Nhiều loại hàng hoá Trung Quốc chiếm gần 100% lượng hàng tiêu dùng nhập khẩu của Mỹ. Điều này đồng nghĩa với mức thuế mà Tổng thống đắc cử Donald Trump đề xuất gần như chắc chắn sẽ khiến người tiêu dùng Hoa Kỳ không còn lựa chọn nào khác ngoài việc phải trả tiền nhiều hơn.
Ông Trump đã tuyên bố sẽ áp thuế 25% đối với các nước láng giềng Mexico và Canada cùng với mức thuế bổ sung 10% đối với Trung Quốc như một trong những động thái đầu tiên của ông. Trong chiến dịch tranh cử của mình, ông cũng đã đe dọa sẽ áp thuế lên tới 60% đối với hàng hóa Trung Quốc.
Trung Quốc vẫn là nguồn nhập khẩu chính của Mỹ như điện thoại thông minh, quần áo, đồ nội thất và đồ chơi. Phân tích của Nikkei về dữ liệu thương mại của Mỹ năm 2023 cho thấy, các mặt hàng Trung Quốc chiếm hơn 90% lượng hàng nhập khẩu của Mỹ, với các lô hàng có giá trị hơn 100 triệu USD.
Ông Trump từ lâu vẫn khẳng định rằng thuế quan có thể giúp bảo vệ ngành công nghiệp nội địa của Mỹ và đưa ngành sản xuất quay trở lại quốc gia này, điều chỉnh thâm hụt thương mại của Hoa Kỳ với Trung Quốc lên tới 279 tỷ USD vào năm ngoái.
Thuế quan cũng được Tổng thống đắc cử coi như một công cụ để ngăn chặn dòng chảy của các hóa chất dùng để sản xuất thuốc fentanyl; đồng thời, ông cam kết áp đặt thêm mức thuế 10% đối với Trung Quốc cho đến khi nước này làm nhiều hơn để cắt đứt nguồn cung đó. Nhưng các nhà kinh tế cho biết, thuế quan bổ sung có thể sẽ có nghĩa là giá cả cao hơn đối với người tiêu dùng Mỹ vốn đã bị ảnh hưởng bởi lạm phát.
Viện Kinh tế Quốc tế Peterson cho biết, các đề xuất thuế quan của ông Trump trong chiến dịch tranh cử sẽ làm tăng lạm phát thêm 2% vào năm tới và tăng thêm hơn 2.600 USD vào chi phí của mỗi hộ gia đình Mỹ hàng năm. Điều này sẽ khiến nhiều hộ gia đình Mỹ sẽ phát hoảng vì thuế quan.
Trong khi đó, Liên đoàn Bán lẻ Quốc gia Mỹ (NRF) phát hiện ra rằng thuế quan 10% đối với tất cả hàng nhập khẩu và thêm 60% đối với hàng nhập khẩu từ Trung Quốc sẽ làm tăng chi phí của các thiết bị gia dụng trung bình thêm 19,4%.
Tương tự như vậy, các nhà bán lẻ và nhà sản xuất Mỹ đã đưa ra một loạt cảnh báo về giá trong những tuần gần đây. “Nếu chúng tôi áp dụng thuế quan, chúng tôi sẽ chuyển những chi phí phát sinh do thuế trở lại cho người tiêu dùng”, Philip Daniele, Tổng giám đốc điều hành của nhà bán lẻ phụ tùng ô tô AutoZone cho biết.
Mặc dù vậy, mức thuế bổ sung mà ông Trump sẽ áp đặt, nếu có, vẫn còn chưa rõ ràng. Một số nhà quan sát cho rằng những tuyên bố về thuế quan của ông chỉ là một chiến thuật đàm phán nhằm đạt được một thỏa thuận nào đó với Bắc Kinh.
“Chính quyền Trump có khả năng sẽ bắt đầu với các mức thuế nhắm mục tiêu cụ thể hơn ban đầu. Một số người lo ngại rằng các mức thuế có thể gây ra lạm phát, vốn đang ở mức cao”, ông Tan Albayrak, một luật sư thương mại nhận định.
Thuế quan được Cơ quan Hải quan và Bảo vệ Biên giới Hoa Kỳ thu thập, sau đó gửi vào Quỹ chung của Hoa Kỳ. Theo dữ liệu của chính phủ Hoa Kỳ, nguồn thu thuế quan đã tăng từ 41,3 tỷ USD vào năm 2018, thời điểm bắt đầu cuộc chiến thương mại, và đạt đỉnh 100 tỷ USD vào năm 2022, nhưng không cho biết số tiền này được sử dụng như thế nào?
Báo cáo của Standard Chartered và một số tổ chức khác cũng cho rằng, nếu Mỹ áp thuế 60% với hàng Trung Quốc thì Việt Nam và Mexico có thể một lần nữa hưởng lợi về xuất khẩu. Mức độ tiêu dùng mạnh mẽ từ thị trường này sẽ thúc đẩy xuất khẩu của Việt Nam.
Dù vậy, các chuyên gia và doanh nghiệp dự báo dưới chính quyền của ông Trump, Việt Nam cũng có thể đối mặt với một số thách thức đến từ dòng vốn đầu tư nước ngoài trong lĩnh vực gỗ, dệt may… đi vào Việt Nam để lách nguồn gốc xuất xứ hàng hóa.