Chi tiết

Hà Tĩnh là điểm đến hấp dẫn của các doanh nghiệp FDI

Toàn cảnh Công ty TNHH Gang thép Hưng Nghiệp Formosa Hà Tĩnh. Ảnh Formosa cung cấp.

Theo Ban quản lý khu kinh tế Hà Tĩnh, về lĩnh vực công nghiệp, lũy kế đến 31/12/2024, địa phương đang có 70 dự án FDI với tổng mức đầu tư khoảng 16,1 tỷ USD chủ yếu nằm ở địa bàn khu kinh tế, khu công nghiệp.

Trong những năm qua, Hà Tĩnh đã trở thành điểm đến của các doanh nghiệp đầu tư trong và ngoài nước với các dự án quy mô lớn như: Dự án khu liên hợp gang thép và cảng Sơn Dương Formosa Hà Tĩnh, Nhà máy Nhiệt điện Vũng Áng 1, Nhà máy Nhiệt điện Vũng Áng 2, Nhà máy sản xuất Pin VinES… Hiện Hà Tĩnh là 1 trong 10 tỉnh đứng đầu cả nước về thu hút vốn FDI và đưa VSIP Hà Tĩnh thành điểm dừng chân hàng đầu của các tập đoàn kinh tế thế giới. Các dự án đã giải quyết việc làm, thu nhập ổn định cho trên 20.000 lao động là người Việt Nam và lao động người nước ngoài.

Các dự án đầu tư vào địa bàn đã đóng góp quan trọng vào thu ngân sách, tăng trưởng kinh tế – xã hội của tỉnh và thay đổi diện mạo Hà Tĩnh. Đặc biệt với sự hiện diện của khu công nghiệp VSIP sẽ càng khẳng định vị thế của Hà Tĩnh trên bản đồ đầu tư của cả nước.

Giai đoạn năm 2021 – 2023 trung bình mỗi năm tỉnh Hà Tĩnh thu hút 2 dự án FDI với tổng mức đầu tư trung bình gần 900 triệu USD. Trong đó có một số dự án lớn, được kỳ vọng góp phần thúc đẩy tăng trưởng kinh tế – xã hội của địa phương như: Dự án Nhiệt điện Vũng Áng II của Tập đoàn Mitsubishi; Nhà máy Pin Lithium của Liên doanh Vingroup và Công ty Gotion của Mỹ, Khu công nghiệp VSIP (Việt Nam – Singapore) của Tập đoàn VSIP. Các dự án được thu hút trong thời gian gần đây chủ yếu tập trung vào lĩnh vực công nghiệp chế biến chế tạo, năng lượng tái tạo, hạ tầng khu công nghiệp.

Xác định các dự án FDI có vai trò quan trọng với nền kinh tế, trong thời gian qua Hà Tĩnh đã xây dựng và thực hiện các hoạt động xúc tiến đầu tư theo đúng định hướng của Quy hoạch tỉnh nhằm phát huy các tiềm năng thế mạnh của từng địa phương. Cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh với phương châm “Chính quyền đồng hành cùng doanh nghiệp”, ban hành nhiều cơ chế, chính sách ưu đãi, hỗ trợ đầu tư phù hợp, thành lập nhiều tổ công tác đặc biệt để đồng hành cùng nhà đầu tư tháo gỡ các khó khăn vướng mắc trong quá trình thực hiện dự án tại địa phương.

Khu công nghiệp VSIP tại Hà Tĩnh. Ảnh Trương Hoa

Hạn chế đầu tư “chui”,“núp bóng” của doanh nghiệp FDI

Lãnh đạo tỉnh Hà Tĩnh cho biết, tỉnh sẽ tiếp tục thực hiện một số nhiệm vụ để thu hút FDI như, xúc tiến đầu tư các dự án đã ký kết tại Hội nghị công bố Quy hoạch tỉnh và triển khai các hoạt động xúc tiến đầu tư khác theo đúng định hướng tại Quy hoạch tỉnh.

Nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước về đầu tư nước ngoài thông qua việc tiếp tục hoàn thiện công tác quản lý, triển khai dự án đầu tư nước ngoài trên địa bàn, đảm bảo hiệu quả về kinh tế – xã hội – môi trường, phù hợp với quy hoạch… Bảo đảm chặt chẽ về quy trình, thủ tục cấp; điều chỉnh, thu hồi, chấm dứt hoạt động của các dự án đầu tư nước ngoài theo đúng quy định của pháp luật.

Bên cạnh đó, thực hiện tốt hoạt động quản lý, giám sát đầu tư thông qua việc xây dựng, đào tạo đội ngũ cán bộ quản lý hoạt động đầu tư nước ngoài đủ số lượng, trình độ, năng lực; có cơ chế kiểm tra, phối hợp liên ngành, chuyên ngành để ngăn ngừa và hạn chế tình trạng “vốn mỏng”, chuyển giá, đầu tư “chui”, đầu tư “núp bóng” của doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài.

Kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc theo chức năng thẩm quyền, hỗ trợ nhà đầu tư nước ngoài đẩy nhanh tiến độ thực hiện và triển khai các dự án trọng điểm. Đổi mới, nâng cao hiệu quả công tác xúc tiến đầu tư thông qua việc triển khai hiệu quả Chương trình xúc tiến đầu tư năm 2024.

Cùng với đó tăng cường các hoạt động xúc tiến đầu tư “tại chỗ”, hỗ trợ đẩy nhanh các thủ tục hành chính cho các dự án FDI đã được chấp thuận chủ trương đầu tư, cấp chứng nhận đăng ký đầu tư trên địa bàn tỉnh.

Nâng cao vai trò trách nhiệm của nhà đầu tư trong việc đảm bảo hài hòa lợi ích của người lao động và người sử dụng lao động theo hướng minh bạch, phù hợp với các cam kết quốc tế.

Ông Phạm Trần Đệ, Phó Ban quản lý Khu kinh tế Hà Tĩnh cho biết, với tiềm năng, lợi thế về điều kiện tự nhiên, hạ tầng giao thông, cảng biển kết nối đồng bộ, Hà Tĩnh đang tiếp tục đẩy mạnh hoạt động xúc tiến đầu tư, tập trung thu hút các tập đoàn kinh tế lớn trong và ngoài nước đầu tư các dự án động lực, tạo tiền đề cho việc hình thành khu vực phát triển công nghiệp nòng cốt.

Theo ông Đệ, Ban quản lý Khu kinh tế tỉnh cũng như chính quyền các cấp, các sở, ngành, địa phương, đơn vị ở Hà Tĩnh luôn nỗ lực tập trung cải thiện môi trường đầu tư, đơn giản hóa thủ tục hành chính; tạo môi trường đầu tư bình đẳng, thuận lợi cho các doanh nghiệp, nhà đầu tư.

“Thời gian tới, BQL sẽ tiếp đồng hành, kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc để các doanh nghiệp, nhà đầu tư tiếp cận, thụ hưởng các cơ chế, chính sách, triển khai các dự án đúng tiến độ, sản xuất, kinh doanh hiệu quả”, ông Đệ cho biết thêm.



Nguồn