Ngành công nghệ là một trụ cột của năm 2024, đóng góp phần lớn vào tăng trưởng của thị trường chứng khoán thế giới. Nhưng bước sáng năm 2025, lĩnh vực này có thể chịu áp lực lớn từ cạnh tranh giữa hai cường quốc Hoa Kỳ và Trung Quốc.
Một số dấu hiệu tiềm tàng đã xuất hiện. Thời hạn cho TikTok dừng bước tại Mỹ đang đến. Gần đây, Bắc Kinh cũng trả đũa Mỹ bằng một loạt hạn chế xuất khẩu đối với kim loại và khoáng sản thiết yếu cho ngành bán dẫn.
Một số điểm nhấn của năm 2025 có thể sẽ xoay quanh những vấn đề sau:
Số phận của TikTok
Bùng nổ từ nửa cuối năm 2024 và hiện đang tăng tốc đến cao trào, TikTok đang chờ xem họ có đảo ngược được số phận dưới thời ông Donald Trump, người sẽ nhậm chức Tổng thống Hoa Kỳ ngày 20 tháng 1/2025 hay không.
Bộ luật được ký dưới thời ông Joe Biden buộc ứng dụng này phải tách khỏi công ty mẹ ByteDance của Trung Quốc hoặc đối mặt với lệnh cấm tại Mỹ dự kiến có hiệu lực chỉ vài tuần sau năm mới. Cơ hội cuối cùng của TikTok để cứu mình qua hệ thống pháp luật Mỹ sẽ diễn ra vào ngày 10/1/2025, khi Tòa án Tối cao nghe các tranh luận trước khi luật có hiệu lực vào ngày 19/1/2025.
Nếu TikTok bị cấm, đó sẽ là thông điệp rõ ràng gửi đến các công ty công nghệ khác của Trung Quốc rằng sản phẩm của họ không được chào đón tại thị trường Mỹ. Điều này có thể sẽ mang tới nhiều lo ngại cho các ứng dụng khác của Trung Quốc vốn đang thành công tại Mỹ, từ Temu, Shein cho tới các startup AI trong nước của Trung Quốc.
Tuy nhiên, câu chuyện này nảy sinh diễn biến khác khi chỉ 2 ngày trước, Tổng thống đắc cử Donald Trump đã bày tỏ ý định cứu TikTok khi gửi thư cho Tòa án Tối cao trì hoãn quyết định. Tất cả đang chờ đợi xem chính quyền mới của Mỹ sẽ ứng xử thế nào, để vừa đảm bảo xoa dịu lo ngại an ninh quốc gia, vừa duy trì mạng xã hội được ưa chuộng nhất ở Mỹ lúc này.
“Cuộc chiến” công nghệ tới mức nào?
Những lời đe dọa áp thuế cao khó tin của ông Trump đối với toàn bộ hàng hóa từ Trung Quốc có thể gây phức tạp chuỗi cung ứng ngành công nghệ. Không chỉ gây tăng giá, các cuộc trả đũa và cấm vận tiềm tàng có thể làm chậm đà tăng trưởng của ngành công nghệ trong những năm tới.
Ở đó, kể cả những công ty lớn nhất cũng phải suy nghĩ. Cuộc trả đũa qua lại trong năm 2024 dù không quá “nóng” cũng đã khiến nhiều các tập đoàn lớn nhất như Nvidia, Apple hay Tesla rơi vào tầm ngắm. Nhiều doanh nghiệp khác trong ngành cũng sẽ rơi vào tình cảnh tương tự. Dự báo năm 2025, việc tách rời hoàn toàn kết nối giữa hai nền kinh tế có thể sẽ phơi bày những điểm yếu của chuỗi cung ứng ngành.
Bắc Kinh đã và đang nỗ lực hết sức để bắt kịp và vượt qua sự thống trị công nghệ của Mỹ. Trong khi đó, Washington đang cố gắng kìm hãm bằng cách tập trung vào kiểm soát xuất khẩu liên quan đến chất bán dẫn. Trong dòng chảy này, các nước thứ ba cũng sẽ liên lụy.
Ấn Độ, Indonesia, Thái Lan, Việt Nam và các quốc gia khác đang nỗ lực tận dụng từ các nỗ lực đa dạng hóa chuỗi cung ứng của các công ty công nghệ. Nguy cơ là họ cũng có thể chịu tác động bởi đe dọa áp thuế diện rộng từ ông Trump khi một trong hai bên cạn kiệt “vũ khí” trả đũa.
Tương lai “cơn sốt” AI
Năm 2025, trí tuệ nhân tạo (AI) tiếp tục bùng nổ, nhưng cũng phải đối mặt với nhiều thách thức trong bối cảnh căng thẳng thương mại Mỹ – Trung ngày càng gia tăng.
Xu hướng mới định hình kịch bản Mỹ tập trung xây dựng hệ sinh thái AI tự chủ, tập trung vào chuỗi cung ứng khép kín nhằm giảm phụ thuộc vào Trung Quốc. Các khoản đầu tư lớn sẽ đổ vào nghiên cứu và phát triển (R&D), đặc biệt trong AI thế hệ mới, máy học, và tự động hóa, với sự phối hợp chặt chẽ giữa chính phủ và doanh nghiệp.
Mỹ sẽ siết chặt kiểm soát xuất khẩu, đặc biệt là chip AI cao cấp và công nghệ tiên tiến, đồng thời mở rộng danh sách đen đối với các công ty Trung Quốc nhằm hạn chế việc sử dụng AI cho mục đích quân sự. Song song đó, Mỹ cũng tăng cường hỗ trợ các đồng minh như EU, Nhật Bản, và Hàn Quốc, nhằm củng cố mạng lưới công nghệ toàn cầu.
Ở phía đối diện, Trung Quốc đẩy mạnh nội địa hóa công nghệ để vượt qua sự phụ thuộc, nhưng vẫn phải đối mặt với khó khăn kép từ quy định trong nước và các lệnh cấm vận từ Mỹ. Các startup đầy tham vọng như Moonshot, MiniMax, hay Baichuan có thể tìm kiếm cơ hội mới, nhưng áp lực từ những rắc rối như vụ TikTok vẫn là trở ngại lớn.
Sự phân cực công nghệ này tạo nên hai hệ sinh thái AI độc lập, vừa mở ra cơ hội, vừa làm chậm đổi mới sáng tạo toàn cầu. Các quốc gia như Việt Nam, Singapore, hay Hàn Quốc có thể tận dụng cơ hội này, đóng vai trò trung gian thúc đẩy hợp tác khu vực. ASEAN, với vị thế trung lập, có thể trở thành điểm hội tụ mới cho các sáng kiến AI quốc tế.