Tại Diễn đàn Kinh tế 2024, ông Đỗ Hà Nam, Phó Chủ tịch Hiệp hội cà phê – ca cao Việt Nam (Vicofa), Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng Giám đốc công ty CP tập đoàn Intimex thông tin, giá cà phê Robusta chưa bao giờ cao như hiện nay.
Niên vụ cà phê 2023 – 2024 chứng kiến giá bán mặt hàng này liên tục tăng. Trên sàn giao dịch Luân Đôn, giá cà phê robusta lần đầu tiên đạt mức trên 5.000 USD/tấn. Mức giá này của cà phê robusta thậm chí còn cao hơn cà phê Arabica.
Giá thế giới tăng, giá cà phê tại Việt Nam cũng liên tục lập đỉnh, đạt mức cao nhất trong vòng 30 năm qua. Tình trạng này phần nhiều từ việc giảm sản lượng ở nhiều quốc gia sản xuất lớn. Vì thế, theo lãnh đạo Vicofa, tuy sản lượng xuất khẩu cà phê Việt Nam giảm 12,7% về lượng nhưng giá trị tăng 33% so với niên vụ trước đó.
Đặc biệt, từ nay đến tháng 4 năm 2025, thế giới chỉ có Việt Nam thu hoạch cà phê nên người dùng cà phê Robusta chỉ mua từ Việt Nam. Điều này khiến giá cà phê liên tục tăng, cao điểm có lúc lên tới 130.000 đồng/kg mang lại lợi nhuận tốt cho nông dân. Thực tế, nông dân Việt Nam đang điều tiết thị trường – lãnh đạo Vicofa cho biết.
Trong bối cảnh trên, doanh nghiệp trong ngành chủ yếu là dịch vụ. Tuy nhiên, giá cà phê càng cao, doanh nghiệp doanh nghiệp thương mại cà phê càng đối mặt với nguy cơ rủi ro. Theo ông Đỗ Hà Nam, giá tăng nhanh trong khi nguồn cung hạn chế khiến chuỗi cung ứng bị gián đoạn. Có thời điểm doanh nghiệp xuất khẩu không có hàng giao đúng hạn cho đối tác kéo theo những bất lợi.
Tình hình thị trường niên vụ 2024 – 2025 sắp tới vẫn khó dự báo, tiềm ẩn nhiều biến động, đòi hỏi ngành cà phê sớm điều chỉnh để đi đúng quỹ đạo, duy trì tăng trưởng một cách bền vững. Để tồn tại, ông Đỗ Hà Nam cho rằng, doanh nghiệp cần đầu tư theo chiều sâu cho khâu sơ chế, chế biến để tạo thêm nguồn thu từ giá trị gia tăng thay vì chỉ hưởng chênh lệch giá.
Làm được điều này, doanh nghiệp cần nâng cao chất lượng, có nguồn vốn đầu tư. Đặc biệt, cần có ưu tiên cho các doanh nghiệp đầu tàu để kéo toàn ngành phát triển.
Đồng tình với quan điểm này, một số chuyên gia trong ngành cho rằng, doanh nghiệp thương mại cà phê cần hướng tới phát triển bền vững, bên cạnh thu mua, xuất thô cần đầu tư nguồn lực vào khâu chế biến sâu, giá tăng giá trị xuất khẩu để đảm bảo tăng trưởng ổn định trong dài hạn. Với người nông dân, cần ưu tiên nâng cao chất lượng cà phê, nâng cao chất lượng nguồn cung.
Cùng với hồ tiêu, gạo, cà phê là một trong những mặt hàng xuất khẩu hàng đầu của ngành nông nghiệp Việt Nam.