Hiện nay, Vĩnh Phúc có khoảng 15.000 doanh nghiệp đăng ký hoạt động; trong đó, khoảng 14.600 doanh nghiệp là doanh nghiệp trong nước đang đầu tư và sản xuất kinh doanh trên nhiều lĩnh vực. Với những nỗ lực rất lớn, khu vực doanh nghiệp đã đóng góp vào sự phát triển và tăng trưởng của Vĩnh Phúc trong thời gian qua.
KHU VỰC DOANH NGHIỆP ĐANG PHỤC HỒI
Theo Cục Thống kê tỉnh Vĩnh Phúc, trong 11 tháng năm 2024, toàn tỉnh có 1.353 doanh nghiệp đăng ký thành lập mới với tổng vốn đăng ký 13.822 tỷ đồng và 10.166 lao động. So với cùng kỳ năm trước, số doanh nghiệp giảm 0,81% song vốn đăng ký tăng 34,37% và số lao động tăng 15,55%.
Ở chiều ngược lại, trong 11 tháng năm 2024, có 330 doanh nghiệp quay trở lại hoạt động, 1.037 doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường; trong đó, 866 doanh nghiệp tạm ngừng kinh doanh (chiếm 83,51%) và 171 doanh nghiệp giải thể (16,49%).
Số liệu này cho thấy số lượng doanh nghiệp quay trở lại hoạt động trong năm 2024 khá tương đồng với bình quân những năm trước. Trong khi đó, số doanh nghiệp giải thể tăng 25,74% so với năm 2023, chủ yếu tập trung vào nhóm nhỏ lẻ hoạt động không hiệu quả.
Như vậy, có thể thấy tuy số lượng doanh nghiệp mới đăng ký của Vĩnh Phúc giảm nhẹ song số vốn đăng ký và số doanh nghiệp quay trở lại thị trường có sự gia tăng, thể hiện xu hướng doanh nghiệp đang phục hồi, thích ứng với những khó khăn và tin tưởng vào triển vọng tăng trưởng sắp tới.
Khảo sát niềm tin doanh nghiệp quý 3/2024 được Cục Thống kê Vĩnh Phúc thực hiện cho thấy có tới 76,7% doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh Vĩnh Phúc đang hoạt động trong ngành công nghiệp chế biến, chế tạo, hoạt động sản xuất kinh doanh trong quý 3/2024 đã có sự khởi sắc so với quý 2/2024, cao hơn đáng kể so với 23,3% doanh nghiệp cho rằng tình hình khó khăn hơn.
Đáng chú ý, số doanh nghiệp tin tưởng tình hình sẽ tốt hơn trong quý 4/2024 còn chiếm tỷ lệ cao hơn với 80,4% trong khi chỉ có 19,6% lo ngại về khó khăn trong sản xuất kinh doanh sắp tới.
VẪN CÒN NHỮNG KHÓ KHĂN PHÍA TRƯỚC
Dù các doanh nghiệp đã có sự khởi sắc vào những tháng cuối năm song các chuyên gia tin rằng những khó khăn vẫn đang chờ doanh nghiệp phía trước.
Theo TS. Nguyễn Đình Cung, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương, với triển vọng kinh tế toàn cầu trong năm 2025 như căng thăng địa chính trị diễn biến khó lượng, chính sách Trump thời kỳ 2.0 và những rủi ro đe dọa gián đoạn chuỗi cung ứng toàn cầu… kinh tế Việt Nam sẽ đối mặt với nhiều thách thức. Trong dòng chảy này, các doanh nghiệp Việt Nam sẽ phải có các kịch bản ứng phó với những biến động có thể xảy ra để nâng cao khả năng chống chịu với những bất định từ bên ngoài.
