Chi tiết

Lãi suất điều hành trước sức ép từ tỷ giá?

Lãi suất điều hành trước sức ép từ tỷ giá?

Một số dự báo gần đây cho rằng, lãi suất điều hành tại Việt Nam có thể sẽ được điều chỉnh tăng từ năm sau, như là cách để hóa giải phần nào sức ép tỷ giá, giữ ổn định giá trị tiền đồng. Liệu kịch bản này có thể diễn ra?

USD tăng giá

Tỷ giá USD/VNĐ trong năm nay đang hướng đến khả năng lần đầu tiên trong nhiều năm qua chứng kiến mức tăng hơn 4%. Tính đến cuối tuần qua, giá giao dịch USD tại các ngân hàng đã tăng 4.5% so với đầu năm ở chiều mua vào và tăng 4.3% ở chiều bán ra. Trong khi đó, giá USD trên thị trường tự do cũng ghi nhận mức tăng tương ứng là 3.8% và 4% ở chiều mua vào và bán ra.

Trước đó trong năm 2022, giá USD tại các ngân hàng tăng bình quân hơn 3.5%, kế tiếp năm 2023 tăng gần 3%. Thị trường phi chính thức có chu kỳ lệch so với thị trường chính thức, dù có những thời điểm tăng mạnh nhưng tính chung năm 2022 giá USD tự do tăng chưa đến 1%, nhưng sang năm 2023 tăng mạnh hơn 4.2%. Như vậy, tính chung trong 3 năm qua, giá USD trong nước đã tăng xấp xỉ gần 11%, bất chấp nền kinh tế vẫn ghi nhận xuất siêu hàng hóa lớn, dòng vốn đầu tư nước ngoài thực hiện và kiều hối tăng trưởng tích cực.

Cụ thể, năm 2022 Việt Nam xuất siêu 12.8 tỷ USD, vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) thực hiện tại Việt Nam đạt gần 22.4 tỷ USD, tăng 13.5%. Năm 2023, con số xuất siêu tăng vọt lên mức  28,3 tỷ USD, còn vốn FDI giải ngân tiếp tục tăng 3.5% lên gần 23.2 tỷ USD. 11 tháng đầu năm, Việt Nam tiếp tục xuất siêu hơn 24.3 tỷ USD và ghi nhận lượng vốn FDI giải ngân là 21.68 tỷ USD, tăng 7.1% so với cùng kỳ năm trước. Ngoài ra, chưa tính lượng kiều hối đổ về Việt Nam trong những năm gần đây đều từ 15 tỷ USD trở lên, cùng với giá trị góp vốn đầu tư mua cổ phần mạnh mẽ.

Dù vậy, cán cân thanh toán của Việt Nam vẫn thiếu ổn định, khi năm 2022 thâm hụt hơn 22.7 tỷ USD, trước khi thặng dư trở lại 5.6 tỷ USD trong năm 2023, nhưng 6 tháng đầu năm lại chuyển sang thâm hụt gần 6.1 tỷ USD. Nguyên nhân ảnh hưởng chủ yếu bởi các hoạt động nhập lậu hàng hóa và chuyển ngân lậu ra nước ngoài, thể hiện qua khoản mục lỗi và sai sót liên tục duy trì ở mức cao, như năm 2022 lên đến 22.7 tỷ USD, 2023 là 16.6 tỷ USD và nửa đầu năm 2024 là 4.3 tỷ USD.

Sức ép lãi suất

Dĩ nhiên cũng cần phải thừa nhận xu hướng mất giá của tiền đồng trong 3 năm qua cũng chịu tác động từ diễn biến mạnh lên của đồng USD trên thị trường quốc tế, khi Cục dự trữ liên bang Mỹ (Fed) bắt đầu thắt chặt chính sách tiền tệ và nâng lãi suất USD trở lại kể từ tháng 3/2022. Ngoài ra, nếu so với nhiều đồng tiền khác trong khu vực, mức độ mất giá của tiền đồng Việt Nam là khiêm tốn hơn nhiều.

Đáng lưu ý là Fed đã bắt đầu lộ trình giảm lãi suất trở lại kể từ tháng 9 năm nay, khi đã giảm 0.5% trong cuộc họp vào tháng 9 và giảm tiếp 0.25% trong cuộc họp vào tháng 11 vừa qua. Tuy nhiên, cuộc họp tháng 12 này dự báo đà giảm lãi suất của Fed sẽ bị chững lại, trước lo ngại lạm phát của Mỹ có thể tăng trở lại trong giai đoạn tới do ảnh hưởng bởi chính sách áp hàng rào thuế nhập khẩu lên các đối tác thương mại và trục xuất lượng lớn người nhập cư mà có thể gây căng thẳng thị trường lao động và đẩy giá tiền lương tăng lên.

Hệ quả là đồng USD thời gian gần đây bất ngờ phục hồi mạnh mẽ, một lần nữa gây sức ép lên chính sách tiền tệ của các nước. Như trong tháng 10, tỷ giá USD/VNĐ trong nước đã bật tăng trở lại gần 2%. Những áp lực lên tỷ giá có thể chưa dừng lại trong năm 2025, khi giới phân tích cho rằng các chính sách mở rộng tài khóa và áp đặt hàng rào thuế quan của ông Trump, cộng thêm lộ trình buộc giảm lãi suất chậm lại của Fed, sẽ tiếp tục hỗ trợ đồng USD tăng giá.


