(ĐTCK) Bước sang tháng cuối cùng của năm 2024, các nhà đầu tư dường như chờ đợi thông tin tích cực hơn từ vĩ mô cũng như kết quả kinh doanh năm 2024 của doanh nghiệp niêm yết. Ông Lê Đức Khánh, Giám đốc Phân tích, Công ty Chứng khoán VPS cho rằng, không còn quá sớm để tính đến việc chọn danh mục cho năm mới.
Chỉ số VN-Index vừa có một tuần giao dịch khá tích cực, với mức tăng hơn 20 điểm trong tuần. Ông có kỳ vọng vào sóng tăng mạnh trong ba tuần cuối cùng của năm 2024?
Vùng hỗ trợ mạnh của chỉ số đã được xác nhận và thị trường bước vào pha hồi phục tốt, khi đóng cửa tuần qua ở mức 1.270,14 điểm.
Với triển vọng kinh tế vĩ mô khả quan, chính sách nới lỏng tiền tệ của các ngân hàng trung ương trên thế giới, VN-Index có thể ghi nhận pha hồi phục, nhẹ nhàng hướng lên khu vực 1.280 – 1.300 điểm ngay trong tháng 12 này.
Giai đoạn vừa qua, thị trường chứng khoán Việt Nam đặc biệt chịu ảnh hưởng của biến động tỷ giá. Liệu tỷ giá có tiếp tục là yếu tố đáng lưu tâm với thị trường chứng khoán trong nước thời gian tới?
Biến động mạnh của tỷ giá USD/VND trong tháng 11 vừa qua cũng khá tương đồng với các năm trước và chỉ số DXY tăng cao trong giai đoạn quý III và nửa đầu quý IV có lẽ mang tính thời điểm trong bối cảnh ông Donald Trump đắc cử Tổng thống Mỹ, số liệu kinh tế vĩ mô Mỹ khả quan, đồng USD mạnh lên.
Ở trong nước, Ngân hàng Nhà nước mạnh tay gom mua ngoại tệ, hụt cung ngoại tệ cũng dẫn đến tỷ giá biến động. Yếu tố tỷ giá, chưa kể động thái bán ròng của khối ngoại giai đoạn vừa qua đã ảnh hưởng phần nào đến tâm lý nhà đầu tư trên thị trường chứng khoán.
Tuy nhiên, đây không phải là vấn đề đáng lo, bởi kiểm soát tỷ giá là ưu tiên hàng đầu của Chính phủ và thời gian qua, Ngân hàng Nhà nước đã điều hành chính sách tiền tệ linh hoạt để đảm bảo mục tiêu này. Chỉ số DXY có thể sẽ hạ nhiệt trong tháng 12 và không phải là vấn đề đối với thị trường chứng khoán.
Chỉ số VN-Index đã xác nhận vùng đáy 1, theo ông, có tiếp tục hình thành vùng tích lũy 2 ngay trong tháng 12 không?
Vùng đáy 1 của VN-Index cũng có thể được coi là khu vực “quá bán” và áp lực bán gia tăng ở vùng này khiến thị trường dễ quay lại khu vực điểm cân bằng quanh mốc 1.240, 1.250, 1.260 điểm.
Đây cũng có thể được coi là vùng hỗ trợ tích lũy của thị trường trước khi bật lên, hướng lên mốc 1.280-1.300 điểm trong tháng 12. Có thể sẽ không có vùng đáy 2 rõ nét nào, mà chỉ dao động trong biên độ hẹp, tích lũy trước khi tăng tiếp.
Ông Lê Đức Khánh |
Như ông chia sẻ, thị trường khó lường trong ngắn hạn. Vậy ở thời điểm hiện tại, có quá sớm để tính đến việc tái cơ cấu danh mục đầu tư cho năm 2025?
Hoạt động cơ cấu danh mục có thể được thực hiện định kỳ hoặc thỉnh thoảng, thường xuyên trong năm. Riêng tuần này, nhà đầu tư có thể thực hiện một vài đợt cơ cấu lại danh mục, nhất là sau giai đoạn điều chỉnh “khó chịu” của thị trường vừa qua.
Theo ông, nhóm cổ phiếu nào sẽ là tâm điểm của thị trường giai đoạn tới?
Một số nhóm ngành đang được chúng tôi quan tâm là: Thứ nhất, công nghệ – viễn thông, với các cổ phiếu FPT, VTP, VGI, CMG; thứ hai, nhóm cổ phiếu tăng trưởng, bao gồm cả nhóm cổ phiếu dược phẩm khi mà trạng thái của cổ phiếu dược phẩm vẫn phân hóa, có nhóm tăng (DBD, IMP, DHT…) và có nhóm biến động ít về giá; thứ ba, nhóm cổ phiếu bất động sản, vật liệu xây dựng; thứ tư, nhóm cổ phiếu hóa chất, cao su tự nhiên, săm lốp, với các cổ phiếu nổi bật như CSV, DDV, DGC, CSM, DPM…
Vậy nhà đầu tư nên chọn hướng tiếp cận nào trong năm tới?
Năm 2025 có thể là năm thuận lợi hơn đối với thị trường chứng khoán. Nhiều cổ phiếu nổi trội, có kết quả kinh doanh khả quan hoặc đứng đầu ngành có thể có mức tăng giá mạnh hơn so với thị trường chung và với nhiều cổ phiếu ngành khác. Mua cổ phiếu với tầm nhìn dài hạn vẫn nên là phương pháp tiếp cận phù hợp với số đông nhà đầu tư.
Cơ hội đầu tư ở thời điểm này đang rõ nét hơn. Dẫu vậy, việc mua vào với tỷ trọng thận trọng vẫn nên được ưu tiên.
Nguồn tin: https://www.tinnhanhchungkhoan.vn/thoi-diem-chon-hang-cho-nam-2025-post359502.html