Ngân hàng Nhà nước (NHNN) vừa cho phép Bac A Bank tăng vốn điều lệ thêm tối đa gần 1.579 tỷ đồng, dự kiến vốn điều lệ của ngân hàng sẽ lên mức 10.538 tỷ đồng.
Trong đó, ngân hàng tăng vốn điều lệ tối đa thêm 621 tỷ đồng từ nguồn lợi nhuận luỹ kế chưa phân phối đến 31/12/2023 và tăng vốn tối đa thêm 958 tỷ đồng thông qua chào bán thêm cổ phiếu ra công chúng cho cổ đông hiện hữu theo phương án đã được thông qua trước đó.
Theo kế hoạch, Bac A Bank dự kiến sẽ phát hành 62,1 triệu cổ phiếu phổ thông, mệnh giá 10.000 đồng/cp, để trả cổ tức cho cổ đông hiện hữu, tương đương tỷ lệ 6,93%. Thời gian dự kiến triển khai sẽ được thực hiện trong năm 2024 và năm 2025, sau khi có chấp thuận của cơ quan quản lý Nhà nước. Nguồn vốn thực hiện được lấy từ nguồn lợi nhuận chưa phân phối luỹ kế của ngân hàng năm 2023 sau khi đã trích lập các quỹ theo luật định. Nếu phát hành thành công, mức vốn điều lệ dự kiến sẽ tăng thêm gần 621 tỷ đồng.
Bên cạnh đó, ngân hàng cũng dự kiến sẽ phát hành thêm gần 96 triệu cổ phiếu cho cổ đông hiện hữu, giá chào bán 10.000/cp với tỷ lệ dự kiến 10% trên tổng số cố phiếu đang lưu hành (cổ đông sở hữu 100 cổ phiếu sẽ nhận 10 cổ phiếu mới). Đợt chào bán này dự kiến sẽ được thực hiện trong năm 2025 sau khi kết thúc đợt tăng vốn điều lệ thông qua chi trả cổ tức năm 2024 (62,1 triệu cổ phiếu). Cổ phiếu phát hành sau khi chào bán cho cổ đông hiện hữu sẽ không bị hạn chế chuyển nhượng.
Sau phát hành, vốn điều lệ của Bac A Bank sẽ tăng thêm 1.579 tỷ đồng, từ 8.959 tỷ đồng lên 10.538 tỷ đồng. Số vốn được tăng thêm sẽ được sử dụng để cho vay khách hàng (1.120 tỷ đồng), đầu tư kinh doanh giấy tờ có giá (458 tỷ đồng).
Tương tự, NHNN cũng có quyết định sửa đổi nội dung vốn điều lệ tại Giấy phép thành lập và hoạt động của Ngân hàng TMCP Quốc dân (NCB). Theo đó, vốn điều lệ của NCB chính thức được điều chỉnh tăng từ hơn 5.600 tỷ đồng lên gần 11.800 tỷ đồng, sau khi phát hành thành công hơn 617 triệu cổ phiếu trong đợt chào bán cho các nhà đầu tư trong nước, với mệnh giá 10.000 đồng/cổ phiếu, thu về hơn 6.178 tỷ đồng. Đợt phát hành đã kết thúc vào ngày 26/11 vừa qua.
Trước đó, nhiều ngân hàng đang cấp tập thực hiện kế hoạch phát hành cổ phiếu trả cổ tức trong những tháng cuối năm, nâng cao năng lực tài chính, đáp ứng các quy định an toàn vốn và mở rộng quy mô hoạt động. ĐHCĐ bất thường của LPBank diễn ra giữa tháng 11/2024 đã thông qua phương án tăng vốn điều lệ với hình thức phát hành cổ phiếu trả cổ tức cho cổ đông hiện hữu với tỷ lệ 16,8% (phương án điều chỉnh). Vốn điều lệ sau khi tăng tối đa là 29.873 tỷ đồng.
