Năm 2024, IMF và WB cùng dự báo tăng trưởng kinh tế Việt Nam ở mức 6,1% và ADB dự báo ở mức 6,4%. Ngân hàng Standard Chartered dự báo tăng trưởng kinh tế Việt Nam ở mức 6,8% trong năm 2024 và Ngân hàng HSBC dự báo 7%.
Tiêu dùng phục hồi không chắc chắn
Theo dữ liệu được các chuyên gia Đại học Kinh tế Thành phố Hồ Chí Minh (UEH) và Cục Thống kê Thành phố Hồ Chí Minh phối hợp thực hiện tại báo cáo “Kinh tế Thành phố Hồ Chí Minh: Phục hồi và sẵn sàng sang kỷ nguyên mới”, tất cả các con số dự báo trên đều là những mức tăng trưởng cao kể từ sau Đại dịch COVID-19 (2020-2024), phản ánh nền kinh tế tiếp tục duy trì được đà phục hồi và tăng trưởng. Tuy nhiên, mức tăng trưởng này vẫn còn tương đối thấp so với mức trung bình của các năm trước Đại dịch COVID-19 (2014-2019).
Tốc độ tăng trưởng GDP trong năm 2024 cho thấy xu hướng phục hồi của tổng cầu đối với hàng hóa và dịch vụ trong nền kinh tế Việt Nam, các chuyên gia đánh giá. Trong đó, các thành tố trong nước của tổng cầu là tiêu dùng của người dân và đầu tư ước tính tăng lần lượt là 5,3% và 6,8%. Dữ liệu cho thấy đây là những mức tăng cao kể từ sau Đại dịch COVID-19 (2020-2024), nhưng vẫn còn thấp so với các năm trước đó (2014-2019). Điều này phản ánh tiêu dùng của người dân và đầu tư của các doanh nghiệp vẫn chưa thực sự hồi phục về xu hướng trước Đại dịch COVID-19.
Tiêu dùng của người dân có xu hướng phục hồi không chắc chắn nếu nhìn vào tổng mức bán lẻ và doanh thu dịch vụ tiêu dùng. Theo Tổng cục Thống kê, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng theo giá hiện hành tính chung mười một tháng năm 2024 ước tính tăng 8,8% so với cùng kỳ năm trước (cùng kỳ năm 2023 tăng 9,7%), nếu loại trừ yếu tố giá tăng 5,8% (cùng kỳ năm 2023 tăng 7,0%). Trong đó bán lẻ hàng hóa tăng 8,1% (cùng kỳ năm 2023 tăng 8,6%). Điều này cho thấy người dân đang có xu hướng thắt chặt hơn trong chi tiêu hàng ngày.
Vốn đầu tư doanh nghiệp trên đà phục hồi
Có thể nhìn sâu hơn vào các nguồn vốn đầu tư để hiểu rõ hơn tình hình đầu tư của các doanh nghiệp. Vốn đầu tư thực hiện toàn xã hội (theo giá hiện hành) 9 tháng năm 2024 ước tính tăng 6,8% so với cùng kỳ năm trước, một con số khiêm tốn nếu cân nhắc đến yếu tố tăng giá. Trong đó, vốn khu vực Nhà nước chiếm 27,5% và tăng 4,1%; khu vực ngoài Nhà nước chiếm 55,3% và tăng 7,1%; khu vực có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài chiếm 17,2% và tăng 10,7%.
Dữ liệu tại báo cáo cũng cho thấy tốc độ tăng trưởng vốn đầu tư của khu vực ngoài Nhà nước đang trên đà phục hồi kể từ sau Đại dịch COVID-19 (2020-2024), nhưng vẫn còn tương đối thấp so với các năm trước đó (2014-2019). Điều này phản ánh đầu tư của các doanh nghiệp trong nước vẫn còn đang phục hồi khá chậm.
Trong khi đó tốc độ tăng trưởng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài hồi phục mạnh hơn kể từ sau Đại dịch COVID-19 (2020-2024) và đã quay lại được mức tăng trưởng trung bình của các năm trước đó (2014-2019).
Một lực kéo đáng kể đối với tổng cầu đến từ thị trường quốc tế. Kim ngạch xuất khẩu năm 2024 của Việt Nam ước tính đạt 408 tỷ USD, tăng 15% so với cùng kỳ năm trước, cho thấy mức kim ngạch xuất khẩu này đã xác lập kỷ lục mới từ trước đến nay. Điều này phản ánh các doanh nghiệp Việt Nam đã tận dụng tốt sự phục hồi của nền kinh tế thế giới, đặc biệt là hai thị trường xuất khẩu lớn nhất là Mỹ và Trung Quốc.