Về phần mình, Việt Nam cũng không muốn một đồng tiền quá mạnh sẽ ảnh hưởng đến các hoạt động xuất khẩu, vốn đã là một phần động lực tăng trưởng quan trọng trong những năm gần đây. Đặc biệt trong trường hợp nếu rơi vào tầm ngắm bị Hoa Kỳ áp thuế trong giai đoạn tới, việc giữ đồng tiền yếu cũng sẽ phần nào giảm bớt sức tác động của hàng rào thuế quan.

Theo đó, một số dự báo gần đây cho rằng, lãi suất điều hành tại Việt Nam có thể sẽ được điều chỉnh tăng từ năm sau, như là cách để hóa giải phần nào sức ép tỷ giá, giữ ổn định giá trị tiền đồng. Đặc biệt, trong bối cảnh dự trữ ngoại hối thời gian qua đã sụt giảm sau các đợt bán ngoại tệ can thiệp để hỗ trợ thị trường ngoại hối, các công cụ chính sách tiền tệ còn lại hiện không còn nhiều dư địa, công cụ lãi suất được xem là lựa chọn phù hợp.

Hiện các loại lãi suất điều hành của Việt Nam gồm lãi suất tái cấp vốn đang nằm ở mức 4.5%/ năm, lãi suất tái chiết khấu 3%/ năm. Lãi suất cho vay qua đêm thanh toán điện tử liên ngân hàng 5%/ năm, trần lãi suất tiền gửi kỳ hạn dưới 6 tháng 4.75%/ năm. Lần điều chỉnh gần nhất là từ tháng 6 năm 2023, đều theo hướng giảm xuống.

Không có gì chắc chắn

Tuy nhiên, với mục tiêu tăng trưởng kinh tế Quốc Hội đặt ra cho năm 2025 ở mức 7-7.5%, còn Chính phủ cho biết sẽ phấn đấu đạt 8%, có lẽ việc duy trì nới lỏng chính sách tiền tệ, giữ ổn định lãi suất vẫn sẽ được ưu tiên hơn, nhất là khi lạm phát vẫn nằm trong tầm kiểm soát. Định hướng chính sách tiền tệ của Việt Nam trong những năm gần đây cũng chủ yếu theo đuổi chính sách lạm phát mục tiêu.

Đối với những áp lực về tỷ giá, xu hướng đồng USD có tiếp tục đi lên hay không vẫn chưa có gì chắc chắn. Quá khứ từng cho thấy, ngoài việc sử dụng các công cụ thuế quan để đạt được cân bằng thương mại với các nước, ông Trump cũng từng nhiều lần thể hiện quan điểm không muốn một đồng USD mạnh mà sẽ làm suy giảm lợi thế cạnh tranh của các doanh nghiệp xuất khẩu nước này.Thậm chí trong nhiệm kỳ đầu tiên, ông Trump từng tức giận vì Fed tăng lãi suất đẩy đồng USD tăng trái với mong muốn của ông vào năm 2018, và đã có lúc tìm cách sa thải chủ tịch Fed Jerome Powell khi đó.

Về phần mình, Việt Nam cũng không muốn một đồng tiền quá mạnh sẽ ảnh hưởng đến các hoạt động xuất khẩu, vốn đã là một phần động lực tăng trưởng quan trọng trong những năm gần đây. Đặc biệt trong trường hợp nếu rơi vào tầm ngắm bị Hoa Kỳ áp thuế trong giai đoạn tới, việc giữ đồng tiền yếu cũng sẽ phần nào giảm bớt sức tác động của hàng rào thuế quan.

Bên cạnh đó, xu hướng tái cấu trúc chuỗi cung ứng toàn cầu và chuyển dịch dòng vốn đầu tư có thể tiếp tục diễn ra trong nhiệm kỳ thứ 2 của ông Trump. Nếu chính quyền khoét sâu cuộc chiến thương mại với Trung Quốc, áp hàng rào thuế quan nặng nề lên hàng hóa của nền kinh tế thứ 2 thế giới, mà như ông từng tuyên bố trong giai đoạn tranh cử là có thể lên đến 60%, Việt Nam lại trở thành điểm thu hút các cơ sở dịch chuyển từ Trung Quốc sang Việt Nam.

Chẳng những vậy, với việc gần đây Việt Nam đã liên tục nâng cấp lên mối quan hệ đối tác chiến lược toàn diện với nhiều nước khác, cũng như ký kết nhiều Hiệp định thương mại tự do (FTA), Việt Nam cũng đang trở thành điểm đến hấp dẫn dòng vốn đầu tư toàn cầu, mà việc tập đoàn Nvidia mới đây thành lập trung tâm R&D và trung tâm Dữ liệu AI tại Việt Nam là minh chứng rõ nhất. Với nguồn vốn đầu tư rót vào mạnh mẽ, nguồn cung ngoại tệ của Việt Nam cũng sẽ được đảm bảo, do đó cũng giảm sức ép lên thị trường ngoại hối trong nước.

Thụy Nhiên

FILI



Source link