Chi tiết

Chuyên gia hiến kế cho doanh nghiệp vừa và nhỏ thâm nhập vào thị trường tỷ dân

Ngày 30/12, Hội thảo “Tăng cường vai trò của các cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài trong hỗ trợ doanh nghiệp vừa và nhỏ tham gia hiệu quả, thực chất vào thị trường quốc tế” do Vụ Hợp tác kinh tế đa phương, Bộ Ngoại giao tổ chức.

Đây là sự kiện cuối cùng của chuỗi Hội thảo thuộc Dự án “Phát huy vai trò các cơ quan đại diện của Việt Nam ở nước ngoài trong việc hỗ trợ doanh nghiệp vừa và nhỏ phục hồi và hội nhập kinh tế quốc tế” tại TP. Hồ Chí Minh, Đà Nẵng và Hà Nội, trong khuôn khổ hợp tác kinh tế Ayeyawady – Chao Phraya – Mekong (ACMECS). Dự án là sáng kiến do Bộ Ngoại giao đề xuất và được Chính phủ Nhật Bản tài trợ.

Theo đánh giá của các chuyên gia, thị trường Trung Quốc là một trong những thị trường nhận được sự quan tâm và đã thu hút được nhiều doanh nghiệp vừa và nhỏ của Việt Nam gia nhập. Để giúp các doanh nghiệp có thể tiếp cận được thị trường tỷ dân thì vai trò của các cơ quan đại diện của Việt Nam tại Trung Quốc ngày càng trở nên quan trọng.

“ĐẶC SẢN” CƠ QUAN ĐẠI DIỆN CÓ THỂ CHIA SẺ CHO DOANH NGHIỆP

Phát biểu tại hội nghị, ông Đỗ Nam Trung, nguyên Tổng lãnh sự Việt Nam tại Nam Ninh (Trung Quốc), cho biết dựa vào những kinh nghiệm, trải nghiệm thực tế trong thời gian làm việc tại Trung Quốc, các cơ quan đại diện Việt Nam tại nước ngoài có 3 “đặc sản” có thể chia sẻ, hỗ trợ cho các doanh nghiệp.

Thứ nhất, các cơ quan đại diện có thể hỗ trợ cung cấp thông tin cho các doanh nghiệp trong nước tới các đối tác nước ngoài và ngược lại. Theo chia sẻ từ ông Đỗ Nam Trung, mỗi buổi làm việc với doanh nghiệp đều như là một buổi học chứa đựng nhiều thông tin hữu ích từ những câu chuyện mà doanh nghiệp, đối tác hai nước chia sẻ. Chính bản thân các cơ quan đại diện cũng là đơn vị nắm rõ nhất các chủ trương, chính sách, đường lối của lãnh đạo hai quốc gia trong việc ủng hộ các doanh nghiệp phát triển song phương.  

 

 

Ông Đỗ Nam Trung, nguyên Tổng lãnh sự Việt Nam tại Nam Ninh (Trung Quốc). Ảnh: Việt Dũng
Ông Đỗ Nam Trung, nguyên Tổng lãnh sự Việt Nam tại Nam Ninh (Trung Quốc).
Ảnh: Việt Dũng

 

“Vai trò lớn nhất, thể hiện rõ ràng nhất của các cơ quan đại diện của Việt Nam tại nước ngoài đó là sự kết nối. Sự kết nối chặt chẽ được thể hiện trong việc tìm cho các doanh nghiệp Việt Nam đúng đối tác, đúng với cơ quan quản lý của nước ngoài.”

Song song việc cung cấp những thông tin, các cơ quan đại diện mang tới cho các doanh nghiệp các mối quan hệ. Theo đó, với thế mạnh là cơ quan đại diện của Việt Nam, đồng thời cũng đại diện cho lợi ích của quốc gia, dân tộc, địa phương, doanh nghiệp và cả người dân Việt Nam tại nước ngoài, do đó các cơ quan đại diện luôn tạo được dựng được niềm tin khi làm việc, tìm kiếm các đối tác. Từ đó xây dựng được mạng lưới đối tác bền chặt và có độ tin cậy rất lớn.

Kể lại về những buổi gặp mặt của các doanh nghiệp Việt Nam, nguyên Tổng lãnh sự Việt Nam tại Nam Ninh cho rằng đó đều giống như những buổi trò chuyện của những người bạn “tâm giao”. “Với phương “tìm đúng người, kết nối đúng chỗ’’, cơ quan đại diện có trách nhiệm tìm kiếm, giới thiệu các đối tác quốc tế phù hợp với thực lực, kinh nghiệm của các doanh nghiệp trong nước”, ông Đỗ Nam Trung cho hay.

Ngoài ra, uy tín cũng là một yếu tố quan trọng khi bản thân các cơ quan đại diện ở nước ngoài mang trong mình trọng trách lớn, trách nhiệm cao khi là tiếng nói của cả một quốc gia. Do đó, bất kỳ những đối tác mà cơ quan đại diện giới thiệu, kết nối đều thể hiện uy tín cho cả doanh nghiệp Việt Nam lẫn đối tác nước ngoài.

Thông qua nhiều hoạt động xúc tiến thương mại và du lịch, các cơ quan đại diện đã kết nối các doanh nghiệp với nhiều đối tác uy tín và xây dựng cả mối quan hệ tốt với chính quyền các nước sở tại. Từ đó tạo tiền đề cho các doanh nghiệp Việt Nam tìm kiếm cơ hội đầu tư, phân phối trực tiếp sản phẩm, hàng hoá tới thị trường của quốc tế tỷ dân.

