Chi tiết

Xuất nhập khẩu lập loạt kỷ lục mới trong 2024

Năm thứ 9 liên tiếp xuất siêu

Chiều 23/12, Bộ Công Thương tổ chức Hội nghị Tổng kết công tác năm 2024 và triển khai nhiệm vụ ngành Công Thương năm 2025.

Bộ Công thương nhận định năm 2024 có những biến động lớn và khó lường với nhiều cơ hội và thách thức đan xen. Kinh tế toàn cầu tiếp tục đối mặt với những thách thức từ tăng trưởng yếu và lạm phát giảm chậm, chính sách tiền tệ thắt chặt từ những năm trước tiếp tục duy trì đến hết Quý III mới được nới lỏng một phần, chuỗi cung ứng toàn cầu, các luồng vận tải trọng yếu luôn đứng trước nguy cơ đứt gãy, gián đoạn. Xu hướng phi toàn cầu hoa· trỗi dậy, chính sách bảo hộ xuất hiện trở lại ở nhiều nước dưới các hình thức khác nhau.

Thứ trưởng Bộ Công Thương Phan Thị Thắng (ảnh: BCT)

Trong bối cảnh đó, ngành Công thương đã gặt hái được hàng loạt kết quả ấn tượng, trong đó xuất nhập khẩu là điểm sáng nổi bật và là một trong những động lực chính của tăng trưởng kinh tế

Theo Thứ trưởng Bộ Công Thương Phan Thị Thắng, hoạt động xuất khẩu đã tích cực tranh thủ cơ hội từ sự phục hồi của các thị trường lớn, truyền thống để đẩy mạnh xuất khẩu, nâng tổng kim ngạch xuất nhập khẩu cả năm 2024 lập kỷ lục mới, dự kiến vượt ngưỡng 700 tỷ USD (ước đạt 783 tỷ USD; trong đó xuất khẩu ước đạt 403 tỷ USD; nhập khẩu ước đạt 380 tỷ USD), vượt hơn 100 tỷ so với mức 681 tỷ USD của năm 2023.

Với con số kỷ lục mới (gần 800 tỷ USD), kim ngạch xuất nhập khẩu năm 2024 đã tăng 15% so với năm trước và vượt gần 3 lần kế hoạch được giao; Đặc biệt, cán cân thương mại ghi nhận năm thứ 9 liên tiếp xuất siêu ở mức cao (gần 25 tỷ USD), giúp nâng cao dự trữ ngoại hối, ổn định tỷ giá và các chỉ số kinh tế vĩ mô.

Đáng nói, cơ cấu hàng hóa xuất khẩu tiếp tục cải thiện theo chiều hướng tích cực, giảm hàm lượng xuất khẩu thô, tăng xuất khẩu sản phẩm chế biến, sản phẩm công nghiệp, tạo điều kiện cho hàng hóa Việt Nam tham gia sâu hơn vào chuỗi sản xuất và cung ứng toàn cầu.

Báo cáo của Bộ Công thương cho biết, trong năm 2024, cả nước có 36 mặt hàng đạt kim ngạch xuất khẩu trên 1 tỷ USD ( tăng 3 mặt hàng so với cùng kỳ năm trước)), chiếm 94,1% tổng kim ngạch xuất khẩu (có 7 mặt hàng xuất khẩu trên 10 tỷ USD, chiếm 66,5%). 44 mặt hàng nhập khẩu đạt giá trị trên 1 tỷ USD, chiếm tỷ trọng 92,6% tổng kim ngạch nhập khẩu (có 5 mặt hàng nhập khẩu trên 10 tỷ USD, chiếm 51,4%).

Toàn cảnh Hội nghị (ảnh: BCT)

Lần đầu tiên xuất khẩu nông sản vượt mốc 60 tỷ USD

Thông tin tại Hội nghị, Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Võ Văn Hưng cho biết, trong năm 2024, sản xuất và xuất khẩu nông lâm sản thủy sản đã tạo ra sự bứt phá khi giá trị sản xuất tăng trưởng trên 3,2%, lần đầu tiên xuất khẩu nông sản vượt mức 60 tỷ USD (ước đạt 62,7 tỷ USD năm 2024), tăng trên 18% so năm 2023.

Có 11 mặt hàng tiếp tục duy trì giá trị kim ngạch xuất khẩu trên 1 tỷ USD. Trong đó, có 7 mặt hàng đạt trên 3 tỷ USD gồm: gỗ và sản phẩm gỗ ước 16,1 tỷ USD, rau quả ước 7,1 tỷ USD, gạo ước 5,7 tỷ USD, cà phê ước 5,4 tỷ USD, hạt điều 4,3 tỷ USD, tôm 3,8 tỷ USD, cao su ước 3,2 tỷ USD, thủy sản 10 tỷ USD.

“Sự hợp tác chặt chẽ, hiệu quả của các đơn vị hai bộ cũng như sự ủng hộ, đồng hành của các bộ, ngành, cơ quan địa phương đang góp phần thực hiện thành công các mục tiêu chiến lược phát triển nông nghiệp nông thôn bền vững đến năm 2030, tầm nhìn 2045”- Thứ trưởng Võ Văn Hưng nhấn mạnh.

Để tiếp tục duy trì ổn định sản xuất và xuất khẩu trong thời gian tới, Thứ trưởng Võ Văn Hưng cho biết, Bộ NN&PTNT sẽ tăng cường, phát huy hơn nữa, triển khai có hiệu quả các nhiệm vụ tại Chương trình phối hợp công tác đã ký kết giữa 2 bộ;

Đồng thời tập trung chỉ đạo triển khai các giải pháp và nhiệm vụ trọng tâm như: Tiếp tục đẩy mạnh tái cơ cấu ngành nông nghiệp, ưu tiên thúc đẩy các ngành hàng như lúa gạo, thủy sản và rau quả theo hướng nâng cao chất lượng, hiệu quả và bền vững;

Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Võ Văn Hưng – Ảnh: Nguyễn Bắc

Chú trọng xây dựng các tiêu chuẩn về sản xuất, chế biến và chất lượng sản phẩm phù hợp với yêu cầu hội nhập kinh tế quốc tế để nâng cao khả năng cạnh tranh và giá trị sản phẩm nông sản Việt Nam; khai thác tối đa những ưu đãi từ các hiệp định thương mại, bảo vệ thương hiệu, sản phẩm ở những thị trường truyền thống và mở rộng thị phần tại các thị trường tiềm năng…

Đặc biệt, tập trung công tác tháo gỡ rào cản và mở cửa thị trường xuất khẩu. Quan tâm các thị trường mới, còn nhiều tiềm năng như các nước Hồi giáo Halal, Trung Đông, Châu Phi…, tích cực thực hiện các giải pháp đề nghị EU gỡ thẻ vàng đối với hải sản Việt Nam…



Nguồn