VCBS cho rằng triển vọng ngành dầu khí Việt Nam năm 2025 vẫn tích cực với nhiều yếu tố kỳ vọng.
Đóng cửa phiên giao dịch 18/12, hầu hết các cổ phiếu dầu khí đều ghi nhận mức tăng. Dẫn đầu là PVB với mức tăng 9,82%, tiếp theo là PVC (6,8%), POS (4,6%), TOS (4,1%), PVS (3%) và PVD (3%)…
Diễn biến giá cổ phiếu PVB |
Giao dịch tại nhóm dầu khí trở nên sôi động trong bối cảnh thị trường thiếu vắng thanh khoản (giá trị giao dịch trên HoSE phiên 18/12 đạt khoảng 12.700 tỷ đồng). Các mã ghi nhận khối lượng khớp lệnh cao nhất kể đến BSR, PVD, PVS đều trên 3 triệu đơn vị, kế đến PVC gần 1,5 triệu, PVB, PLX, OIL trên dưới 800.000.
Ngành dầu khí Việt Nam năm 2025 vẫn tích cực
Trong báo cáo cập nhật mới đây, Chứng khoán Vietcombank (VCBS) cho rằng triển vọng ngành dầu khí Việt Nam năm 2025 vẫn tích cực với nhiều yếu tố kỳ vọng.
Trước tiên, giá dầu vẫn duy trì khả quan theo dự báo các tổ chức lớn về triển vọng giá dầu 2025. Những rủi ro địa chính trị đang diễn ra và việc dự trữ dầu toàn cầu giảm do việc cắt giảm sản lượng của OPEC+ kể từ năm 2022 (tổng cộng 5,86 triệu thùng/ngày, tương đương khoảng 5,7% nhu cầu toàn cầu), có thể sẽ giúp cân bằng thị trường dầu trong vài tháng tới.
Nguồn: VCBS |
Bên cạnh đó, ngành khoan dầu khả quan từ các hoạt động khoan ở khu vực Trung Đông sẽ là điều kiện thuận lợi mang đến triển vọng tốt giá thuê giàn khoan, cũng như các hợp đồng ký với thời hạn 2-3 năm giúp tăng hiệu suất hoạt động giàn.
Số lượng giàn khoan thặng dư trên thị trường dự kiến sẽ giảm từ 50 giàn vào đầu năm 2024 xuống 40 giàn trong cuối năm 2024 trước khi duy trì ở mức này cho đến tháng 11/2025. Với bối cảnh trên, dự báo giá cho thuê giàn khoan khu vực Đông Nam Á sẽ tiếp tục neo cao, giá cho thuê giàn khoan tại Việt Nam cũng không nằm ngoài xu hướng chung.
Đồng thời, việc phát triển các dự án nội địa góp phần đảm bảo phát triển ngành điện phù hợp với các mục tiêu quốc gia và đảm bảo an ninh năng lượng Quốc gia. Tiến độ các dự án nội địa được đẩy nhanh sẽ hỗ trợ hoạt động E&P các doanh nghiệp thượng nguồn.
Theo VCBS, nguồn cung khí nội địa mới cho điện khí chỉ còn nguồn khí miền Trung (Cá Voi Xanh và Báo Vàng) và nguồn khí Lô B. Tổng cung khí cho điện giai đoạn năm 2035-2045 sẽ chỉ còn duy trì khoảng 7,7 tỷ m3/năm. Trong phần trữ lượng nguồn khí nội địa đã phát hiện nhưng chưa khai thác đến hiện nay, trữ lượng từ các dự án này chiếm tới 30%, bằng với trữ lượng còn lại của các mỏ đang khai thác.
Luật Điện lực (sửa đổi), có hiệu lực từ ngày 1/2/2025 ưu tiên phát triển điện khí sử dụng khí nội địa, đồng nghĩa với việc huy động cao từ mỏ khí trong nước như Lô B cho thấy quyết tâm phát triển các dự án trong nước của Chính Phủ. Ngoài ra, với nhu cầu điện ngày càng tăng, nhu cầu khí trong nước cũng được dự báo tăng tương ứng trong các lĩnh vực như hóa chất, công nghiệp, giao thông vận tải, đô thị và đặc biệt là sản xuất điện (chiếm 80%)…
Tổng nhu cầu khí dự kiến theo quy hoạch ngành khí (nhu cầu cơ sở) lên tới khoảng 13 tỷ m3 vào năm 2020, hơn 22 tỷ m3 vào năm 2025 và trên 34 tỷ m3 vào năm 2030. Bên cạnh đó, theo Quy hoạch Điện VIII, Việt Nam có kế hoạch chuyển đổi cơ cấu năng lượng từ than đá sang các nguồn năng lượng phát thải thấp để đáp ứng cam kết phát thải ròng bằng 0 đến năm 2050. Tổng quy mô công suất điện khí và LNG đến năm 2030 được quy hoạch là 30,4GW.
Nguồn: VCBS |
Do đó, mức tiêu thụ khí đốt cũng được dự báo tăng trong trung và dài hạn mặc dù khí tự nhiên được coi là một nhân tố ngắn hạn trong lộ trình chuyển dịch năng lượng. Nhóm phân tích nhận định mục tiêu dài hạn của chiến lược là xây dựng lộ trình để các nhà máy điện khí LNG chuyển đổi sang kết hợp hydro vào cơ cấu phát điện, sự chuyển dịch sang sử dụng khí tự nhiên hóa lỏng (LNG) không chỉ giúp duy trì sự ổn định cho hệ thống điện quốc gia mà còn đảm bảo an ninh năng lượng dài hạn cho Việt Nam.
Nguồn: VCBS |
Dựa trên triển vọng kinh doanh năm 2025, VCBS đưa ra khuyến nghị mua 6 cổ phiếu trong nhóm dầu khí bao gồm BSR, PVS, PVB, PLX, PVD, GAS.