Cây chủ lực “tỷ đô”
Thông tin tại Diễn đàn ‘Kết nối sản xuất và tiêu thụ sản phẩm dừa’ do Cục Chất lượng, Chế biến và Phát triển thị trường phối hợp Báo Nông nghiệp Việt Nam (Bộ NN&PTNT) tổ chức sáng 13/12, bà Nguyễn Thị Thanh Thủy, Vụ trưởng Vụ Khoa học công nghệ và môi trường (Bộ NN&PTNT) cho biết: dừa là 1 trong 6 cây công nghiệp chủ lực (cà phê, cao su, chè, điều, hồ tiêu, dừa), theo Đề án phát triển cây công nghiệp chủ lực đến năm 2030 (Quyết định 431/QĐ-BNN-TT ngày 26/01/2024 của Bộ NN&PTNT).
Theo Đề án này, mục tiêu, đến năm 2030, diện tích dừa khoảng 195.000 – 210.000ha, trong đó vùng trồng dừa trọng điểm ĐBSCL khoảng 170.000 – 175.000ha; Trên 30% diện tích dừa được sản xuất theo quy trình VietGAP, hoặc tương đương; Diện tích dừa được cấp mã số vùng trồng khoảng 30%.
Tuy nhiên hiện tại, theo thống kê, các con số này đã đạt được, cả về diện tích trồng, diện tích đáp ứng tiêu chuẩn VietGAP cũng như con số cấp mã số vùng trồng. Năm 2023, giá trị kim ngạch xuất khẩu dừa đạt 900 triệu USD.
“Đây là một kỷ lục. Dừa Việt Nam đang trở thành mặt hàng xuất khẩu với giá trị cao. Các sản phẩm chế biến từ dừa đang có tiềm năng lớn để gia tăng giá trị của cây dừa, tăng thu nhập cho người dân…”, Bà Thủy phát biểu. Đồng thời kỳ vọng xuất khẩu dừa sẽ vượt mốc 1 tỷ USD trong năm nay.
“Trong thời gian qua, phát triển sản xuất và chế biến dừa được Bộ NN&PTNT rất quan tâm. Vừa qua, Bộ NN&PTNT đã làm việc, ký kết hiệp định thương mại, mở cửa thị trường xuất khẩu dừa chính ngạch. Bên cạnh đó, đầu tư phát triển công tác nghiên cứu giống, quy trình canh tác như phối hợp Đại học Trà Vinh nghiên cứu lai tạo giống dừa để tạo thuận lợi cho ngành dừa phát triển..
Ngoài ra, nhiều DN, tập đoàn cũng đầu tư mạnh mẽ vào cây dừa, phát triển quy trình canh tác, công nghệ chế biến để nâng cao chất lượng và thương hiệu dừa Việt Nam và từng bước biến những khu vực có thế mạnh trồng dừa thành khu vực du lịch sinh thái để nâng cao giá trị gia tăng…”, đại diện Vụ Khoa học công nghệ và môi trường (Bộ NN&PTNT) thông tin.
Phải cạnh tranh bằng chất lượng,
Ông Ngô Xuân Nam, Phó Giám đốc Văn phòng SPS Việt Nam (Bộ NN&PTNT) cho biết, trong nhóm thị trường trọng điểm, Trung Quốc có nhu cầu lớn nhất. Vừa qua, Bộ NN&PTNT và Tổng cục Hải quan Trung Quốc đã ký Nghị định thư cho phép dừa tươi xuất khẩu chính ngạch, mở ra cơ hội to lớn cho dừa tươi Việt Nam. Dự kiến xuất khẩu dừa tươi sang Trung Quốc năm 2024 đạt 250 triệu USD, chiếm 25% tổng giá trị xuất khẩu toàn ngành.
Để giữ được thị trường và tăng kim ngạch xuất khẩu sang thị trường rất tiềm năng này, đại diện Văn phòng SPS Việt Nam lưu ý các DN phải tuân thủ các quy định về kiểm dịch thực vật, các tiêu chuẩn an toàn thực phẩm, xây dựng hệ thống quản lý chất lượng và truy xuất nguồn gốc, áp dụng thực hành nông nghiệp tốt và các chương trình quản lý dịch hại tổng hợp…Ngoài ra, các vùng trồng và cơ sở đóng gói dừa phải được đăng ký với Bộ NN&PTNT và được Tổng cục Hải quan Trung Quốc phê duyệt trên cổng CIFER…
“Hiện tại, DN trước khi xuất khẩu dừa sang thị trường này phải lấy mẫu 2% để kiểm tra. sau 2 năm, nếu không có vi phạm, DN sẽ được giảm còn 1%…”- ông Nam thông tin thêm.
