Chi tiết

Năm 2024, ‘sóng’ M&A ngành y dược chững lại

Dù M&A ngành y dược sôi động hồi đầu năm với cái bắt tay của IHH với Long Châu, nhưng sau đó lại chững lại. Ảnh minh hoạ: Minh Thông.

Năm 2024, M&A ngành y dược kém sôi động

Năm 2023, thị trường y dược, chăm sóc sức khoẻ Việt Nam chứng kiến nhiều thương vụ mua bán và sáp nhập (M&A) đình đám, trong đó, nổi bật là những thương vụ “thâu tóm” Bệnh viện quốc tế FV và Bệnh viện Quốc tế Mỹ (AIH) của Thomson Medical và Raffles Medic, những thương hiệu y tế hàng đầu Singapore.

Đến năm 2024, thị trường M&A ngành y dược Việt Nam sôi động ngay từ đầu năm với thương vụ “bắt tay” hợp tác chiến lược giữa FPT Long Châu và tập đoàn IHH Healthcare Singapore hồi cuối tháng 1. Song, ở một chừng mực nào đó, đây có thể xem là thương vụ hợp tác hơn là một thương vụ M&A.

Giá trị thương vụ hợp tác không được tiết lộ. Song, đây được xem là bước khởi đầu, đánh dấu sự hiện diện tại Việt Nam của một trong những tên tuổi của ngành chăm sóc sức khoẻ châu Á, IHH Healthcare Singapore. Trả lời báo chí, ông Peter Chow, Quyền Tổng Giám đốc Tập đoàn IHH Singapore cho biết, IHH Healthcare lựa chọn “bắt tay” với FPT Long Châu thay vì một thương vụ M&A vì yếu tố công nghệ.

Theo ông Peter Chow, làn sóng các tập đoàn y tế hàng đầu khu vực đổ bộ về Việt Nam cho thấy tiềm năng phát triển của thị trường. Việt Nam có nền kinh tế đang trên đà phát triển, với những chính sách thu hút đầu tư cởi mở từ chính phủ cũng như sự kỳ vọng tăng chất lượng dịch vụ y tế từ người dân.

Đại diện IHH Healthcare phân tích, cơ cấu dân số gìa (cứ 4 người sẽ có 1 người từ 65 tuổi trở lên), khiến nền y tế của Singapore phát triển mạnh và sớm, sau đó, là làn sóng chuyển dịch tại các thị trường đang phát triển như Việt Nam.

Ông Chow cho rằng, thách thức của ngành y tế Việt Nam nói riêng và nhiều khu vực khác nói chung chính là giá dịch vụ y tế. Muốn phát triển, phải giải quyết được bài toán chi phí y tế, sao cho phù hợp với đại đa số người dân bản địa.

Tuy nhiên thương vụ hợp tác của IHH Healthcare với Long Châu trở thành dấu ấn hiếm hoi của thị trường M&A ngành y dược trong năm 2024, bất chấp những dự đoán khởi sắc đã được nhiều chuyên gia nhận định trước đó.

Chờ đợi gì ở năm 2025?

Bất chấp sự chững lại ở năm 2024, trong năm 2025, thị trường M&A Việt Nam nói chung và M&A ngành y dược nói riêng được kỳ vọng sẽ phục hồi dần. Một loạt công ty hạ tầng, bất động sản như CII, DIC cũng hướng sự chú ý vào thị trường chăm sóc sức khoẻ cho thấy sức bật của thị trường trong thời gian tới, như Nhadautu.vn đã thông tin trước đó.

Phát biểu tại một sự kiện gần đây, ông Oh Hsiu-Hau, Luật sư điều hành, Công ty Allen & Gledhill (Việt Nam) cho rằng, đà phục hồi của M&A vẫn còn phụ thuộc nhiều vào sự ổn định của kinh tế toàn cầu, sự cải thiện của hành lang pháp lý và chính sách, mức độ thuận lợi của các chính sách lãi suất USD, tính tích cực của bối cảnh địa chính trị và sự gia tăng niềm tin của nhà đầu tư.

“Tâm lý nhà đầu tư có thể vẫn thận trọng trong nửa đầu năm 2025, nhưng nhiều yếu tố có thể thúc đẩy sự quan tâm trở lại. Khi lạm phát ổn định, lãi suất giảm áp lực và tỷ giá được kiểm soát, niềm tin của nhà đầu tư sẽ được củng cố, thúc đẩy nhiều hoạt động hơn. Ngành y tế được dự báo sẽ tiếp tục phát triển, với nhu cầu tăng về dịch vụ chất lượng cao và cải tiến hạ tầng”, ông Oh Hsiu-Hau nhận định.

