Biến điều tưởng như không thể thành có thể
Ít ngày nữa, “chuyến tàu” kinh tế 2024 sẽ về đích. Dù đối mặt với muôn vàn thách thức, kinh tế Việt Nam đã về đích ấn tượng: tăng trưởng GDP đạt trên 7%; đạt và vượt toàn bộ 15 chỉ tiêu chủ yếu; thu hút gần 40 tỷ USD vốn FDI và vốn thực hiện đạt mức cao…
Sức khoẻ tổng thể nền kinh tế đã hồi phục mạnh mẽ, thể hiện qua thu ngân sách nhà nước. Chỉ tính riêng số thu ngân sách do ngành thuế quản lý đã lên tới hơn 1,7 triệu tỷ đồng, đạt 116% dự toán (tính tới 18/12). Ước thực hiện cả năm 2024, tổng thu do cơ quan thuế quản lý vượt khoảng 245.588 tỷ đồng so với dự toán, bằng 113,7% so với thực hiện năm 2023.
Điểm nhấn đáng chú ý khác của năm 2024 là những công trình hạ tầng trọng điểm lần lượt về đích với tinh thần thi công “vượt nắng thắng mưa”, điển hình như dự án đường dây 500kV mạch 3 Quảng Trạch (Quảng Bình) – Phố Nối (Hưng Yên).
Dưới dự chỉ đạo quyết liệt của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, công trình đã vận hành với tiến độ “thần tốc”, còn chất lượng đã được thử thách khi trụ vững qua cơn bão Yagi.
Ông Phan Đức Hiếu, Ủy viên thường trực Ủy ban Kinh tế của Quốc hội, nhận định việc hoàn thành dự án như một hình mẫu của việc nâng cao hiệu quả sử dụng vốn, chống lãng phí. Đường dây truyền tải 500kV Quảng Trạch – Phố Nối đưa vào hoạt động đã mang lại lợi ích rất lớn về cả kinh tế, cả cơ hội cho phát triển sản xuất, kinh doanh.
Vượt qua phạm vi của một dự án trọng điểm ngành điện, đường dây 500kV mạch 3 là minh chứng cho tinh thần “biến điều không thể thành có thể”, “chỉ bàn làm không bàn lùi” mà Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ luôn luôn nhấn mạnh trong những chỉ đạo điều hành xuyên suốt cả năm 2024.
Năm 2024, Thủ tướng chỉ đạo tổ chức phát động và thực hiện tốt đợt thi đua “500 ngày đêm quyết tâm cao, nỗ lực lớn, thi đua hoàn thành thắng lợi các dự án đường bộ cao tốc”.
Loạt dự án cao tốc đã được khởi công, hoàn thành và đưa vào khai thác trong năm nay như dự án đường bộ cao tốc Đồng Đăng – Trà Lĩnh, Hữu Nghị – Chi Lăng, mở rộng Nhà ga T2 – Cảng Hàng không quốc tế Nội Bài; đưa vào khai thác đoạn Diễn Châu – Bãi Vọt, Cam Lâm – Vĩnh Hảo, nâng tổng số lên hơn 2.000km đường bộ cao tốc đưa vào khai thác.
Theo Bộ GTVT, dự án đường cao tốc Bắc – Nam phía Đông (giai đoạn I) đã được nối thông, nâng tổng chiều dài đường bộ cao tốc trên cả nước lên 2.021 km.
Tổng số dự án đường bộ cao tốc đang được triển khai thi công khoảng 1.700 km trên khắp mọi miền đất nước, từ các dự án cao tốc thuộc trục Bắc – Nam, các dự án kết nối theo trục Đông – Tây, kết nối khu vực Tây Bắc, khu vực Tây Nguyên, kết nối các khu vực, kết nối 48 tỉnh, thành phố. Trong đó, có khoảng 1.200 km dự kiến sẽ hoàn thành vào năm 2025, nâng tổng số km đường bộ cao tốc cả nước lên trên 3.000 km.
Tiếp nối những thành tựu của năm 2024, những mục tiêu đặt ra cho năm 2025 cũng ở mức rất cao. Trong đó, có mục tiêu tăng trưởng hai con số, tức là trên 10%. Trong công điện mới nhất, Thủ tướng Phạm Minh Chính giao Bộ Kế hoạch và Đầu tư chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan rà soát, xây dựng kịch bản tăng trưởng GDP năm 2025 phấn đấu ở mức hai con số.
Phát biểu tại Hội nghị tổng kết Bộ KH&ĐT ngày 28/12, Thủ tướng Phạm Minh Chính cho rằng, nếu cứ tăng trưởng bình bình 6,5-7% trong những năm tới sẽ không đạt được hai mục tiêu 100 năm (mục tiêu 100 năm thành lập Đảng, 100 năm thành lập nước).