HDBank vừa thay đổi tổng số lượng cổ phiếu lên 3,51 tỷ cổ phiếu, sau đợt phát hành trả cổ tức năm 2023, tỷ lệ 20%. Theo đó, HDBank đã phát hành thêm gần 583 triệu cổ phiếu, tương ứng với 5.825 tỷ đồng vốn điều lệ. Sau thay đổi trên, tổng vốn điều lệ của HDBank tăng từ 29.276 tỷ đồng lên hơn 35.101 tỷ đồng. Trước đó, HDBank có thông báo về việc phân phối xong gần 583 triệu cổ phiếu, trong đó 582,5 triệu cổ phiếu cho 19.330 cổ đông. Số cổ phiếu lẻ 4.049 cổ phiếu được tặng cho công đoàn HDBank. Thời gian kết thúc đợt phát hành là 12/12. Ngày dự kiến chuyển giao cổ phiếu trong quý I/2025.
Vietbank cũng công bố ngày đăng ký cuối cùng để thực hiện quyền nhận cổ tức bằng cổ phiếu tỷ lệ 25% là ngày 29/11. Được biết, nguồn phát hành đến từ lợi nhuận chưa phân phối lũy kế tới ngày 31/12/2023. Thời gian dự kiến hoàn tất chậm nhất là vào cuối năm 2024. Vietbank sẽ phát hành thêm 142,8 triệu cổ phiếu, từ đó giúp nâng vốn điều lệ thêm 1.428 tỷ đồng, lên mức 7.139 tỷ đồng. Theo HĐQT VietBank, phần vốn tăng thêm được dự kiến sử dụng cho việc đầu tư tài sản, bổ sung nguồn vốn để phát triển, mở rộng mạng lưới hoạt động, bảo đảm tuân thủ các tỷ lệ an toàn trong hoạt động và sinh lợi cho hoạt động kinh doanh.
PSG TS Nguyễn Hữu Huân – Đại học kinh tế TP.HCM cho rằng, tăng vốn điều lệ là một trong những vấn đề quan trọng và cách hữu hiệu nhất giúp ngân hàng tăng tỷ lệ an toàn vốn, đảm bảo an toàn hoạt động và là cơ sở để mở rộng hoạt động kinh doanh, đảm bảo cho sự phát triển bền vững. NHNN vừa công bố dự thảo Thông tư Quy định tỷ lệ an toàn vốn đối với NHTM, chi nhánh ngân hàng nước ngoài (TCTD).
Theo quy định hiện hành của Luật Các tổ chức tín dụng (Điều 138), tỷ lệ an toàn vốn tối thiểu là 8% hoặc cao hơn theo quy định của Thống đốc NHNN trong từng thời kỳ. Luật cũng nêu rõ, Thống đốc NHNN quy định tỷ lệ bảo đảm an toàn quy định đối với từng loại hình TCTD. Dự thảo thông tư được xây dựng theo hướng tỷ lệ an toàn vốn tối thiểu lên mức 10,5% (bắt đầu nâng dần từ năm 2030 và đạt mức 10,5% vào năm 2033), trong đó đảm bảo vốn cấp 1 tối thiểu 6%, vốn lõi cấp 1 là 4,5%. Tổng vốn cấp 1 và vốn cấp 2 là 8%, vốn đệm bảo toàn vốn là 2,5%.
Dự thảo quy định giao quyền cho Thống đốc NHNN quyết định trong từng thời kỳ trong trường hợp cần thiết và chưa đưa ra yêu cầu cụ thể đối với tỷ lệ đệm vốn phản chu kỳ. Tỷ lệ này nhằm ngăn ngừa sự suy giảm của nền kinh tế. Đồng thời, tỷ lệ này cũng linh hoạt trong từng thời kỳ do NHNN quyết định với mức dao động trong khoảng 0-2,5%, tăng lên trong thời điểm thị trường tăng trưởng nóng và giảm khi thị trường hoạt động trong điều kiện ổn định. Trường hợp ngân NHTM không đáp ứng tỷ lệ an toàn vốn tối thiểu 8% sẽ không được chia cổ tức tiền mặt.
(Theo báo Đầu tư)