Chi tiết

Quỹ đầu tư chuẩn bị kịch bản cho năm mới

Áp lực tỷ giá là một trong những yếu tố ảnh hưởng lớn đến thị trường chứng khoán và tâm lý đầu tư của khối ngoại

(ĐTCK)  Đa số quỹ đầu tư chứng kiến hiệu quả đầu tư đi xuống trong 2 tháng qua và một số quỹ lớn gia tăng tỷ trọng tiền mặt trong danh mục.

Nhiều yếu tố đáng lưu ý

Số liệu thống kê từ FiinTrade cho thấy, có 53/66 quỹ ghi nhận hiệu suất âm trong tháng 11/2024, khi chỉ số VN-Index giảm 1,1%. Theo đó, đa phần các quỹ đầu tư chứng kiến hiệu quả đầu tư đi xuống trong 2 tháng liên tiếp.

Tuy vậy, tính từ đầu năm 2024 đến nay, nhiều quỹ có hiệu suất tích cực, với 40/66 quỹ đạt mức tăng cao hơn mức tăng 10,7% của VN-Index. Dẫn đầu tiếp tục là Quỹ cổ phiếu kinh tế hiện đại VinaCapital (VMEEF), với mức tăng 32%; tiếp đến là Quỹ SSI-SCA tăng 29,9%, Quỹ tăng trưởng dài hạn Việt Nam (VLGF) tăng 26,3%.

Lý giải thị trường chứng khoán suy giảm trong tháng 11/2024, Quỹ VMEEF cho rằng, nguyên nhân chính là do áp lực bán ròng lớn của nhà đầu tư nước ngoài. Trong khi đó, sau khi các doanh nghiệp niêm yết công bố kết quả kinh doanh quý III/2024, thị trường rơi vào giai đoạn thiếu thông tin hỗ trợ. Ngoài ra, việc ông Donald Trump đắc cử Tổng thống Mỹ nhiệm kỳ 2025 – 2029 đã tạo ra nhiều yếu tố khó dự báo cho thị trường toàn cầu. Tuy nhiên, mức định giá hợp lý đã hỗ trợ cho thị trường chứng khoán không giảm mạnh.

Về thanh khoản, tình hình giao dịch của thị trường chứng khoán trong tháng 11/2024 kém sôi động so với các tháng trước đó, với giá trị giao dịch trung bình mỗi ngày tính trên cả ba sàn là 15.800 tỷ đồng, giảm 11% so với tháng 10 và là mức thấp nhất kể từ tháng 5/2023. Nhà đầu tư nước ngoài bán ròng 11.900 tỷ đồng trong tháng 11, nâng giá trị bán ròng tính từ đầu năm 2024 lên mức kỷ lục 89.800 tỷ đồng. Kết quả, tỷ lệ sở hữu của khối ngoại trên thị trường chứng Việt Nam giảm còn 16,4%, mức thấp nhất trong 2 năm trở lại đây.

Khối ngoại bán ròng do lo ngại các dự kiến chính sách của ông Donald Trump sẽ làm đồng USD mạnh lên, ảnh hưởng đến dòng tiền đầu tư vào thị trường mới nổi. Trong tháng 11 vừa qua, chỉ số DXY, đo lường sức mạnh của đồng USD, đã tăng từ 104 lên 106, có thời điểm vượt 107.

Quỹ đầu tư chứng khoán năng động (DCDS) do Dragon Capital quản lý ghi nhận hiệu suất đầu tư âm 0,5% trong tháng 11/2024. Theo DCDS, nguyên nhân chủ yếu là danh mục của Quỹ bị ảnh hưởng bởi cổ phiếu ngành bán lẻ và ngân hàng giảm giá như mã MWG giảm 9%, mã VPB giảm 6,4%, mã STB giảm 5,4%. Ở chiều ngược lại, nhóm cổ phiếu ngành phần mềm, công nghiệp và vận tải tăng trưởng tốt, nổi bật là mã VTP tăng 46,9%, mã HVN tăng 20%, mã HAH 9,5%, FPT tăng 6,2%.

