Theo tờ trình, việc thành lập khu thương mại tự do Đà Nẵng chia làm 2 giai đoạn. Giai đoạn 1, đến năm 2029 sẽ xây dựng khu bến Liên Chiểu và các khu hậu cần cảng đảm bảo tiếp nhận tàu 100.000 tấn hoặc lớn hơn.
Đồng thời, Đà Nẵng sẽ hoàn thành việc giải phóng mặt bằng cho toàn bộ các vị trí, lựa chọn nhà đầu tư chiến lược để đầu tư hạ tầng ở các khu chức năng.
Tổng mức đầu tư ở giai đoạn này là 35.887 tỉ đồng. Trong đó, chi phí giải phóng mặt bằng khoảng 20.755 tỉ đồng, còn lại là chi phí đầu tư cơ sở hạ tầng.
Giai đoạn 2, triển khai sau năm 2029, định hướng mở rộng khu thương mại tự do tại khu vực cảng Tiên Sa, khu vực tái thiết đô thị tại nhà ga đường sắt trong trung tâm thành phố… Ở giai đoạn này, tập trung phát triển cơ sở hạ tầng với vốn ngoài ngân sách nhà nước, dự kiến trên 4.324 tỉ đồng.
Quy mô diện tích của khu thương mại tự do khoảng hơn 2.317ha, được bố trí tại 10 vị trí không liền kề gắn kết với cảng biển Liên Chiểu và sân bay quốc tế Đà Nẵng.
Theo tờ trình, nhà nước sẽ cân đối phân bổ ngân sách cho các dự án phát triển cơ sở hạ tầng đến ranh giới khu thương mại tự do chịu trách nhiệm giải phóng mặt bằng hoặc khấu trừ tiền thuê đất trong trường hợp nhà đầu tư chiến lược thực hiện giải phóng mặt bằng và đầu tư hạ tầng.
Nhà đầu tư chiến lược sẽ đầu tư cơ sở hạ tầng bên trong khu thương mại tự do, như xây dựng đường sá, hệ thống cấp thoát nước, điện lực và các cơ sở hạ tầng dùng chung khác.
Trước đó, UBND TP Đà Nẵng đã có tờ trình về 33 dự án gồm: 3 dự án bên trong khu thương mại tự do được xây dựng tại huyện Hòa Vang và 30 dự án nằm bên ngoài, xây dựng tại huyện Hòa Vang và quận Liên Chiểu.
Cuối tháng 6 vừa qua, Quốc hội đã biểu quyết thông qua Nghị quyết 136, gồm 4 chương, 18 điều, quy định về tổ chức chính quyền đô thị và thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TP Đà Nẵng, trong đó có việc thành lập khu thương mại tự do Đà Nẵng gắn với Cảng biển Liên Chiểu.