Chi tiết

Kế hoạch 3-3-3 của chính quyền ông Trump

Giảm thâm hụt, nâng tăng trưởng và bơm thêm dầu là kế hoạch 3-3-3 đầy tham vọng nhưng thách thức của Bộ trưởng Tài chính được ông Trump đề cử.

Scott Bessent, người được Tổng thống đắc cử Donald Trump đề cử làm Bộ trưởng Tài chính có kế hoạch gọi là 3-3-3, gồm: giảm thâm hụt ngân sách còn 3% GDP vào 2028; thúc đẩy tăng trưởng lên 3% và tăng sản xuất năng lượng thêm tương đương 3 triệu thùng dầu mỗi ngày.

3-3-3 được lấy cảm hứng từ kế hoạch “ba mũi tên” của cố Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe, bao gồm chính sách tiền tệ mạnh mẽ, kích thích tài khóa và cải cách cơ cấu nhằm đưa nền kinh tế Nhật Bản thoát khỏi tình trạng đình trệ và giảm phát kéo dài.

Trong số 3 đầu tiên, ông Bessent cho rằng quỹ đạo tài khóa của chính phủ Mỹ đang không bền vững, với mức thâm hụt ngân sách cao, hiện là 6,3% theo Văn phòng Ngân sách Quốc hội. Trong khi, khả năng sử dụng tăng trưởng kinh tế để giải quyết những vấn đề này đang trở nên khó khăn hơn theo thời gian.

Ông cảnh báo “thâm hụt cao sẽ gây ra vấn đề với quốc phòng quốc gia” vì mức chi tiêu và nợ công hiện tại làm giảm khả năng mở rộng chi tiêu trong tình huống khủng hoảng và chiến tranh.

“Bộ Tài chính từng cứu đất nước trong cuộc Nội chiến bằng cách mở rộng thâm hụt. Họ đã bảo vệ nền kinh tế quốc gia trong cuộc Đại suy thoái bằng cách tăng chi tiêu. Và chúng ta đã cứu thế giới trong Thế chiến II. Vì vậy, chúng ta phải giảm thâm hụt, nếu không sẽ không còn dư địa để điều chỉnh”, ông nói.

Ông Donald Trump (trái) lắng nghe Scott Bessent phát biểu về kinh tế tại sự kiện ở Asheville, bang Bắc Carolina ngày 14/8. Ảnh: AP

Ông Donald Trump (trái) lắng nghe Scott Bessent phát biểu về kinh tế tại sự kiện ở Asheville, bang Bắc Carolina ngày 14/8. Ảnh: AP

Với thâm hụt ngân sách dự báo còn tăng, Bessent thừa nhận chi tiêu bắt buộc – đặc biệt là các chương trình như an sinh xã hội – là nguyên nhân chính. Tuy nhiên, ông cho rằng chính quyền mới nên bắt đầu vào việc kiểm soát các chi tiêu tùy ý trước.

“Chúng ta cần tập trung vào phần chi tiêu tùy ý trong ngân sách và đưa nó vào khuôn khổ. Chúng ta cần ‘bò’, sau đó là ‘đi’ để kiểm soát thâm hụt rồi có đủ tự tin để giải quyết các chương trình phúc lợi”, ông phân tích.

Cụ thể, những mục tiêu hàng đầu được nhắm đến gồm khả năng bỏ trợ cấp xe điện và hàng trăm tỷ USD ưu đãi thuế cho các dự án năng lượng trong Đạo luật giảm lạm phát. Nguồn tiết kiệm này sẽ bù đắp phần nào cho các kế hoạch tạo môi trường kinh doanh thuận lợi hơn thông qua cắt giảm thuế phí.

Theo đó, để đạt được mục tiêu tăng trưởng 3%, nói với Wall Street Journal ngày 25/11, Bessent cho biết sẽ thực hiện các cam kết cắt giảm thuế trong chiến dịch tranh cử của Tổng thống đắc cử, bao gồm duy trì hiệu lực Đạo luật cắt giảm thuế và việc làm; loại bỏ thuế trên tiền boa, các khoản thanh toán an sinh xã hội và tiền làm thêm giờ.

