Các bộ ngành, địa phương phải nâng kỷ cương ngân sách, triệt để tiết kiệm chi, nhất là chi thường xuyên để dành nguồn cho đầu tư phát triển, an sinh, theo Thủ tướng.
Năm 2025, Chính phủ đặt mục tiêu GDP tăng trên 8%, cao hơn Quốc hội giao. Việc này nhằm tạo nền tảng để Việt Nam bước vào kỷ nguyên mới, tăng trưởng 2 con số trong nhiệm kỳ tới (2026-2030). Để đạt mục tiêu này, chi đầu tư phát triển phải lớn. Song, chi thường xuyên của Việt Nam đang chiếm gần 70%, chỉ còn hơn 30% cho đầu tư phát triển, an sinh xã hội. Trong khi, tỷ lệ này ở các nước chiếm gần nửa chi ngân sách.
Tại công điện ngày 20/12, Thủ tướng Phạm Minh Chính yêu cầu các bộ ngành, địa phương tăng kỷ luật, kỷ cương tài chính – ngân sách, quản chặt thu – chi. Ông giao chỉ tiêu thu ngân sách nhà nước năm 2025 tăng ít nhất 10% so với năm nay. Cùng đó, các đơn vị phải “triệt để tiết kiệm chi, nhất là chi thường xuyên để dành nguồn cho đầu tư phát triển và an sinh xã hội”.
Theo tính toán, giai đoạn 2021-2025, vốn đầu tư công giải ngân tăng 1% thì GDP có thể tăng thêm 0,058%. Đây được xem là một trong những giải pháp, động lực quan trọng giúp phục hồi, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế – xã hội.
Thủ tướng lưu ý các bộ ngành, địa phương cần tăng giải ngân vốn đầu tư công ngay từ đầu năm 2025, nhất là các chương trình, dự án quan trọng quốc gia. Ông yêu cầu đề cao trách nhiệm người đứng đầu, tháo gỡ với từng dự án. Các hành vi tham nhũng, gây cản trở tiến độ sẽ bị xử lý nghiêm, kịp thời.
Các cơ quan này phải xây dựng kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2026-2030. Việc bố trí vốn phải có trọng tâm trọng điểm, không dàn trải, manh mún. Việc này nhằm bảo đảm tổng số dự án nguồn ngân sách trung ương giai đoạn không quá 3.000 dự án.
Ngoài ra, Thủ tướng cũng yêu cầu sớm triển khai chương trình tái khởi động dự án nhà máy điện hạt nhân, trung tâm tài chính quốc tế tại TP HCM và Đà Nẵng, thành lập khu thương mại tự do tại một số địa phương. Các đơn vị tập trung hoàn thiện hạ tầng trọng điểm, kết nối hệ thống cao tốc với sân bay, cảng biển. Mục tiêu hoàn thành Cảng hàng không quốc tế Long Thành và ít nhất 3.000 km đường bộ cao tốc vào năm 2025.
Năm nay, tăng trưởng GDP ước đạt trên 7%, dự kiến hoàn thành 15/15 chỉ tiêu do Quốc hội đề ra. Nhiều tỉnh thành tăng trưởng ấn tượng, thu ngân sách nhà nước vượt nhiều so với dự toán.
Để hoàn thành chỉ tiêu tăng trưởng 8% năm sau, Thủ tướng giao Bộ Kế hoạch và Đầu tư xây dựng kịch bản với các giải pháp cụ thể để giao chỉ tiêu cho từng bộ ngành, địa phương. Trong đó, ông lưu ý các tỉnh thành phải đạt kết quả cao nhất, gồm tăng trưởng GRDP năm sau tối thiểu 8-10%. “Hà Nội, TP HCM, các thành phố lớn, địa phương lớn cần phát huy vai trò đầu tàu, đạt mức tăng trưởng cao hơn”, Thủ tướng yêu cầu.
Cùng đó, Ngân hàng Nhà nước phải điều hành tỷ giá, lãi suất nhằm đáp ứng nhu cầu vốn cho nền kinh tế, ổn định thị trường tiền tệ, ngoại hối, vàng và an toàn hệ thống. Các ngân hàng thương mại tiếp tục giảm chi phí, tăng ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số để hạ lãi suất cho vay, nâng chất lượng tín dụng.
Bộ Tài chính tiếp tục nghiên cứu, đề xuất chính sách miễn, giảm, gia hạn thuế, phí để hỗ trợ người dân, doanh nghiệp. Bộ Xây dựng có giải pháp tháo gỡ với các dự án bất động sản, nhà ở xã hội, triển khai hiệu quả gói tín dụng 145.000 tỷ đồng cho nhà ở xã hội. Bộ Công Thương có giải pháp kích cầu tiêu dùng, xúc tiến thương mại, đa dạng hóa thị trường xuất khẩu, xây dựng thương hiệu hàng Việt Nam chất lượng cao.
Bộ Kế hoạch và Đầu tư phải xây dựng cơ chế hiệu quả thu hút các dự án FDI có quy mô lớn, công nghệ cao như chip bán dẫn, trí tuệ nhân tạo, điện toán đám mây. Cơ quan này phải sớm hoàn thiện Nghị định về cơ chế thử nghiệm phát triển kinh tế tuần hoàn, trình Chính phủ trong quý I/2025.
Phương Dung
Nguồn tin: https://vnexpress.net/thu-tuong-yeu-cau-tiet-kiem-chi-de-dau-tu-phat-trien-4830378.html