Chi tiết

Viettronics dừng việc thoái vốn các doanh nghiệp thành viên

Viettronics dừng việc thoái vốn các doanh nghiệp thành viên

Theo nghị quyết ban hành ngày 23/12, Tổng Công ty cổ phần Điện tử và Tin học Việt Nam (UPCoM: VEC) sẽ dừng triển khai thoái vốn các đơn vị thành viên sau khi nhận được văn bản từ Tổng Công ty Đầu tư và Kinh doanh vốn Nhà nước (SCIC).

Quyết định được đưa ra với lý do SCIC – công ty mẹ đang nắm gần 88% vốn VEC – muốn dành thời gian rà soát lại tình hình, tiến độ, cũng như kết quả thực hiện đề án tái cơ cấu của Công ty giai đoạn 2021-2025.

VEC cũng sẽ dừng tổ chức chào bán cạnh tranh hơn 2.1 triệu cp của CTCP Máy tính và Truyền thông Việt Nam (Vietcom). Trước đó, Tổng Giám đốc VEC đề xuất bán toàn bộ 35.7% vốn công ty liên kết này cho dưới 100 nhà đầu tư với giá khởi điểm 22,000 đồng/cp, ước thu về không dưới 47 tỷ đồng.

Theo đề án tái cơ cấu của VEC, Vietcom từng là doanh nghiệp đi đầu trong mảng máy tính, công nghệ thông tin nhưng nhiều năm qua đã ngừng triển khai các sản phẩm chủ chốt do không còn hiệu quả, thay vào đó tập trung khai thác lợi thế về mặt bằng và thu nhập tài chính từ tiền nhàn rỗi có được từ gửi ngân hàng. Báo cáo cho thấy Vietcom lỗ trước thuế liên tiếp giai đoạn 2020-2022.

Vietcom không phải cái tên duy nhất trong số 12 công ty con, công ty liên kết của VEC hoạt động ngày càng thiếu hiệu quả, dẫn đến phải phụ thuộc vào nguồn thu từ mảng kinh doanh không cốt lõi. Hệ thống VEC cùng các công ty thành viên lớn như Viettronics Thủ Đức (VTD), Viettronics Tân Bình (HOSE: VTB) và Điện tử Biên Hòa (Belco, UPCoM: BEL) có truyền thống lâu năm trong mảng sản xuất, gia công các sản phẩm điện tử dân dụng như tivi, video, máy giặt, tủ lạnh, quạt điện… từng gặt hái đỉnh cao hơn chục năm về trước nhưng dần mất vị thế khi không thể cạnh tranh với các sản phẩm ngoại nhập, về cả công nghệ lẫn giá thành sản xuất.

VTD và Belco từng là các thương hiệu hàng đầu trong ngành công nghiệp điện tử những năm trước đây nhưng hiện đã tạm dừng sản xuất do không đủ sức cạnh tranh, đồng thời chưa thể tìm ra hướng đi mới. Các doanh nghiệp này giờ đang “sống” chủ yếu nhờ nguồn thu từ cho thuê mặt bằng.

Đến cuối tháng 9/2024, VEC hạch toán vốn gốc đầu tư vào 12 công ty trên khoảng 378 tỷ đồng nhưng trích lập dự phòng hơn 148 tỷ đồng. Khoản đầu tư vào VTB vẫn đang được trích lập lớn nhất với hơn 58 tỷ đồng, bằng một nửa giá gốc.

Năm 2023, SCIC định tổ chức đấu giá toàn bộ cổ phần đang sở hữu tại VEC, khởi điểm hơn 1 ngàn tỷ đồng cho khoảng 38.5 triệu cp, nhưng sau đó hủy do không có nhà đầu tư quan tâm.


Danh mục công ty con, công ty liên kết thời điểm cuối quý 3 của VEC. Nguồn: BCTC riêng của VEC


Tivi mang thương hiệu BELCO. Nguồn: BEL

* Hủy đấu giá trọn lô cổ phiếu Viettronics do không có người đăng ký

Tử Kính

FILI



Source link