Tuy gặp phải những điều chỉnh trong ngắn hạn, nhưng tính chung 11 tháng đầu năm 2024, nhiều cổ phiếu mà DCDS phân bổ tỷ trọng cao ghi nhận mức tăng giá ấn tượng như FPT tăng 73,8%, MWG tăng 42,5%, TCB tăng 53%, FRT tăng 66,8%, đóng góp lớn vào mức tăng chung của toàn danh mục. Cụ thể, giá trị tài sản ròng/chứng chỉ quỹ (NAV/CCQ) tăng 20,7%, vượt 10% so với mức tăng của VN-Index trong cùng khoảng thời gian.

Trong khi đó, theo Quỹ VLGF, diễn biến ảm đạm của thị trường chứng khoán tháng 11/2024 chủ yếu đến từ lo ngại của nhà đầu tư về ảnh hưởng bởi các chính sách bảo hộ sắp tới của Mỹ sau khi ông Trump nhậm chức Tổng thống đến nền kinh tế Việt Nam vốn có độ mở cao, cũng như những ảnh hưởng của các chính sách này lên xu hướng của tỷ giá và lãi suất.

Trong tháng 11, Quỹ VLGF ghi nhận hiệu suất giảm 0,7%, thấp hơn so với mức giảm 1,1% của VN-Index và mức giảm 2,04% của VN30 Index, chủ yếu nhờ nhóm công nghệ thông tin tăng giá như mã FPT tăng 6,2%.

Quỹ VLGF cho biết, trong tháng 12/2024 và trong năm 2025, Quỹ sẽ tiếp tục theo dõi các yếu tố bao gồm: ảnh hưởng tới nền kinh tế Việt Nam và từng nhóm ngành bởi các chính sách trong nhiệm kỳ Tổng thống Mỹ 2025 – 2029 của ông Donal Trump, lộ trình hạ lãi suất của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed), tổng dư nợ trái phiếu doanh nghiệp trễ hạn thanh toán.

Trong đó, các yếu tố có thể ảnh hưởng tới quá trình cắt giảm lãi suất của Fed trong năm 2025 là áp lực lạm phát, tỷ lệ thất nghiệp ổn định, số lượng việc làm mới tăng, lợi nhuận doanh nghiệp tăng trưởng, GDP và ngành bán lẻ tiếp tục tăng. Ngoài ra, các chính sách dự kiến của ông Trump như tăng thuế nhập khẩu, thắt chặt nhập cư, giảm thuế doanh nghiệp và nới lỏng quy định kinh doanh được dự báo sẽ thúc đẩy kinh tế Mỹ tăng trưởng và hỗ trợ đồng USD mạnh lên.

VLGF nhận định, việc áp thuế nhập khẩu cao hơn có thể gây áp lực lạm phát tại Mỹ, từ đó làm chậm lộ trình cắt giảm lãi suất của Fed. Những yếu tố này khiến USD duy trì ở mức cao, tạo áp lực lên tỷ giá và thu hẹp dư địa điều hành chính sách tiền tệ của các nước, trong đó có Việt Nam.

Tuy nhiên, VLGF kỳ vọng, tình hình tỷ giá sẽ dần được cải thiện trong những tháng tới, khi Fed có thêm các đợt cắt giảm lãi suất, trong khi các dòng vốn FDI, hoạt động thương mại và kiều hối vẫn ổn định.

Các yếu tố trong nước dự kiến sẽ hỗ trợ thị trường chứng khoán là kết quả kinh doanh của các doanh nghiệp niêm yết được kỳ vọng duy trì tích cực trong quý IV/2024, đặc biệt là Kế hoạch hành động của Chính phủ năm 2025, với các cải cách và giải pháp tăng trưởng kinh tế, phấn đấu đạt mức tăng trưởng GDP khoảng 8%, so với mức mục tiêu Quốc hội giao là trên 7%, từ đó tạo đà phấn đấu mức tăng trưởng hai con số trong giai đoạn 2026 – 2030.

