Chi tiết

Ấn Độ vượt qua Trung Quốc trở thành thị trường IPO lớn nhất châu Á trong năm nay

(ĐTCK) Ấn Độ đã vượt qua Trung Quốc để trở thành thị trường niêm yết hàng đầu châu Á trong năm nay, khi giá cổ phiếu tăng mạnh đã tạo nên sự bùng nổ trong các thương vụ IPO.

Theo dữ liệu từ Dealogic, Ấn Độ sẽ trở thành thị trường huy động vốn cổ phiếu lớn thứ hai thế giới sau Mỹ trong năm 2024. Theo số liệu của KPMG, sàn giao dịch chứng khoán Ấn Độ cũng sẽ trở thành địa điểm số một cho các đợt niêm yết theo giá trị, trước cả Sàn giao dịch chứng khoán Nasdaq và Sàn giao dịch chứng khoán Hồng Kông.

Bảng xếp hạng này báo hiệu sự thay đổi trong lĩnh vực tài chính châu Á trong năm nay, khi việc thắt chặt các quy định của Trung Quốc dẫn đến tình trạng sụt giảm niêm yết ở nước này. Trong khi đó, các công ty đã nhanh chóng tận dụng mức định giá cao sau đợt tăng giá kéo dài nhiều năm của cổ phiếu Ấn Độ, bất chấp lo ngại về việc liệu thị trường có thể vượt qua được tình trạng suy thoái kinh tế hay không.

“Đây là một trong những thời điểm bận rộn nhất trong lịch sử thị trường vốn Ấn Độ…Ấn Độ chắc chắn đang được chú ý và Trung Quốc có lẽ cần phải làm nhiều hơn nữa để thực sự thu hút được hoạt động niêm yết một cách nhất quán”, V Jayasankar, giám đốc điều hành tại Kotak Investment Banking cho biết.

Thị trường cổ phiếu Ấn Độ đã được hỗ trợ bởi dòng vốn trong nước mạnh mẽ nhờ “sự dân chủ hóa đầu tư” đáng kể khi các hộ gia đình ngày càng đổ tiền vào thị trường chứng khoán địa phương.

Theo Dealogic, giá trị niêm yết sơ cấp và thứ cấp tại Trung Quốc – thị trường niêm yết lớn nhất thế giới vào năm 2023 – đã giảm khoảng 86% từ hơn 48 tỷ USD xuống chỉ còn 7,5 tỷ USD tính tới đầu tháng 12 trong năm nay.

Các nhà phân tích cho biết nền kinh tế suy yếu cùng với quy định hạn chế về niêm yết mới đã kìm hãm các công ty Trung Quốc muốn thâm nhập thị trường đại chúng, mặc dù thông báo về các kế hoạch kích thích tiền tệ và tài khóa vào tháng 9 đã giúp ổn định thị trường sau đợt bán tháo vào đầu năm.

Scarlett Liu, chiến lược gia về cổ phiếu và phái sinh Apac tại BNP Paribas cho biết sự chậm lại trong hoạt động IPO của Trung Quốc là phù hợp với mục tiêu chính sách của nước này.

“Đây là nỗ lực quản lý nhằm đạt được sự cân bằng giữa thị trường sơ cấp và thứ cấp”, bà cho biết thêm rằng các cơ quan chức năng lo ngại rằng quá nhiều đợt niêm yết có thể làm giảm hoạt động giao dịch trên thị trường thứ cấp.

Trong khi đó, Hồng Kông – trung tâm tài chính của Trung Quốc – đã chứng kiến ​​hoạt động huy động vốn tăng trưởng tương đối lên hơn 10 tỷ USD tính tới đầu tháng 12 từ 6 tỷ USD vào năm 2023.

Các nhà phân tích cho biết thị trường Hồng Kông sẽ tiếp tục được hưởng lợi khi trở thành địa điểm niêm yết cho các công ty Trung Quốc tăng huy động vốn.

Frank Bi, đối tác và người đứng đầu bộ phận giao dịch doanh nghiệp tại châu Á của công ty luật Ashurst cho biết: “Đối với các công ty Trung Quốc theo đuổi hoạt động IPO, Sở giao dịch chứng khoán Hồng Kông vẫn là địa điểm hàng đầu cung cấp quy trình niêm yết hợp lý hơn, sự ổn định và minh bạch của thị trường, cũng như khả năng tiếp cận vốn toàn cầu tốt hơn”.

Bên cạnh đó, thị trường Ấn Độ cũng được hỗ trợ bởi việc các công ty tìm cách huy động vốn trong khi định giá ở mức cao, bao gồm cả việc các công ty đa quốc gia như Huyndai tách các công ty con tại Ấn Độ.

Nhưng khi tốc độ tăng trưởng nhanh chóng của quốc gia đông dân nhất thế giới chậm lại, thể hiện qua việc các công ty đã công bố báo lợi nhuận tăng trưởng chậm lại và tăng trưởng GDP giảm mạnh xuống còn 5,4% trong quý ba (mức thấp nhất trong gần hai năm), các nhà quản lý danh mục đầu tư nước ngoài đã trở nên thận trọng trên thị trường chứng khoán đang sôi động của nước này.

Tuy nhiên, sự hưng phấn trong các đợt niêm yết ở Ấn Độ có khả năng sẽ được duy trì sang năm mới.

Các ngân hàng đầu tư lớn cũng đang vẫn lạc quan về Ấn Độ, đồng thời cảnh báo rằng tăng trưởng tương đối của nước này có thể bị lu mờ bởi sự trở lại mạnh mẽ ở Mỹ và những thị trường khác.

“Trên toàn cầu, chúng tôi kỳ vọng hoạt động của thị trường IPO sẽ bình thường hóa vào năm 2025 và số thương vụ IPO tăng lên, đặc biệt là ở Mỹ và Châu Âu và có thể là cả ở Trung Quốc. Tuy nhiên, tôi sẽ không ngạc nhiên nếu Ấn Độ tiếp tục tăng trưởng”, Gareth McCartney, đồng Giám đốc toàn cầu về thị trường vốn cổ phần tại UBS cho biết.


Nguồn tin: https://www.tinnhanhchungkhoan.vn/an-do-vuot-qua-trung-quoc-tro-thanh-thi-truong-ipo-lon-nhat-chau-a-trong-nam-nay-post360854.html