Phát biểu tại Hội nghị Tổng kết năm 2024 và Triển khai kế hoạch năm 2025 của ngành nông nghiệp chiều ngày 27/12, ông Nguyễn Hoài Nam, Phó Tổng thư ký Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu Thủy sản Việt Nam (VASEP) cho biết, tổng kim ngạch xuất khẩu thủy sản năm 2024 vượt mốc 10 tỷ USD. Đây là thành quả của nỗ lực từ cộng đồng doanh nghiệp, nông dân, sự chỉ đạo của Chính phủ, Bộ NN&PTNT.
Theo đó, thủy sản Việt Nam hiện đã có mặt trên 170 quốc gia, vùng lãnh thổ. Trong đó, đáng chú ý là ngành hàng tôm với 4 tỷ USD; cá tra là 2 tỷ USD, các mặt hàng biển như cá ngừ, mực, bạch tuộc khoảng 4 tỷ USD.
Tuy nhiên, ông Nam cho biết, tình hình chung vẫn còn nhiều khó khăn với thủy sản. Đầu tiên là việc trong 5-6 năm qua, kết quả xuất khẩu thủy sản chỉ “loanh quanh 8-10 tỷ USD”. Chỉ số tăng trưởng lúc 2%, lúc 6%. Ngoại trừ năm 2022, thủy sản Việt Nam xuất khẩu được 11 tỷ USD, tăng 23%.
Theo Chiến lược phát triển thủy sản Việt Nam, ngành này cần xuất khẩu được 16 tỷ USD. Để đạt mục tiêu này, VASEP xin mạnh dạn kiến nghị Chính phủ, Bộ NN&PTNT một số vấn đề để tạo động lực cho ngư dân.
Từ góc nhìn của VASEP, thì tạo động lực cho nông-ngư dân nuôi trồng và khai thác là vấn đề cốt lõi quan trọng. Nguyên liệu cho xuất khẩu và tiêu dùng là vấn đề sống còn, và là tiền đề cho tăng trưởng. Nông-ngư dân là lực lượng lớn tham gia trong ngành, nhưng không ít trong số đó vẫn còn khó khăn, còn những bất cập khác nhau.
“Chúng tôi đề xuất lập chợ đấu giá để ngư dân bán được hàng với giá tốt nhất, Nhà nước truy xuất được dữ liệu”, ông Nam nói.
Thứ hai, là rà soát, xem xét, sửa đổi phù hợp các quy định liên quan đến vùng khai thác như bờ, lộng, khơi.
Thứ ba, là rà soát, xem xét, sửa đổi phù hợp các quy định liên quan đến kích thước khai thác tối thiểu của một số loài, đặc biệt là cá ngừ vằn, ngừ vây vàng và các loài di cư.
Đề xuất thứ tư, ông Nam kiến nghị Bộ NN&PTNT đàm phán với các đối tác EU về mặt hàng con ruốc, bởi đây là mặt hàng được người dân các nước này yêu thích.
Cuối cùng, VASEP kiến nghị Chính phủ, Bộ NN&PTNT có chiến lược xây dựng mô hình các tập đoàn, doanh nghiệp lớn về khai thác biển để hợp tác khai thác với các quốc gia có biển, không chỉ mở rộng phạm vi hoạt động mà còn tạo động lực mới cho ngư dân khai thác biển, cho nguồn nguyên liệu dồi dào bền vững hơn.
Đối với ngư dân, VASEP kiến nghị rà soát các quy định pháp luật để người dân nuôi trồng thủy sản có thể thế chấp, có thể vay vốn ngân hàng một cách bình thường. Cấp giấy phép mặt nước cho người dân như dạng “sổ đỏ” để người dân có thể vay vốn từ các quỹ hoặc ngân hàng.
Tập trung cho vấn đề “con giống”, kiểm tra chặt hơn việc lưu thông, tiêu thụ tôm giống kém chất lượng, còn với giống cá tra cần phải có quy hoạch cho phát triển giống & có cơ chế ưu tiên cho người làm giống, thu hút các bên tham gia. Cùng với đó, các tỉnh cần ưu tiên sử dụng các quỹ đất/mặt nước cho nuôi trồng thuỷ sản, bao gồm cả diện tích mới và diện tích hết hạn thuê, thay vì chỉ tập trung cho du lịch, phát triển đô thị.
“Chúng tôi mạnh dạn đề xuất chính phủ, Bộ Tài chính, Ngân hàng Nhà nước cần tiếp tục đẩy mạnh tín dụng xuất khẩu, gói tín dụng dành cho lâm-thủy sản như đã triển khai hiệu quả 2 năm qua sau Hội nghị của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính với VASEP & Hiệp hội gỗ ngày 13/4/2023. Đẩy mạnh bảo hiểm nông nghiệp, hỗ trợ chia sẻ rủi ro với nhà nông, kinh nghiệm bão số 3 vừa qua cho thấy rõ nhu cầu này”, ông Nam nói.
Cuối cùng, đại diện VASEP kiến nghị đẩy mạnh ứng dụng công nghệ mới, chuyển đổi số và có quy chế ràng buộc các chủ thể tham gia ngành thủy sản phải quan tâm và có giải pháp kiểm soát, hạn chế và trung hòa phát thải để ngành phát triển ổn định, bền vững.