Theo bà Nguyễn Thị Thanh Thủy, Vụ trưởng Vụ Khoa học công nghệ và môi trường (Bộ NN&PTNT), bên cạnh việc sản xuất và xuất khẩu dừa tươi, công nghiệp chế biến dừa hiện đã rất phát triển, hiện chiếm tới hơn 70% giá trị xuất khẩu. Ngoài ra, cây dừa còn là loại cây gần như không bỏ đi thứ gì, đây cũng là tiền đề quan trọng trong nhiệm vụ phát triển nông nghiệp tuần hoàn.
Để cây dừa tránh được những rủi ro về thị trường, giá bán cũng như cân đối cung – cầu, bà Thủy cho rằng cần có thêm những sản phẩm mới, tích hợp được các giá trị khác nhau từ cây dừa. Từ đó, mới tránh được tâm tư giá dừa xuống thấp như thời gian qua.
“Từ khi Bộ NN&PTNT đưa dừa vào danh mục các cây công nghiệp chủ lực đã giúp ngành hàng dừa có sự thay đổi rõ nét. Tuy nhiên, khi các Hiệp định thương mại (FTA) được ký kết, thuế suất xuất khẩu dừa giảm xuống còn 0% vừa là điều kiện thuận lợi vừa là thách thức nếu chúng ta không có chiến lược cụ thể. Do đó, hiện nay, Chính phủ, Bộ NN&PTNT đã ban hành nhiều chính sách phát triển ngành dừa, các địa phương cần tận dụng các chính sách này để hỗ trợ hoạt động sản xuất của người dân”, ông Lê Thanh Hòa, Phó Cục trưởng Cục Chất lượng, Chế biến và Phát triển thị trường phát biểu.
Cũng theo ông Hòa, về phía các DN Việt, trong nước đã có nguồn nguyên liệu chất lượng cao thì phải có chiến lược nâng giá bán sản phẩm ở các thị trường, để lấy phần gia tăng đó quay trở lại hỗ trợ giá mua cho người dân, thay vì tìm cách thu mua nguyên liệu giá rẻ và bán giá rẻ như hiện tại.
“Với định hướng của Bộ NN&PTNT, cây dừa đã trở thành một cây công nghiệp. Do đó, chiến lược và phát triển định hướng cây dừa cũng sẽ có những điểm khác so với cây nông nghiệp như lúa, ngô, khoai, sắn. Ngoài ra, Việt Nam đang tham gia sâu rộng vào các FTA thế hệ mới, nên để thúc đẩy xuất khẩu ngành hàng dừa, một số mặt hàng xuất khẩu khác từ các nước sẽ vào Việt Nam. Đã đến lúc chúng ta phải cạnh tranh bằng chất lượng, chứ không còn là hạ giá”, lãnh đạo Cục Chất lượng, Chế biến và Phát triển thị trường nhấn mạnh.
Ngành công nghiệp chế biến dừa trước nguy cơ thuế nguyên liệu
Tại Diễn đàn, bà Nguyễn Thị Kim Thanh, Chủ tịch Hiệp hội dừa Việt Nam, chia sẻ: Ngành công nghiệp chế biến dừa Việt Nam đang đứng trước nguy cơ thiếu nguyên liệu nghiêm trọng. Nhiều DN đã đầu tư cơ sở vật chất, nhà máy tại Bến Tre nhưng lượng cung của tỉnh không đủ cho tất cả hoạt động. Nhiều DN đã phải ngừng hoạt động hoặc hoạt động cầm chừng với công suất chỉ đạt 10-15%.
Bên cạnh đó, trong những năm gần đây, nguyên liệu dừa khô thuế suất 0%, nên nhiều DN đặt cơ sở sơ chế dừa khô rồi đưa sang Trung Quốc chế biến sâu. Ngoài ra, từ 1/1/2025, Indonesia là thị trường xuất khẩu dừa khô hàng đầu đã áp dụng thuế xuất khẩu dừa 80% để bảo vệ nguyên liệu trong nước và kêu gọi đầu tư. Như vậy, nguyên liệu dừa khô phục vụ xuất khẩu cho DN Việt đang bị đe dọa nghiêm trọng.
“Nếu không sớm có chính sách thuế, tạo hàng rào thuế quan để giữ lại nguồn nguyên liệu dừa cho ngành công nghiệp chế biến trong nước thì ngành dừa của chúng ta chắc chắn sẽ lao dốc…”, Chủ tịch VCI lo ngại.