Cơ quan Hợp tác Quốc tế Nhật Bản (JETRO) vừa công bố kết quả “Khảo sát thực trạng của các doanh nghiệp Nhật Bản tại nước ngoài năm tài chính 2024” thực hiện tại 20 quốc gia và khu vực thuộc Châu Á – Châu Đại Dương.
Cuộc khảo sát được tiến hành từ tháng 8 đến tháng 9 năm 2024, đã thu thập ý kiến từ 5.007 doanh nghiệp Nhật Bản, trong đó có 863 doanh nghiệp Nhật Bản đang hoạt động tại Việt Nam. Các doanh nghiệp này bao gồm những đơn vị có vốn đầu tư Nhật Bản từ 10% trở lên, cùng với các chi nhánh và văn phòng đại diện.
Về kết quả khảo sát của các doanh nghiệp Nhật Bản tại Việt Nam, tỷ lệ doanh nghiệp Nhật Bản kỳ vọng “có lãi” năm 2024 là 64,1% (tăng 9,8 điểm phần trăm so với năm trước), đây cũng là lần đầu tiên sau 5 năm kể từ trước đại dịch Covid-19, tỷ lệ này vượt trên mức 60%.
Trong đó, tỷ lệ doanh nghiệp kỳ vọng có lãi trong ngành chế tạo là 70,2% (tăng 8,7 điểm phần trăm so với năm trước). Lý do mà các doanh nghiệp cải thiện kỳ vọng lợi nhuận kinh doanh năm 2024 của ngành chế tạo chủ yếu là do “nhu cầu tại thị trường xuất khẩu và thị trường nội địa tăng”.
Đồng thời, tỷ lệ doanh nghiệp kỳ vọng có lãi trong ngành phi chế tạo là 57,9% (tăng 11,2 điểm phần trăm so với năm trước). Và lý do mà các doanh nghiệp Nhật Bản kỳ vọng lợi nhuận kinh doanh của ngành phi chế tạo năm 2024 được các doanh nghiệp đưa ra chủ yếu là “nhu cầu tại thị trường xuất khẩu và thị trường nội địa tăng”
Cũng trong kết quả khảo sát lần này, có 48,8% doanh nghiệp cho biết hoạt động kinh doanh năm 2024 của họ sẽ “cải thiện” so với năm 2023 (tăng 16,8 điểm phần trăm so với năm trước) và tỷ lệ doanh nghiệp dự báo sẽ “xấu đi” là 16,9% (giảm 18,8 điểm phần trăm so với năm trước). Mức tăng tỷ lệ doanh nghiệp dự báo “cải thiện” so với năm trước của Việt Nam đứng đầu trong khu vực ASEAN.
Về triển vọng lợi nhuận kinh doanh năm 2025, so với (kỳ vọng) năm 2024, 50,4% doanh nghiệp dự báo sẽ “cải thiện”. Nhiều doanh nghiệp tiếp tục kỳ vọng vào kết quả kinh doanh khả quan tiếp nối năm 2024.
Về phương hướng triển khai kinh doanh trong 1-2 năm tới, có tới 56,1% dpanh nghiệp Nhật Bản trả lời sẽ “mở rộng” hoạt động của họ tại Việt Nam. Trong đó, tỷ lệ doanh nghiệp trong ngành chế tạo trả lời sẽ “mở rộng” là 48,1% (tăng 1,0 điểm phần trăm so với năm trước), doanh nghiệp trong ngành phi chế tạo là 63,2% (giảm 2,3 điểm phần trăm).
Tuy nhiên, tỷ lệ doanh nghiệp trả lời “thu hẹp” hoạt động của họ tại Việt Nam là 2,8% (tăng 1,0 điểm phần trăm so với năm trước) , tỷ lệ doanh nghiệp trả lời “rút lui hoặc di chuyển sang nước (khu vực) thứ 3” tại Việt Nam là 0,3% (giảm 0,4 điểm phần trăm so với năm trước).
Mặc dù tham vọng mở rộng của các doanh nghiệp Nhật Bản tại Việt Nam gần như ổn định, nhưng Việt Nam vẫn là quốc gia dẫn đầu các nước trong khu vực ASEAN đối với các doanh nghiệp Nhật Bản trong hoạt động mở rộng đầu tư của họ.
Theo số liệu từ Bộ Kế hoạch và Đầu tư, luỹ kế đến cuối tháng 11/2024, Nhật Bản hiện đang đầu tư tại 5.473 dự án tại Việt Nam, với tổng số vốn đăng ký đạt hơn 77,64 tỷ USD, đứng thứ 3 trong số các quốc gia và vùng lãnh thổ đang đầu tư tại Việt Nam. Chỉ riêng trong 11 tháng đầu năm nay, Nhật Bản đã đầu tư vào 245 dự án mới tại Việt Nam, với tổng số vốn đăng ký đạt hơn 3,61 tỷ USD, tăng 16,4% so với cùng kỳ năm trước.