều này đang gia tăng. Theo bà Elina Noor, thành viên cấp cao tại Quỹ Carnegie, đã đến thời điểm trật tự quốc tế cần được tái sắp xếp vì nó không còn đáp ứng được nhu cầu của đa số.
Trong bối cảnh này, các thành viên ASEAN đã bắt đầu đa dạng hóa danh mục đầu tư chiến lược của mình theo những cách thận trọng nhưng có ý nghĩa. Việc mở rộng các giao dịch tiền tệ nội địa xuyên biên giới và kết nối thanh toán khu vực giữa các quốc gia thành viên để đảm bảo khả năng phục hồi tài chính là một ví dụ.
Những ví dụ khác bao gồm việc Malaysia, Indonesia, Thái Lan trở thành các quốc gia đối tác của BRICS, nâng cấp Hiệp định thương mại tự do ASEAN-Trung Quốc dự kiến vào năm 2025…
Ngoài hội nhập kinh tế, chuyên gia Elina Noor cho rằng, Malaysia có thể thúc đẩy vai trò trung tâm và quyền chủ động của ASEAN theo sự kết hợp giữa các cách tiếp cận dần dần và táo bạo bắt đầu từ năm tới.
Đầu tiên, bà Elina Noor chỉ ra, mặc dù ASEAN cần phản ứng trước sự cạnh tranh giữa các cường quốc, nhưng không nên để bị phân tâm hoặc suy yếu vì điều đó. Sự trở lại của Tổng thống đắc cử Donald Trump trên trường quốc tế có thể khơi dậy tâm lý thận trọng trong giới quan sát chính sách về cách Mỹ sẽ tương tác với phần còn lại của thế giới.
Trong khi ASEAN chuẩn bị cho những biến động có thể xảy ra, thì không nên để điều này bị nhấn chìm. Trên thực tế, ASEAN sẽ cần làm nhiều hơn những gì đã làm, bao gồm tích cực tìm kiếm quan hệ đối tác với các khu vực khác trên thế giới trong khi vẫn duy trì các mối quan hệ đã được thiết lập.
Đề xuất của Malaysia về việc triệu tập một cuộc họp ASEAN-GCC-Trung Quốc vào năm tới là một ví dụ điển hình. Khu vực cũng có thể tiếp nối bản ghi nhớ Diễn đàn quần đảo Thái Bình Dương được ký kết trong thời gian Indonesia làm Chủ tịch ASEAN vào năm 2023 bằng cách khởi xướng các cuộc thảo luận thực chất về các chủ đề cùng quan tâm, bao gồm tình trạng khẩn cấp về khí hậu và cơ sở hạ tầng kỹ thuật số quan trọng như cáp truyền thông ngầm.
Thứ hai, ASEAN cần một diễn đàn liên ngành thực chất để thảo luận về tác động và hệ quả của công nghệ. Cho đến nay, khối này đã tập trung vào chính sách công nghệ dưới góc độ kinh tế, đặt cược vào chuyển đổi số để thúc đẩy tăng trưởng.
Tuy nhiên, công nghệ sẽ có tác động lớn đến cả ba trụ cột của Cộng đồng ASEAN, nhất là khi cuộc đua giành quyền thống trị công nghệ giữa Mỹ và Trung Quốc đã dẫn đến việc an ninh hóa toàn bộ chuỗi giá trị công nghệ, từ khoáng sản thô và linh kiện cho đến cơ sở hạ tầng và các nền tảng số.
Vì ASEAN là một nút quan trọng trong chuỗi cung ứng toàn cầu và các tuyến cáp ngầm, cũng như là một thị trường tiêu dùng đang phát triển, nên điều quan trọng là các bên liên quan trong khu vực phải cân nhắc đến những tác động đa dạng của công nghệ, bao gồm an ninh quốc gia hoặc khu vực, thương mại và mậu dịch, năng lượng và sinh thái, và công bằng xã hội.
Việc thành lập một diễn đàn thường niên hoặc một hội đồng cố vấn sẽ triệu tập các bên liên quan để hỗ trợ khu vực này xây dựng cách thức phản ứng và có chiến lược đối phó những diễn biến trong bối cảnh công nghệ ngày một phát triển.
Cuối cùng, mối bận tâm hiện tại của khu vực với các cuộc cách mạng kỹ thuật số và xanh mang đến cho Malaysia cơ hội áp dụng có ý nghĩa chủ đề “tính bao trùm và tính bền vững” trong cả hai lĩnh vực.
Điều này đòi hỏi khu vực phải đánh giá một cách nghiêm túc cách công nghệ dựa trên dữ liệu có thể củng cố hoặc làm trầm trọng thêm bất bình đẳng xã hội thông qua chi phí môi trường, sai lệch thuật toán và bóc lột lao động; cách mà sự tập trung hạ tầng tính toán ảnh hưởng đến khả năng tiếp cận, tính bao trùm và trách nhiệm giải trình; cũng như cách mà quá trình số hóa mọi thứ có thể tác động đến xã hội trong dài hạn.
Theo bà Noor, việc xem xét những vấn đề này sẽ đòi hỏi phải áp dụng cách tiếp cận liên ngành thay vì chủ yếu là cách tiếp cận kinh tế đối với công nghệ. Chính phủ Malaysia hoặc các tổ chức có thể khởi xướng các cuộc họp về những vấn đề này và kết quả của các cuộc họp này sau đó có thể được đưa vào Hội nghị Bộ trưởng Kỹ thuật số ASEAN.
Các chuyên gia cho rằng vai trò lãnh đạo ASEAN của Malaysia vào năm 2025 sẽ tạo cơ hội cho đất nước này phát huy những nỗ lực của các Chủ tịch ASEAN nhiệm kỳ trước. Tuy nhiên, để hiện thực hóa tính trung tâm, Malaysia nên làm những điều khác biệt, vì thế giới không còn như trước nữa.