Đây là dự báo mới nhất về giá vàng được ông Heng Koon How, Trưởng bộ phận Chiến lược thị trường, Khối Nghiên cứu thị trường và Kinh tế toàn cầu, Ngân hàng UOB Singapore, đưa ra ngày 30-12.
Theo ông Heng Koon How, vàng đã có một năm 2024 tăng trưởng rất mạnh mẽ từ mức 2.000 USD/ounce vào tháng 1 lên tới khoảng 2.600 USD/ounce. Về góc độ dài hạn, các động lực tích cực vẫn còn nguyên vẹn – bao gồm việc phân bổ vàng liên tục của các thị trường mới nổi và ngân hàng trung ương châu Á, nhu cầu vàng vật chất và đồ trang sức mạnh mẽ từ khu vực bán lẻ.
Có một điểm chung xuyên suốt trong nhu cầu gia tăng từ các ngân hàng trung ương và khu vực bán lẻ. Cả hai đều được thúc đẩy bởi nhu cầu đa dạng hóa để tránh những lo ngại và bất ổn địa chính trị gia tăng xung quanh đồng USD, trước các chính sách thương mại và tài khóa gây gián đoạn từ nhiệm kỳ thứ hai của Tổng thống Mỹ Donald Trump.
Ông Heng Koon How nhận định triển vọng dài hạn đối với vàng vẫn rất tích cực, do nhu cầu trú ẩn an toàn trong bối cảnh rủi ro địa chính trị và kinh tế ngày càng gia tăng, đặc biệt trong nhiệm kỳ thứ hai của Donald Trump (Trump 2.0). Ông dự báo giá vàng có thể đạt mức 3.000 USD/ounce vào cuối năm 2025. Tuy nhiên, trong ngắn hạn, sức mạnh của đồng USD có thể khiến giá vàng rơi vào giai đoạn tích lũy trước khi tiếp tục xu hướng tăng trưởng mạnh vào năm 2025.
Theo các chuyên gia của UOB, vàng có khả năng sẽ được hưởng lợi từ sự bất ổn và tiếp tục đà tăng mạnh trong suốt năm 2025.
Nếu giá vàng thế giới chạm mốc 3.000 USD/ounce như dự báo của UOB, quy đổi theo tỉ giá niêm yết 25.540 đồng/USD ở hiện tại, sẽ tương đương mức 92 triệu đồng/lượng.
Trong khi đó, chuyên gia kinh tế, TS Nguyễn Trí Hiếu lại cho rằng rất khó để giá vàng thế giới vượt mốc 3.000 USD/ounce vào năm sau. Theo chuyên gia này, giá vàng đang có những yếu tố hỗ trợ nhưng cũng có nhiều yếu tố khiến giá vàng đi xuống. Xác suất giá vàng lên mốc 2.800 USD/ounce năm 2025 khoảng 60% trong khi lên mốc 3.000 USD/ounce xác suất chỉ là 20% – 30%.
Với giá vàng trong nước, TS Nguyễn Trí Hiếu cho hay Ngân hàng Nhà nước vẫn kiểm soát thị trường vàng miếng SJC và vẫn giữ chương trình bình ổn giá nên sẽ có khó sự bứt phát cho đến khi Nghị định 24 về quản lý thị trường vàng được sửa đổi.
Đối với vàng nhẫn 99,99 đã có một năm tăng giá rất mạnh, có lúc vượt cả giá vàng miếng SJC. Giá vàng nhẫn chủ yếu biến động theo sát giá vàng thế giới.
“Năm 2025, giá vàng miếng SJC sẽ tiếp tục được kiểm soát một cách chặt chẽ, khó bứt phá còn giá vàng miếng đi theo xu hướng của thế giới. Dù vậy, năm 2024 đã là năm dậy sóng của thị trường vàng nên sẽ khó kỳ vọng kim loại quý sẽ tăng mạnh, nhà đầu tư cần cẩn trọng với vàng” – TS Hiếu dự báo.
Chiều 30-12, giá vàng miếng SJC giao dịch phổ biến quanh 82,5 triệu đồng/lượng mua vào, 84,5 triệu đồng/lượng bán ra. Giá vàng nhẫn trơn được giao dịch mua vào 82,5 triệu đồng/lượng, bán ra 84,3 triệu đồng/lượng, ổn định so với buổi sáng.