MỘT LẦN MẤT TÍN, VẠN LẦN MẤT TIN

Theo ông Nguyễn Thế Tùng, Tổng Lãnh sự Việt Nam tại Thượng Hải,  thị trường Trung Quốc là đối tác thương mại lớn nhất của Việt Nam. Đây là một thị trường có sức mua lớn với xu hướng tiêu dùng đang ngày một nâng cao. Thời điểm trước đây, các doanh nghiệp Việt Nam tập trung nhiều vào thị trường các tỉnh phía nam của Trung Quốc, tuy nhiên trong thời gian gần đây, các doanh nghiệp, đặc biệt là các doanh nghiệp vừa và nhỏ đã quan tâm và đầu tư sâu hơn vào thị trường tỷ dân.

Để thâm nhập vào thị trường Trung Quốc hiệu quả, các chuyên gia cho rằng doanh nghiệp cần tiến hành tìm hiểu, nghiên cứu kỹ lưỡng mọi yếu tố của quốc gia nước bạn trước khi tiến hành thâm nhập. Bởi thực tế chỉ ra rằng xu hướng tiêu dùng của quốc gia tỷ dân đang thay đổi từng ngày và các doanh nghiệp bắt buộc phải thay đổi mới có thể tồn tại cũng như đáp ứng được nhu cầu của thị trường.

Theo đó, thực tế chỉ ra, Trung Quốc đã không còn là một thị trường đơn giản với khi mà tâm lý của người tiêu dùng đã không còn quá quan tâm đến yếu tố giá. Thay vào đó, họ sẵn sàng bỏ ra nhiều tiền hơn để có thể sử dụng những sản phẩm có chất lượng cao, tốt cho sức khoẻ và thân thiện với môi trường.

Các chuyên gia tham luận tại phiên 2 với chủ đề "Nâng cao hiệu quả hỗ trợ các doanh nghiệp vừa và nhỏ Việt Nam của các cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài". Ảnh: Việt Dũng 
Các chuyên gia tham luận tại phiên 2 với chủ đề “Nâng cao hiệu quả hỗ trợ các doanh nghiệp vừa và nhỏ Việt Nam của các cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài”. Ảnh: Việt Dũng 

Xét riêng với thị trường nông sản của Trung Quốc, trước khi sầu riêng của Việt Nam thâm nhập, thị trường này là “sân chơi” của Thái Lan, có trị giá 4 tỷ USD; con số này khi Việt Nam bước vào là 7 tỷ USD.

Mặc dù vậy, theo các chuyên gia, sầu riêng của Việt Nam có chất lượng và sản lượng kém so với Thái Lan. Do đó, các chuyên gia khuyến nghị doanh nghiệp cần ứng dụng khoa học công nghệ vào nghiên cứu phát triển sản phẩm đảm bảo nâng cao được chất lượng lẫn đảm bảo cả về sản lượng.

Năm 2023 là năm đầu tiên sầu riêng của Việt Nam thâm nhập vào thị trường Trung Quốc, để có thể cạnh tranh với các sản phẩm tương tự của các quốc gia khác như Thái Lan, Philippines hay Malaysia, bài toán đặt lên vai các doanh nghiệp là xây dựng được chữ tín trong mắt thị trường tỷ dân.

“Một lần mất tín vạn lần mất tin”, nếu doanh nghiệp không thể cung cấp rõ ràng nguồn gốc xuất sứ hàng hoá cũng như những vấn đề khác như thuốc trừ sâu, phân bón… thì sẽ mất niềm tin từ người tiêu dùng. Là quốc gia đề cao uy tín trong giao dịch thương mại, kết hợp với sự cạnh tranh khốc liệt từ thị trường, nếu các doanh nghiệp Việt Nam không thể xây dựng được niềm tin sẽ đánh mất đi cơ hội tại thị trường tỷ dân.

Để xây dựng niềm tin tại thị trường Trung Quốc, các doanh nghiệp Việt Nam cần tuân thủ chặt chẽ các chính sách, quy định về nhập khẩu, thuế quan lẫn những tiêu chuẩn nghiêm ngặt về chất lượng sản phẩm. Bên cạnh sự hỗ trợ từ các Bộ, ban ngành trong nước, các cơ quan đại diện tại nước ngoài có thể hỗ trợ các doanh nghiệp trong việc đáp ứng các quy định, tiêu chuẩn này.

Đặc biệt, Trung Quốc là một quốc gia có nền thương mại điện tử và kinh tế số phát triển mạnh. Hỗ trợ để phát triển đòi hỏi hệ thống vận chuyển và logistics phát triển. Những năm gần đây chứng kiến sự phát triển của hoạt động logistics tại Việt Nam. Những đóng góp của logistics với thương mại song phương Việt Nam – Trung Quốc là rất lớn.

Tuy nhiên, cần thẳng thắn nhìn nhận rằng, logistics của Việt Nam hiện nay vẫn chưa thể theo kịp được với tốc độ phát triển của Trung Quốc. Mặc dù, lợi thế của Việt Nam là có đường biên giới ngay cạnh Trung Quốc nhưng nếu Việt Nam không giải quyết tốt tốc độ lưu thông thì sẽ không thể bắt kịp được xu hướng phát triển thương mại có trị lên hàng trăm tỷ đô.

Nguồn