Chi tiết

Vì sao Viseco chưa thể bổ sung ngành nghề dù đã tăng vốn xong từ lâu?

Vì sao Viseco chưa thể bổ sung ngành nghề dù đã tăng vốn xong từ lâu?

Ngày 12/12, HĐQT CTCP Chứng khoán Việt (Viseco) họp thường kỳ với các nội dung quan trọng, trong đó có nêu lý do dẫn đến việc chưa thể đăng ký nghiệp vụ kinh doanh mới dù đã hoàn tất tăng vốn từ lâu.

Chưa rõ ngày bổ sung nghiệp vụ mới

Tại phiên họp, ông Đặng Thái Nguyên – Tổng Giám đốc kiêm Phó Chủ tịch HĐQT Viseco đã báo cáo các công việc thực hiện trong quý 3 và nêu rõ các phần việc triển khai cấp phép nghiệp vụ mới theo kế hoạch đang bị đình trệ chưa thể thực hiện trong năm 2024, xin phép tiếp tục thực hiện.

Các thành viên HĐQT đã lần lượt cho ý kiến, trong đó, chính ông Đặng Thái Nguyên trong vai trò Phó Chủ tịch HĐQT nêu ý kiến rằng, sau khi tăng vốn thành công, do còn vướng các thủ tục giải trình với cơ quan quản lý Nhà nước, nên đến nay Công ty vẫn chưa thể thực hiện được thủ tục đăng ký nghiệp vụ kinh doanh mới, do đó xin phép HĐQT cho kéo dài thời gian thực hiện kể cả sang năm 2025.

Kết luận tại phiên họp, Chủ tịch HĐQT Thái Thị Nga đồng ý các đề xuất và giao Tổng Giám đốc triển khai thực hiện sớm, không để dây dưa qua thời điểm cuối năm.

Như vậy, Viseco vẫn bỏ ngỏ thời gian đăng ký nghiệp vụ mới dù đã hoàn tất tăng vốn trong quý 2/2024.

Kết quả, trong tháng 4/2024 Công ty đã phân phối 22.96 triệu cp, tương ứng tỷ lệ 76.53% trên tổng số 30 triệu cp muốn phát hành. Qua đó, vốn điều lệ tăng từ 37.5 tỷ đồng lên 267.1 tỷ đồng, tức gấp hơn 7 lần.

Theo kế hoạch ban đầu, Công ty muốn thông qua đợt tăng vốn để bổ sung vốn cho các nghiệp vụ kinh doanh đăng ký cấp phép như tư vấn đầu tư chứng khoán, tự doanh chứng khoán, bảo lãnh phát hành; bổ sung các dịch vụ ký quỹ chứng khoán, mua sắm thêm trang thiết bị kỹ thuật, đầu tư phát triển ứng dụng công nghệ, phát triển sản phẩm dịch vụ.

Dù không phân phối hết lượng cổ phiếu như kế hoạch, HĐQT vẫn dự trình đại hội thông qua việc tiếp tục triển khai phương án và bổ sung nghiệp vụ kinh doanh gồm: tư vấn đầu tư, tự doanh và bảo lãnh phát hành.

Vào tháng 6/2024, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước đã chấp thuận cho Công ty được cung cấp dịch vụ giao dịch ký quỹ chứng khoán. Đến tháng 10 vừa qua, ĐHĐCĐ bất thường thông qua kết quả đợt phát hành mà không có thêm cổ phiếu nào được phân phối.

Hoàn trả tiền dư của khoản vay gần 170 tỷ đồng

Cũng tại phiên họp, HĐQT cũng giao cho Tổng Giám đốc triển khai thực hiện việc hoàn trả tiền thừa khi ông Trần Văn Hưng thanh toán hợp đồng cho vay vốn ký ngày 15/04/2024.

Cụ thể, Công ty cho ông Hưng vay vốn số tiền là 169.6 tỷ đồng. Đến ngày 09/07/2024, ông Hưng đã thanh toán hết số tiền vay, lãi tiền vay của hợp đồng và ký thanh lý hợp đồng với tổng số tiền chuyển trả là 182.7 tỷ đồng. Như vậy ông Hưng đã trả dư hơn 11.5 tỷ đồng cho Công ty.

Do đó, HĐQT có quyết định sẽ hoàn trả lại số tiền trên cho ông Hưng.

Thực tế, khoản vay này từng gây ra các rắc rối khác trong quá khứ, buộc Viseco phải giải trình tại ĐHĐCĐ bất thường mới diễn ra đầu tháng 10/2024.

Đây là khoản tiền Viseco vay tại Bac A Bank được HĐQT đồng ý tại thời điểm 15/04/2024, sau đó cho ông Trần Văn Hưng vay lại theo kỳ hạn 3 tháng.

HĐQT Công ty cho biết, đây là sự việc chưa được sự chấp thuận của ĐHĐCĐ khi đó, số tiền này và các lợi ích liên quan đã được Công ty thu hồi đầy đủ vào ngày 08 và 09/07/2024. Trước đó, tại thời điểm 24/04/2024, HĐQT đã quyết nghị hoàn trả phần vốn vay cho Bac A Bank.

Huy Khải

FILI



Source link