(ĐTCK) Sau LPB, cổ phiếu ngân hàng khác là HDB đã nổi sóng và lập kỷ lục mới trong phiên 30/12, bất chấp thị trường chung tiếp diễn trạng thái ảm đạm với thanh khoản sụt giảm mạnh mẽ.
Không nằm ngoài dự đoán chung, thị trường trong phiên giao dịch cận kề của năm cũ để chuẩn bị bước qua năm mới diễn ra khá ảm đạm. Nhà đầu tư chủ yếu đứng ngoài quan sát khiến VN-Index diễn biến lình xình dưới mốc tham chiếu khi sắc đỏ chiếm áp đảo trên bảng điện tử.
Nếu trong phiên sáng, VN-Index trụ vững trên mốc 1.270 điểm thì trong phiên chiều, chỉ số chung có chút “đe dọa” nhưng cuối cùng vẫn bảo toàn được ngưỡng kháng cự này. Toàn thị trường không có nhóm cổ phiếu nào tăng hay giảm quá đột biến, và thị trường đã khép lại phiên giao dịch ngày 30/12 với mức giảm nhẹ hơn 3 điểm dù nhóm VN30 đã bật hồi thành công.
Trong bối cảnh chung không mấy khả quan, vẫn có một số mã ngược dòng nổi sóng. Điển hình là cổ phiếu HDB. Dù trong phần lớn thời gian giao dịch, HDB chỉ biến động nhẹ và có thời điểm điều chỉnh, nhưng lực cầu bất ngờ tăng mạnh trong đợt khớp lệnh ATC khi có tới gần 3,6 triệu đơn vị được chuyển nhượng thành công, đã kéo HDB dựng thẳng đứng và khoe sắc tím thành công.
Không chỉ nhận được sự hỗ trợ tích cực từ nhà đầu tư trong nước, khối ngoại cũng đã “săn đón” cổ phiếu HDB khi mua ròng tới hơn 2,5 triệu cổ phiếu này trong phiên.
Đóng cửa, cổ phiếu HDB tăng 6,8% lên mức giá 26.650 đồng/CP, đây là mức giá cao kỷ lục của mã này, đồng thời thanh khoản cũng sôi động khi thuộc top 10 mã dẫn đầu thị trường trong bối cảnh chung giao dịch èo uột, khi có tới xấp xỉ 10,6 triệu đơn vị khớp lệnh. Đây chính là động lực giúp nhóm VN30 đóng cửa có được mức tăng nhẹ 0,5 điểm, dù số mã giảm vẫn chiếm áp đảo với 20 mã, gấp hơn 3 lần số mã tăng.
Ngoài đột biến HDB, nhóm cổ phiếu ngân hàng chỉ có thêm STB và LPB tăng hơn 1%, cùng CTG nhích nhẹ, còn lại giao dịch trong sắc đỏ. Trong đó, trái với diễn biến tích cực của HDB, cổ phiếu BID nới rộng biên độ giảm, đã lấy đi gần như toàn bộ sự đóng góp của HDB, khiến nhóm cổ phiếu ngân hàng vẫn duy trì diễn biến giảm nhẹ khi đóng cửa. Kết phiên, BID giảm 2,3% xuống mức giá thấp nhất phiên là 38.250 đồng/CP, đồng thời lấy đi hơn 1,2 điểm của chỉ số chung.
Nhóm cổ phiếu chứng khoán quay đầu điều chỉnh, khi chỉ còn HCM và VDS ngược dòng thành công với mức tăng nhẹ, còn lại VIX, VCI, VND, ORS, CTS… đều giảm. Trong đó, cặp đôi giảm điểm là VIX và SSI có giao dịch sôi động nhất ngành với hơn 11-12 triệu đơn vị khớp lệnh.
Nhóm cổ phiếu bất động sản cũng giảm nhẹ, tuy nhiên điểm sáng là cặp đôi DXG và PDR đóng cửa lần lượt tăng 0,6% và 1,9%, với thanh khoản dẫn đầu thị trường, tương ứng đạt hơn 24,5 triệu đơn vị và 13,8 triệu đơn vị.
Ở nhóm cổ phiếu vừa và nhỏ, cổ phiếu YEG đã “thoát nạn” sau 2 phiên nằm sàn, dù chưa thể hồi phục sắc xanh. Đóng cửa, YEG chỉ còn giảm nhẹ 0,5%, đứng ở mức giá 20.000 đồng/CP với thanh khoản gấp tới gần 30 lần so với phiên trước đó, trở lại mức hơn 13 triệu đơn vị khớp lệnh, đứng thứ 3 toàn thị trường, chỉ thua cặp đôi bất động sản.