“Chúng ta sẽ đạt được mức tăng trưởng kinh tế thực 3% thông qua việc gỡ bỏ các quy định, tăng cường sản xuất năng lượng tại Mỹ, kiểm soát lạm phát và định hướng sự tự tin để người dân sẵn sàng đầu tư, từ đó khu vực tư nhân có thể thay thế chi tiêu quá mức của chính phủ”, ông Bessent chia sẻ.

Trong lịch sử kinh tế Mỹ kể từ sau Thế chiến II, tăng trưởng trung bình đã đạt trên 3%, với một nửa đến từ tăng trưởng lực lượng lao động và một nửa từ tăng năng suất lao động. Tuy nhiên, trong thế kỷ 21, tốc độ này đã giảm xuống còn 2%. Thay đổi này là do tăng trưởng năng suất dần chậm hơn và đặc biệt là tăng trưởng lực lượng lao động cũng có xu hướng tương tự. Đó là lý do dự báo từ JPMorgan và Fed cho thấy tăng trưởng dài hạn của Mỹ chỉ đạt khoảng 1,8%

Tuy nhiên, theo Viện Doanh nghiệp Mỹ (AEI) – tổ chức nghiên cứu và tư vấn chính sách công trụ sở Washington DC, mục tiêu tăng trưởng GDP 3% không phải là bất khả thi. Ông Bessent tin rằng việc giảm quy định có thể thúc đẩy tăng trưởng kinh tế là có cơ sở vì một số nghiên cứu cho thấy các quy định liên bang đã làm giảm khoảng 2% tốc độ tăng trưởng GDP thực mỗi năm kể từ Thế chiến II.

Nhưng động lực đến từ việc thay thế 10% giáo viên chất lượng kém nhất có thể thúc đẩy tăng trưởng thêm 0,8 điểm phần trăm hàng năm. Phát triển trí tuệ nhân tạo (AI) cũng mang đến triển vọng dù khó dự đoán chính xác. “Tiềm năng của AI tạo sinh trong việc thúc đẩy khoa học và đổi mới có thể càng làm gia tăng thêm những lợi ích về năng suất”, James Pethokoukis, chuyên gia AEI nhận định.

Số 3 cuối của kế hoạch là phần tiên tiến nhất vì thể hiện tham vọng thống trị năng lượng toàn cầu của Mỹ, theo Economist. Chính quyền Trump sẽ mở thêm đất liên bang và các lô ngoài khơi để khoan dầu, phê duyệt giấy phép cho các dự án khí đốt tự nhiên hóa lỏng (LNG), thành lập Hội đồng Năng lượng Quốc gia để cắt giảm thủ tục hành chính từ cấp giấy phép đến phân phối.

Xuất khẩu dầu mỏ nhiều hơn giúp giảm thâm hụt thương mại, củng cố ngân sách từ thu thuế, cho phép thắt chặt trừng phạt Iran mà vẫn không làm tăng giá nhiên liệu. Nhiều khí đốt hơn cũng sẽ giúp đáp ứng nhu cầu điện ngày càng tăng từ trí tuệ nhân tạo (AI), đồng thời củng cố sự phụ thuộc kinh tế của châu Âu.

Bessent chỉ ra rằng việc tăng cường sản xuất năng lượng sẽ giúp Fed có thể thực hiện chu kỳ nới lỏng đúng nghĩa. “Điều đó sẽ làm giảm đáng kể giá dầu, vốn là một trong những yếu tố hàng đầu ảnh hưởng đến kỳ vọng lạm phát,” ông nói.

Tuy nhiên, mục tiêu khoan thêm dầu sẽ phải đối mặt với thực tế khắc nghiệt của thị trường năng lượng. Không giống như ở hầu hết quốc gia dầu mỏ, nơi các công ty nhà nước thống trị ngành này, dầu tại Mỹ được khai thác bởi các công ty tư nhân, có quyền tự đưa ra quyết định.

Họ đã tăng sản lượng rất nhiều kể từ năm 2022, khi châu Âu bắt đầu xa lánh dầu Nga, đến mức Mỹ trở thành nhà sản xuất dầu thô lớn nhất thế giới. Vào tháng 10, nước này sản xuất kỷ lục 13,5 triệu thùng mỗi ngày, tăng từ mức 11,5 triệu thùng khi xung đột Ukraine bắt đầu.