Muốn đưa đất nước tiến lên vị thế mới, thành nước thu nhập cao vào năm 2045, tăng trưởng hai con số gần như là bắt buộc. Bởi, nhiều bài học từ các quốc gia cho thấy họ đã rơi vào bẫy thu nhập trung bình vì tăng trưởng đều đều.
Đó là điều TS. Nguyễn Văn Đáng, Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh, khuyến cáo để Việt Nam phải vươn lên để bứt phá chứ không thể bình bình, tịnh tiến từ từ.
“Chúng ta có thể tăng GDP bình quân đầu người lên 8.000-9.000 USD nhưng không thể bứt qua được 10.000 USD, tức là chỉ ở mức nước thu nhập trung bình cao chứ không thể gia nhập nhóm các nước phát triển với GDP bình quân đầu người trên 13.000 USD, chỉ số phát triển con người phải vượt 0,8. Đấy là thách thức”, ông Đáng phân tích.
Đặt nền móng cho tăng trưởng 10% trở lên
Muốn tăng trưởng hai con số, những nền móng cho mục tiêu này cần được xây dựng. Và thực tế, năm 2024, ngoài những thành tích được “đo đếm” qua những con số kể trên, hoạt động của Chính phủ còn ghi dấu ấn với nhiều phần việc quan trọng khác.
Đó là đẩy mạnh xây dựng và hoàn thiện thể chế; chống lãng phí; tiến hành cuộc cách mạng tinh gọn bộ máy theo chỉ đạo của Đảng; khởi động những công trình thế kỷ như đường sắt tốc độ cao, tái khởi động điện hạt nhân… Đây chính là các bước chuẩn bị chủ động cho một “kỷ nguyên vươn mình”.
Như chia sẻ của TS. Trần Đình Thiên, nguyên Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam, nếu chúng ta không chuẩn bị đầy đủ về tư duy, về thái độ, về những điều kiện, nguồn lực thì có khi chúng ta lại biến thông điệp đó thành một mơ ước, thành mộng tưởng.
Dành sự quan tâm đặc biệt đến thể chế, Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh thể chế là nguồn lực, động lực phát triển; đầu tư cho thể chế là đầu tư cho sự phát triển. Thể chế phù hợp sẽ tạo động lực mạnh mẽ cho phát triển, ngược lại thể chế không phù hợp sẽ kìm hãm sự phát triển. Hoàn thiện thể chế sẽ góp phần đắc lực thực hiện hai nhiệm vụ chiến lược là xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.
Theo lãnh đạo Chính phủ, thể chế phải đi trước, mở đường cho những đột phá phát triển, phát huy tối đa tiềm năng, sức sáng tạo, đáp ứng yêu cầu đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế, đặc biệt là thực hiện mục tiêu tăng trưởng hai con số trong những năm tới để đạt được hai mục tiêu 100 năm.
Các ngành kinh tế cũng phải chủ động hành động để hướng tới mục tiêu này. Từ góc độ ngành Công Thương, nhắc đến con số tăng trưởng GDP hai con số, Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên yêu cầu lĩnh vực công nghiệp phải tăng trưởng 12-13%.
Năm 2024, lĩnh vực Công nghiệp đã tăng trưởng khoảng 8,4% trên nền thấp của năm trước, nhưng sang năm 2025, ngành này phải đạt mức tăng trưởng gấp rưỡi hiện tại.
“Đó là một thách thức ghê gớm, đòi hỏi chúng ta phải thực sự đột phá trong tư duy và quyết liệt trong hành động”, Bộ trưởng Công Thương nhấn mạnh.
TS. Nguyễn Đình Cung, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương, lưu ý, tháo gỡ điểm nghẽn thể chế và bỏ tư duy “không quản được thì cấm” là chìa khoá. Ông cũng cho rằng cần thúc đẩy khu vực doanh nghiệp tư nhân – hiện chỉ chiếm 10% GDP – thành động lực quan trọng của nền kinh tế.
“Muốn đất nước vươn mình, tăng trưởng kinh tế cao lên và nền kinh tế độc lập, tự chủ thì phải phát triển được đội ngũ doanh nhân Việt Nam và đội ngũ nghiên cứu khoa học, công nghệ. Họ gắn bó hữu cơ, không tách rời nhau.
Nếu không có công nghệ, không có năng lực tiếp nhận chuyển giao công nghệ và không có lực lượng doanh nghiệp tư nhân lớn mạnh thì không thể có nền kinh tế độc lập, tự chủ”, TS. Cung khẳng định.
(Theo VietNamNet)