Tình hình giá cả năm 2024 cũng diễn biến tương đối thuận lợi. Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) 11 tháng năm 2024 của Việt Nam ước tính tăng 3,69% so với cùng kỳ năm trước, cao hơn mức tương ứng của năm 2023 nhưng vẫn thấp hơn mức mục tiêu 4,5%. Trong đó, mức tăng này phần lớn đến từ các nhóm hàng tiêu dùng có tốc độ tăng cao trên 4,5%: (1) nhóm lương thực tăng 12,91%, trong đó giá gạo tăng 16,96% theo giá gạo xuất khẩu; (2)nhóm thuốc và dịch vụ y tế với mức tăng 7,33% do giá dịch vụ y tế được điều chỉnh theo Thông tư số 22/2023/TT-BYT của Bộ Y tế từ ngày 17/11/2023; (3) nhóm giáo dục với mức tăng 5,98% do trong năm học 2023-2024 một số tỉnh và thành phố trực thuộc Trung ương đã tăng mức học phí theo Nghị quyết của Hội đồng Nhân dân cấp tỉnh; (4) nhóm nhà ở, điện nước, chất đốt và vật liệu xây dựng tăng 5,21% phần lớn đến từ chỉ số giá điện và nước sinh hoạt. Số liệu cả năm 2024 được ước tính dựa vào số liệu 11 tháng năm 2024.
Cần nhanh chóng giảm thuế TNCN, tránh cú sốc giá cả
Lạm phát năm 2024 tăng lên gây ảnh hưởng trực tiếp đến đời sống sinh hoạt của người dân là vấn đề cần phải theo dõi sát sao trong thời gian tới, các chuyên gia đánh giá. Tuy nhiên, có thể thấy rằng mức tăng này phần lớn đến từ hai nguồn: (1) các nhóm hàng hóa và dịch vụ tiêu dùng do Nhà nước quản lý, việc tăng giá mang tính chất tạm thời và không lặp lại liên tục; (2) nhóm lương thực, thực phẩm, việc tăng giá chủ yếu đến từ các nguyên nhân khách quan ngẫu nhiên như chiến tranh, dịch bệnh hay thiên tai.
Để đánh giá đúng những thay đổi trong mức giá chung mang tính chất dài hạn, phản ánh sự thay đổi của tổng cầu đối với hàng hóa và dịch vụ trong tương quan khả năng cung ứng tiềm năng trong dài hạn của nền kinh tế, chúng ta cần phải nhìn vào lạm phát cơ bản.
Theo các chuyên gia, lạm phát cơ bản đo lường thay đổi trong mức giá chung sau khi đã loại trừ những thay đổi mang tính chất ngẫu nhiên, tạm thời của chỉ số giá tiêu dùng. Cụ thể, lạm phát cơ bản được 5Số liệu cả năm 2024 được ước tính dựa vào 11 tháng năm 2024 tính dựa trên chỉ số giá tiêu dùng sau khi loại trừ các nhóm hàng lương thực, thực phẩm, năng lượng và mặt hàng do Nhà nước quản lý gồm dịch vụ y tế và dịch vụ giáo dục. Các dữ liệu cung cho thấy lạm phát cơ bản năm 2024 của Việt Nam ước tính là 2,7%, giảm so với mức tương ứng của năm 2023.
Điều này phản ánh thu nhập của người dân nhìn chung chịu nhiều tác động tiêu cực từ việc tăng giá mang tính chất ngẫu nhiên và tạm thời của các hàng hóa và dịch vụ đã thảo luận ở trên, dẫn đến việc chi tiêu cho các hàng hóa và dịch vụ cơ bản có xu hướng chững lại.
“Chính phủ cần phải nhanh chóng xem xét giảm thuế thu nhập cá nhân và tăng mức giảm trừ gia cảnh nhằm (1) hỗ trợ người dân vượt qua những cú sốc về giá cả và (2) thúc đẩy tiêu dùng trong nước, tránh để nền kinh tế rơi vào vòng xoáy tiêu dùng thấp-tổng cầu thấp-thu nhập thấp-tiêu dùng thấp. Chính sách này đặc biệt quan trọng trong việc phát triển thị trường trong nước hướng đến giảm sự phụ thuộc của tổng cầu vào xuất khẩu, góp phần bình ổn hóa nền kinh tế trước những biến động bên ngoài”, các chuyên gia của Đại học Kinh tế TP HCM khuyến nghị.
Source link