Do vậy, để bơm thêm, các tập đoàn dầu mỏ tư nhân Mỹ phải thấy được lý do thuyết phục. Trong khi đó, phần lớn sản lượng dầu mỏ nước này là dầu đá phiến, đang bị thống trị bởi một số công ty lớn không thích rủi ro. Cổ đông của họ yêu cầu lợi nhuận hai chữ số và cổ tức ổn định.

Hơn nữa, các giếng dầu tốt nhất đã cạn, muốn khai thác thêm thì đòi hỏi tăng chi phí, khiến doanh nghiệp không mặn mà. Khảo sát của Cục Dự trữ Liên bang chi nhánh Kansas City cho thấy, các công ty dầu đá phiến chỉ có động lực để khoan khi giá dầu đạt 89 USD một thùng. Trong khi đó, giá dầu WTI của Mỹ hiện dưới 70 USD. Thị trường cũng đang không chuyển động theo hướng có lợi.

Không chỉ nguồn cung dầu toàn cầu dồi dào mà các thành viên của Tổ chức các nước xuất khẩu dầu mỏ (OPEC) còn rất nhiều dự trữ. Đồng thời, nhu cầu yếu do tăng trưởng toàn cầu ảm đạm và xe điện ngày càng thay xe đốt trong.

Do đó, Cơ quan thông tin năng lượng Mỹ (EIA) dự kiến sản lượng dầu của Mỹ chỉ tăng 0,6 triệu thùng mỗi ngày vào năm 2028. Hôm 5/12, Chevron, công ty năng lượng lớn thứ hai của Mỹ cắt giảm dự báo chi tiêu vốn cho 2025.

Mặc dù ông Trump có thể bãi bỏ thuế đối với các công ty năng lượng do ông Biden đưa ra, chẳng hạn như thuế đối với rò rỉ khí mê-tan, nhưng tác động cũng hạn chế vì chỉ có lợi cho các công ty nhỏ.

Michael Haigh, Giám đốc nghiên cứu hàng hóa toàn cầu của ngân hàng Société Générale tính toán rằng giải pháp này chỉ có thể làm tăng sản lượng tối đa 200.000 thùng mỗi ngày. Trong khi đó, việc trợ cấp hoàn toàn cho sản xuất sẽ mâu thuẫn với mục tiêu giảm thâm hụt ngân sách.

Chính quyền dự kiến đẩy nhanh việc cấp phép cho các đường ống dẫn dầu mới. Điều này có thể giúp các giếng dầu với khả năng tiếp cận thị trường hạn chế trở nên khả thi hơn, nhưng chưa rõ có bao nhiêu giếng dầu như vậy. Với khí đốt, để thực sự tăng mạnh sản lượng, giá sẽ phải vượt mức 4,24 USD mỗi triệu đơn vị nhiệt Anh (mbtu), theo khảo sát bởi Fed Kansas City.

Tuy nhiên, các nhà sản xuất dự đoán giá sẽ chỉ đạt khoảng 3,33 USD mỗi mbtu trong hai năm tới (tăng từ mức khoảng 3 USD hiện tại). Mặc dù nhu cầu dự báo tăng, nguồn cung bổ sung lớn từ Australia, Qatar và các quốc gia khác sẽ xuất hiện trên thị trường trong nhiệm kỳ của ông Trump, khiến giá cả bị kìm hãm.

Tất cả những điều này báo hiệu thách thức cho tham vọng của ông Trump và ông Bessent. “Lượng dầu mà Mỹ khai thác trong vài năm tới sẽ phụ thuộc nhiều hơn vào các quyết định tại Vienna (nơi OPEC họp) hơn là ở Washington” Bob McNally, cựu cố vấn Tổng thống George W. Bush nhận định.

Chưa kể, chính sách của ông Trump thậm chí có thể gây tổn hại đến sản xuất. Các loại thuế quan của ông có thể làm tăng giá các nguyên vật liệu như nhôm và thép với các công ty dầu khí. Các quốc gia khác có thể đáp trả bằng cách áp thuế đối với năng lượng xuất khẩu của Mỹ. Thương chiến nổi lên sẽ làm giảm tăng trưởng ở mọi nơi, làm suy yếu nhu cầu với dầu và khí đốt. Tham vọng trở thành “ông trùm dầu mỏ” tối thượng của ông Trump càng xa.

Phiên An (theo The Economist, Fox, AEI)


Nguồn tin: https://vnexpress.net/ke-hoach-3-3-3-cua-chinh-quyen-ong-trump-4826058.html