Dù thị trường chỉ có một vài điểm nóng còn phần lớn giao dịch khá ảm đạm, nhưng với diễn biến luân phiên nổi sóng ở các mã bank trong vài phiên gần đây, khiến nhà đầu tư kỳ vọng thị trường sẽ sớm đón sự trở lại dẫn dắt của nhóm cổ phiếu vua.
Chốt phiên, sàn HOSE có 122 mã tăng và 298 mã giảm, VN-Index giảm 3,12 điểm (-0,24%) xuống 1.270,02 điểm. Tổng khối lượng giao dịch đạt hơn 670,3 triệu đơn vị, giá trị 16.861 tỷ đồng, giảm 7,5% về khối lượng và 31,22% về giá trị so với phiên cuối tuần qua ngày 27/12. Giao dịch thỏa thuận đóng góp 74,7 triệu đơn vị, giá trị 1.585 tỷ đồng.
Trên sàn HNX, lực cầu tham gia yếu khiến thị trường duy trì trạng thái ảm đạm trong suốt cả phiên chiều.
Chốt phiên, sàn HNX có 53 mã tăng và 101 mã giảm, HNX-Index giảm 0,99 điểm (-0,43%) xuống 228,14 điểm. Tổng khối lượng khớp lệnh đạt hơn 34,86 triệu đơn vị, giá trị 560,8 tỷ đồng. Giao dịch thỏa thuận có thêm 7,34 triệu đơn vị, giá trị 77,63 tỷ đồng.
Nhóm HNX30 kết phiên giảm hơn 3,5 điểm khi có 19 mã giảm và chỉ 7 mã tăng, trong đó HLD là mã tăng tốt nhất đạt 1,2%, còn LHC, PSD, SLS, CAP, DTD, TMB chỉ biến động nhẹ quanh mức 0,5%.
Ngược lại, các mã giảm sâu trong rổ này như L14 giảm 5,7%, TVD giảm 5,3%, DHT giảm 4,7%, DVM giảm 2,5%, PVB và TNG cùng giảm 1,6%…
Cổ phiếu chứng khoán SHS vẫn giữ mốc tham chiếu với thanh khoản sôi động nhất thị trường, đạt hơn 4,63 triệu đơn vị. Các mã có thanh khoản tiếp theo cũng thuộc nhóm HNX30 là CEO, TNG, MBS đạt khối lượng khớp lệnh khoảng 1,5-2 triệu đơn vị, nhưng đóng cửa đều trong sắc đỏ.
Ở nhóm cổ phiếu vừa và nhỏ, VC7 vẫn khởi sắc và đóng cửa tăng 2,5% lên mức giá 12.300 đồng/CP với khối lượng khớp lệnh đạt gần 1 triệu đơn vị.
Trên UPCoM, thị trường bất ngờ đảo chiều hồi phục thành công về cuối phiên.
Đóng cửa, UPCoM-Index tăng 0,53 điểm (+0,56%) lên 95 điểm. Tổng khối lượng khớp lệnh đạt gần 26,63 triệu đơn vị, giá trị 350 tỷ đồng. Giao dịch thỏa thuận có thêm 15,15 triệu đơn vị, giá trị 169,5 tỷ đồng.
Cổ phiếu BSR le lói sắc xanh trong phiên chiều. Đóng cửa, BSR tăng nhẹ 0,4% lên mức 22.500 đồng/CP với khối lượng giao dịch dẫn đầu thị trường, đạt 2,54 triệu đơn vị.
Các mã có thanh khoản đứng ở vị trí tiếp theo đều có thị giá nhỏ, gồm HNG giảm 1,6% và khớp 2,36 triệu đơn vị, AAH đứng giá tham chiếu và HBC giảm 3,2% với khối lượng giao dịch cùng đạt hơn 1,5 triệu đơn vị, KVC tăng trần và khớp hơn 1 triệu đơn vị.
Trên thị trường phái sinh, cả 4 hợp đồng tương lai đều giảm, trong đó VN30F2501 giảm nhẹ nhất là 3,3 điểm, tương đương -0,2% xuống 1.345,2 điểm, khớp gần 94.690 đơn vị, khối lượng mở hơn 46.680 đơn vị.
Trên thị trường chứng quyền, sắc đỏ cũng tràn ngập, trong đó CMBB2406 giao dịch sôi động nhất với hơn 3,7 triệu đơn vị khớp lệnh, đóng cửa giảm 4,9% xuống mức 580 đồng/cq; tiếp theo là CHPG2407 khớp 3,6 triệu đơn vị, đóng cửa giảm 7% xuống 800 đồng/cq.
Nguồn tin: https://www.tinnhanhchungkhoan.vn/thi-truong-dieu-chinh-phien-3012-co-phieu-hdb-pha-ky-luc-moi-post360912.html