Nếu so sánh số liệu doanh nghiệp trong 11 tháng năm 2024 với giai đoạn trước có thể thấy rất rõ, các doanh nghiệp đã phục hồi song còn yếu. Đó là số lượng doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường năm 2024 cao hơn nhiều so với bình quân những năm trước đây. Cụ thể, số lượng doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường trung bình 102 doanh nghiệp/năm trong giai đoạn 2011 – 2015, 308 doanh nghiệp/năm trong giai đoạn 2016 – 2020. Như vậy, riêng năm 2024, số lượng doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường cao gấp 9 lần so với giai đoạn 2011 – 2015 và 3 lần so với giai đoạn 2016 – 2020.
Mặc dù số doanh nghiệp giải thể chủ yếu tập trung vào nhóm nhỏ lẻ, không hiệu quả, song điều này cho thấy khả năng cạnh tranh và sức chống chịu của doanh nghiệp trên địa bàn là không cao.
Kết quả khảo sát của Cục Thống kê tỉnh Vĩnh Phúc cũng cho thấy điều này. Cụ thể, trong quý 3/2024, hai yếu tố chính ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp là “nhu cầu thị trường trong nước thấp” và “tính cạnh tranh của hàng trong nước cao,” với tỷ lệ doanh nghiệp lựa chọn lần lượt là 52,9% và 49,0%. Đặc biệt, yếu tố “khó khăn về tài chính” tăng 5,1 điểm phần trăm so với quý II/2024, đạt tỷ lệ 26,5%, cho thấy tài chính đang là một trở ngại đáng kể đối với các doanh nghiệp.
Không chỉ vậy, theo phản ánh của nhiều doanh nghiệp, hiện nay, mặc dù Vĩnh Phúc đã nỗ lực cải cách môi trường kinh doanh, cải thiện thủ tục hành chính, tháo gỡ nhiều điểm nghẽn để thúc đẩy dự án đầu tư và sản xuất kinh doanh… song nhiều dự vẫn gặp khó. Nhiều ý kiến đề xuất Vĩnh Phúc cần đồng hành với doanh nghiệp để lắng nghe, chia sẻ và giúp doanh nghiệp nhanh chóng tháo gỡ khó khăn, tránh tình trạng dự án triển khai chậm.
ĐỒNG HÀNH CÙNG DOANH NGHIỆP
Vì vậy, hỗ trợ doanh nghiệp giải quyết các vướng mắc trong đầu tư, kinh doanh là một trong những nhiệm vụ trọng tâm trong năm 2025. Với vai trò là đầu mối giữa chính quyền với doanh nghiệp và nhà đầu tư, ông Bùi Hồng Đô, Giám đốc Trung tâm Xúc tiến đầu tư và Hỗ trợ doanh nghiệp tỉnh Vĩnh Phúc, cho biết Trung tâm sẽ chủ trì, phối hợp với các sở, ngành, đơn vị liên quan hướng dẫn, giám sát, đôn đốc tiến độ thực hiện các dự án và báo cáo UBND tỉnh về các vướng mắc mà nhà đầu tư gặp phải để tháo gỡ khó khăn cho nhà đầu tư.
“Trung tâm sẽ thực hiện lịch tiếp doanh nghiệp theo định kỳ để nắm bắt tình hình sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp, các kiến nghị và phản ánh, đề xuất của doanh nghiệp”, ông Đô cho biết.
Ngoài ra, Trung tâm cũng phối hợp với các sở ngành có liên quan xây dựng các đề án, báo cáo chuyên đề phục vụ công tác chỉ đạo, lãnh đạo, điều hành của Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh; tư vấn, hỗ trợ nhà đầu tư, doanh nghiệp từ lúc hình thành ý tưởng đầu tư, kinh doanh, giới thiệu và đưa đi khảo sát lựa chọn địa điểm đầu tư đến tư vấn lập hồ sơ đầu tư theo Luật Đầu tư, Luật Doanh nghiệp và các văn bản có liên quan đến hoạt động đầu tư kinh doanh.
Cùng với đó, Trung tâm cũng hỗ trợ doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh tìm kiếm, tiếp cận các nguồn tài chính của ngân hàng, các quỹ hỗ trợ đầu tư của Chính phủ, của tỉnh; hướng dẫn, giải đáp cho các doanh nghiệp về chính sách khuyến khích, hỗ trợ doanh nghiệp của nhà nước…