Một thập kỷ trước, sự mở rộng ngành công nghiệp sản xuất thiết bị năng lượng xanh là mệnh lệnh chính trị. Vì vậy, họ tiếp tục khuyến khích ngày càng nhiều doanh nhân tăng đòn bẩy và mở rộng sản xuất… cho đến khi toàn bộ ngành công nghiệp mất cân bằng và mọi người đều bị cuốn vào.
Hơn 30 công ty hàng đầu trong lĩnh vực sản xuất pin năng lượng mặt trời của Trung Quốc phải họp khẩn, tìm cách đối phó với tình hình ngày càng khó khăn: Bị Mỹ tăng thuế, dư thừa công suất và việc hạ giá quá thấp không khác gì cuộc đua về đáy.
Qian Jing, lãnh đạo cấp cao của Jinko Solar nói rất mạnh mẽ: “Nếu các công ty không xem xét lại mình – cứ báo giá thấp và mở rộng năng lực sản xuất lặp đi lặp lại, cố gắng vượt qua những người khác – chắc chắn sẽ không thể vượt qua vô số đồng nghiệp của mình. Đừng ngây thơ”.
Cuộc cạnh tranh đến loại trừ lẫn nhau trong nội bộ ngành năng lượng mặt trời Trung Quốc đã cho thấy những vấn đề nổi cộm mà nền kinh tế lớn thứ hai thế giới đang phải đối mặt: Tăng trưởng quá nóng là con đường ngắn nhất dẫn đến suy thoái. Điều này đang tàn phá nền kinh tế Trung Quốc.
Và rằng, ngành công nghiệp năng lượng mới tại Trung Quốc được “chỉ thị” để thống trị thế giới, được hưởng quá nhiều ưu đãi về vốn, chính sách, lao động,… tung ra thị trường lượng hàng hóa khổng lồ, không thể nào tiêu thụ hết.
Hiện có 1,01 triệu công ty liên quan đến năng lượng mặt trời trong nước, với số lượng đăng ký doanh nghiệp mới tăng trung bình 50% mỗi năm từ năm 2021-2023. Với số lượng công ty lớn như vậy, cạnh tranh loại trừ lẫn nhau là điều không thể tránh khỏi.
Lu Ting, nhà kinh tế trưởng tại ngân hàng đầu tư Nhật Bản Nomura cho rằng: “Sau khi trải qua sự tăng trưởng đầu tư nhanh chóng vào quang điện và pin trong năm nay, và tiếp theo là xe điện – khoản đầu tư không chỉ phải đối mặt với vấn đề tăng trưởng thấp mà còn thực sự là sự thu hẹp”.
Đầu tháng này, tại hội nghị công tác kinh tế trung ương thường niên, các nhà lãnh đạo cấp cao của Trung Quốc đã cam kết sẽ “sửa chữa toàn diện sự cạnh tranh “kiểu hạ sát nhau”, điều chỉnh hành vi của chính quyền địa phương và doanh nghiệp”.
Và đây không phải là lần đầu tiên Bắc Kinh đối diện với bài toán dư thừa công suất. Vào cuối năm 2015 dưới tên gọi “cải cách cơ cấu về phía cung”, nước này ra tay cắt bớt công suất trong ngành than và thép. Các hành động tương tự đã áp dụng cho các nhà máy lọc dầu, nơi 2/3 công suất sản xuất đã bị loại bỏ trong vòng vài năm.
Trong những tháng gần đây, Bắc Kinh đã ban hành các chính sách để giảm áp lực cho ngành này, bao gồm tăng vốn tối thiểu cần thiết cho việc xây dựng mới và mở rộng các dự án sản xuất năng lượng mặt trời từ 20% lên 30%. Chính phủ cũng giảm mức hoàn thuế đối với xuất khẩu sản phẩm năng lượng mặt trời từ 13% xuống 9% để xoa dịu mối lo ngại.
Nhưng các chuyên gia cho rằng, lần này với công nghiệp năng lượng không đơn giản. Việc cắt giảm đột ngột năng lực sản xuất, đóng cửa nhà máy sẽ hạ thấp triển vọng kinh tế, việc làm, hủy hoại nhiều trung tâm công nghiệp lớn.