Hôm thứ Ba (17/12), chỉ số Bloomberg Asia Dollar Index đã giảm xuống 89,93, mức thấp nhất được ghi nhận kể từ tháng 11/2022. Chỉ số này đã giảm hơn 4% kể từ cuối tháng 9, hướng đến hiệu suất hàng quý tệ nhất trong hơn hai năm.
Chỉ số theo dõi 9 tiền tệ châu Á so với đồng đô la Mỹ, trong đó đồng nhân dân tệ của Trung Quốc và đồng won của Hàn Quốc có tỷ trọng lớn nhất.
Tâm lý đối với các tiền tệ châu Á đang trở nên tồi tệ khi các biện pháp của Trung Quốc nhằm thúc đẩy nền kinh tế đã gây áp lực lên đồng nhân dân tệ – một mỏ neo cho các đồng tiền khác trong khu vực. Song song đó, các mối đe dọa về thuế quan của Tổng thống đắc cử Donald Trump, các kỳ vọng giảm dần về việc cắt giảm lãi suất của Mỹ và tình hình bất ổn chính trị ở Hàn Quốc cũng làm tổn hại đến niềm tin.
Chỉ số Bloomberg Asia Dollar Index
“Cú đúp đe dọa áp thuế của Mỹ và xu hướng tăng giá của đồng đô la đang khiến các đồng tiền châu Á chịu áp lực bán… Những bất ổn chính trị gia tăng ở Hàn Quốc đang tiếp thêm nhiên liệu cho động thái bán ra đồng won, điều đó cũng kéo các đồng tiền châu Á khác xuống thấp hơn”, Ken Cheung, chiến lược gia tại Ngân hàng Mizuho cho biết.
Dữ liệu kinh tế của Trung Quốc tiếp tục báo hiệu sự phục hồi mong manh, với các dữ liệu mới nhất như doanh số bán lẻ cho thấy sự chậm lại bất ngờ vào tháng 11. Tại Hàn Quốc, đồng won đã bị tổn thương do yếu tố chính trị, vì các nhà đầu tư đang theo dõi chặt chẽ vụ luận tội Tổng thống Yoon Suk Yeol. Đồng rupee của Ấn Độ cũng giảm xuống mức thấp kỷ lục vào thứ Ba (17/12).
Trong khi đó, tại Mỹ, đồng đô la đã tăng vọt kể từ chiến thắng trong cuộc bầu cử của ông Trump khi các chính sách “Nước Mỹ trên hết” của ông được cho là sẽ dẫn đến đồng đô la mạnh hơn. Lạm phát phục hồi cũng đang thúc đẩy các khoản cược rằng Cục Dự trữ Liên bang (Fed) có thể làm chậm lộ trình nới lỏng tiền tệ.
“Tâm lý đã trở nên tồi tệ trong bối cảnh đồng đô la đang tăng giá… Hiện tại, vị thế của đồng đô la dường như không quá lớn và khả năng áp dụng thuế quan dự kiến sẽ duy trì hỗ trợ cho đồng đô la so với các tiền tệ châu Á”, Mitul Kotecha, Giám đốc chiến lược vĩ mô của thị trường mới nổi châu Á tại Ngân hàng Barclays cho biết.
(Theo Đầu tư chứng khoán)