Chi tiết

Thủ tướng: Phấn đấu tăng trưởng GDP năm sau đạt hai con số

Các bộ ngành, địa phương phải quyết tâm cao, nỗ lực lớn để phấn đấu tăng trưởng kinh tế hai con số vào năm sau, theo yêu cầu của Thủ tướng.

Quốc hội giao mục tiêu kinh tế năm 2025 trên 7%. Tuy nhiên, tại công điện vừa ký ban hành, Thủ tướng Phạm Minh Chính đề nghị các bộ ngành, địa phương phấn đấu đạt GDP hai con số vào năm sau. Mức này cũng cao hơn so với chỉ tiêu 8% được Thủ tướng, Chính phủ đề ra trước đó.

Lãnh đạo Chính phủ thừa nhận mục tiêu tăng trưởng hai con số là thách thức. Song việc này sẽ tạo tiền đề bứt tốc cho giai đoạn 2026 – 2030, để đất nước bước vào kỷ nguyên mới – Kỷ nguyên vươn mình của dân tộc. Việt Nam ưu tiên thúc đẩy tăng trưởng trên cơ sở giữ ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, bảo đảm các cân đối lớn và có thặng dư cao.

“Các bộ ngành, địa phương phải quyết liệt để hoàn thành các mục tiêu đề ra”, Thủ tướng giao, thêm rằng mỗi đơn vị phải là “hạt nhân tiên phong khơi dậy mọi tiềm năng đưa đất nước vững bước đi lên”.

Công nhân làm việc tại một nhà máy dệt may. Ảnh: Reuters.

Công nhân làm việc tại một nhà máy dệt may. Ảnh: Reuters.

Thực tế, Việt Nam được nhiều tổ chức quốc tế dự báo tiếp tục là ngôi sao tăng trưởng trong khu vực năm 2025, vượt qua mức tăng trưởng của nhiều quốc gia trong khu vực châu Á. Các tổ chức quốc tế đưa ra dự báo tăng trưởng GDP năm sau của Việt Nam có thể dưới 7%. Chẳng hạn, IMF dự báo tăng trưởng 2025 của Việt Nam đạt 6,1%, cao hơn so với các nước như Trung Quốc, Indonesia và Thái Lan (3-5,1%). ADB cũng nâng dự báo tăng trưởng của Việt Nam trong năm 2025 lên 6,6%, từ mức 6,2% hôm tháng 9, nhờ vào động lực từ thương mại và đầu tư trong năm 2024.

Để đạt mục tiêu cao trong năm sau, Thủ tướng giao Bộ Kế hoạch và Đầu tư tập trung xây dựng ngay kịch bản với các giải pháp cụ thể để giao chỉ tiêu cho từng bộ ngành, địa phương. Trong đó, các bộ ngành phải giao chỉ tiêu phù hợp cho từng ngành, lĩnh vực quản lý. Các thành phố lớn, địa phương là đầu tàu, cực tăng trưởng cần phấn đấu mức tăng cao hơn để đóng góp vào tăng trưởng chung.

Các bộ ngành, địa phương tăng giải ngân vốn đầu tư công ngay từ đầu năm 2025, sớm tái khởi động dự án nhà máy điện hạt nhân, trung tâm tài chính quốc tế tại TP HCM và Đà Nẵng, thành lập khu thương mại tự do tại một số địa phương. Cùng đó, các hạ tầng trọng điểm, kết nối hệ thống cao tốc với sân bay, cảng biển cần được tập trung hoàn thiện. Mục tiêu hoàn thành Cảng hàng không quốc tế Long Thành và ít nhất 3.000 km đường bộ cao tốc năm 2025, 5.000 km vào cuối 2030.

Thủ tướng yêu cầu các động lực tăng trưởng truyền thống về đầu tư, tiêu dùng, xuất khẩu cần được củng cố, làm mới. Các bộ ngành cũng phải xây dựng cơ chế hiệu quả để thu hút FDI quy mô lớn, công nghệ cao, nhất là các ngành công nghiệp chế biến, chế tạo, điện tử, bán dẫn, trí tuệ nhân tạo, hydrogen.

Bộ Khoa học và Công nghệ có cơ chế khuyến khích các doanh nghiệp đổi mới công nghệ, đầu tư vào các ngành có giá trị gia tăng cao như công nghệ thông tin, trí tuệ nhân tạo, năng lượng tái tạo, nông nghiệp công nghệ cao, logistic và hạ tầng thông minh. Bộ Kế hoạch và Đầu tư sớm hoàn thiện Nghị định về thử nghiệm phát triển kinh tế tuần hoàn. Các chính sách này phải trình Chính phủ trong quý I/2025.

Thủ tướng cũng nhắc tới các giải pháp về cơ cấu lại các ngành, lĩnh vực nhằm nâng năng suất lao động, sức cạnh tranh của nền kinh tế. Bộ Tài chính, Kế hoạch và Đầu tư có phương án huy động tối đa nguồn lực của nhà nước, doanh nghiệp và người dân cho đầu tư phát triển. Các nguồn lực từ thị trường bất động sản, chứng khoán, trái phiếu doanh nghiệp cần sớm được khơi thông.

Ông cũng nhấn mạnh việc hoàn thiện thể chế, chính sách là “đột phá của đột phá”, để tháo gỡ “điểm nghẽn của điểm nghẽn”. Cơ quan quản lý phải đổi mới tư duy trong xây dựng pháp luật, vừa quản chặt, vừa kiến tạo không gian phát triển mới.

Phương Dung



Nguồn tin: https://vnexpress.net/thu-tuong-phan-dau-tang-truong-gdp-nam-sau-dat-hai-con-so-4832866.html