Bên cạnh đó, mục tiêu nâng hạng thị trường chứng khoán lên thị trường mới nổi đang được đẩy mạnh. Tuy còn một số vướng mắc trong vận hành, FTSE đã có đánh giá khả quan về việc đưa sản phẩm Non Pre-funding solution (NPS) vào thực tế, cho phép nhà đầu tư tổ chức nước ngoài có thể giao dịch mua cổ phiếu không cần yêu cầu phải có đủ tiền. Dự kiến, FTSE sẽ có cuộc họp đánh giá triển vọng nâng hạng của thị trường Việt Nam vào tháng 1/2025.

Nhóm quỹ quy mô lớn tăng tỷ trọng tiền mặt

Một động thái đáng chú ý của các quỹ đầu tư những tháng gần đây là việc tăng tỷ trọng tiền mặt trong cơ cấu phân bổ danh mục đầu tư, tập trung ở nhóm quỹ có quy mô NAV lớn.

Trong tháng 11/2024, các quỹ tăng tỷ trọng tiền mặt có thể kể tới như Quỹ cổ phiếu Việt Nam chọn lọc (VFMVSF), Quỹ cổ phiếu tăng trưởng VCBF (VCBF-MGF), Quỹ cổ phiếu Manulife (MAFEQI), Quỹ chủ động VND (VNDAF), Quỹ đầu tư tăng trưởng DFVN (DFVN-CAF), Quỹ The Ballad Việt Nam (TBLF)…

Xét về quy mô NAV, Quỹ VFMVSF do Dragon Capital quản lý có NAV lớn nhất tăng tỷ trọng tiền mặt trong tháng 11, với tỷ trọng tiền mặt từ 8,2% trong tháng 10 tăng lên 11,4% (NAV của Quỹ tính tới cuối tháng 11 đạt 6.846 tỷ đồng).

Quỹ TBLF do SGI Capital quản lý đã nâng tỷ trọng tiền mặt từ mức 10,1% tháng 1/2024 lên mức 73,9% vào cuối tháng 11/2024. SGI Capital giữ quan điểm cẩn trọng về thị trường chứng khoán Việt Nam trong nhiều tháng qua.

“Chúng tôi quan sát thấy dòng tiền trong nước sau nhiều tháng không có lãi từ thị trường chứng khoán đang tiếp tục xu hướng rút ra để chuyển qua kênh bất động sản. Những áp lực rút vốn khiến số dư tiền mặt giảm 2 quý liên tiếp và dư nợ giao dịch ký quỹ (margin) tăng lên mức kỷ lục đang tiềm ẩn rủi ro cho thị trường chứng khoán. Những cơ hội phân hóa đơn lẻ vẫn đang diễn ra, nhưng ở quy mô và số lượng hạn hẹp nên không thay đổi bối cảnh khó kiếm tiền của thị trường 6 tháng qua”, SGI Capital cho biết.

Theo công ty quản lý quỹ này, trong bối cảnh lãi suất huy động nhích tăng và dòng tiền đầu tư phải chia sẻ với các kênh khác như bất động sản và tiền số, cơ hội của thị trường chứng khoán giai đoạn hiện nay phụ thuộc nhiều vào xu hướng của dòng vốn ngoại và những cơ hội phân hóa đơn lẻ.

“Chúng tôi đang rà soát kỹ lưỡng bối cảnh chung cũng như từng cơ hội riêng để quyết định chiến lược hành động phù hợp cho giai đoạn cuối năm 2024 và chuẩn bị cho chu kỳ đầu tư mới trong năm 2025 hứa hẹn có nhiều biến số mới tác động mạnh lên thị trường chứng khoán”, SGI Capital chia sẻ.


Nguồn tin: https://www.tinnhanhchungkhoan.vn/quy-dau-tu-chuan-bi-kich-ban-cho-nam-moi-post360385.html