Trong khi đó, các chuyên gia của Vietnam Report nhận định, về dài hạn, thị trường dược phẩm và thiết bị y tế, chăm sóc sức khỏe được đánh giá có tiềm năng tăng trưởng cao và dư địa phát triển lớn. Việt Nam đang thuộc nhóm quốc gia có tốc độ tăng trưởng ngành dược nhanh nhất thế giới, với tốc độ tăng trưởng kép (CAGR) dự kiến đạt 6-8% trong giai đoạn 2023-2028 (theo IQVIA). Bên cạnh đó, theo dự báo của Statista, doanh thu thị trường thiết bị y tế Việt Nam cũng ghi nhận sự tăng trưởng ổn định qua các năm, từ mức 922 triệu USD năm 2016 lên 1,6 tỷ USD vào năm 2024 và dự kiến đạt 2,5 tỷ USD vào năm 2029.

“Việt Nam hiện có 159 công ty nước ngoài đầu tư vào lĩnh vực y dược với tổng số vốn đầu tư khiêm tốn khoảng 1,8 tỷ USD. Dự thảo sửa đổi Luật Dược khuyến khích doanh nghiệp FDI liên kết nhiều hơn với các cơ sở sản xuất trong nước. Việc giảm gánh nặng thủ tục hành chính liên quan đến các mô hình chuyển giao công nghệ sẽ giúp thu hút các công ty đa quốc gia có chuyên môn vào Việt Nam, hướng tới việc thu hút đầu tư cho các hoạt động nghiên cứu phát triển, chuyển giao công nghệ để sản xuất dược chất, thuốc mới, thuốc biệt dược gốc, thuốc hiếm, thuốc generic đầu tiên, thuốc công nghệ cao, vắc xin và sinh phẩm… của các tập đoàn dược phẩm FDI tại Việt Nam.

Từ đó, chủ động, phát triển bền vững sản xuất trong nước, đồng thời thúc đẩy các hoạt động xuất khẩu đến các thị trường tiên tiến. Thêm vào đó, sau giai đoạn mời gọi nhiều doanh nghiệp đầu tư, Việt Nam cũng cần có những chính sách để kéo thêm doanh nghiệp ở các lĩnh vực công nghệ cao, nghiên cứu và phát triển (R&D)… để chuyển mình mạnh mẽ trong các thập kỷ tới”, Vietnam Report dự đoán.

Báo cáo Global Medical Trend Rates (tỷ lệ xu hướng y tế toàn cầu) của Aon trong các năm 2022, 2023, 2024 cho thấy, chi phí y tế tại Việt Nam liên tục tăng, lần lượt là 5.5%, 6.5% và 6.7%. Tính trung bình trong 3 năm qua, tỉ lệ gia tăng của chi phí y tế cao hơn đến 1,6 lần so với tỉ lệ lạm phát kinh tế. Điều này phần nào chỉ ra viễn cảnh chi phí y tế có thể sẽ trở thành gánh nặng tài chính với nhiều người trong tương lai.

Trên thực tế, chi phí y tế tại Việt Nam đã được dự báo sẽ gia tăng trong thời gian tới. Theo quy định mới của Luật Khám chữa bệnh, từ năm 2024, sẽ có hơn 1.900 danh mục dịch vụ khám bệnh, hội chẩn được điều chỉnh tăng giá. Trong đó, dịch vụ kỹ thuật, xét nghiệm… tăng 1 – 4%, có dịch vụ tăng giá đến 10%, giá dịch vụ ngày giường bệnh tăng khoảng 10 – 14%…

Theo khảo sát Asia Care 2024 của Manulife, khi được hỏi về dự đoán lạm phát y tế, những người Việt Nam được khảo sát cho rằng chi phí y tế đã có mức tăng trung bình là 24% trong năm vừa qua. Trong đó, những loại chi phi y tế được cho là tăng nhiều nhất gồm chi phí thuốc theo toa; chi phí kiểm tra, phòng bệnh; chi phí khám bệnh ngoại trú và chi phí dịch vụ chăm sóc sức khỏe. 72% số người Việt được khảo sát cũng cho biết chi phí y tế tăng cao là thách thức lớn về tài chính đối với họ.



Nguồn