Với quyết định mới của Ukraine về quá cảnh dầu khí Nga được đưa ra ngay ngày đầu năm mới 2025, tập đoàn dầu khí Gazprom của Nga bị thiệt hại 4 tỷ đô la Mỹ mỗi năm, còn phía Ukraine mất gần 1 tỷ đô la Mỹ mỗi năm.
Nguyên do thỏa thuận xuất khẩu khí đốt của Nga quá cảnh sang Ukraine không được gia hạn – đây là hệ quả của cuộc chiến chưa có hồi kết tại Đông Âu. Gazprom đã bị tước khả năng kỹ thuật và pháp lý cung cấp khí đốt để vận chuyển qua lãnh thổ Ukraine kể từ ngày 1/1/2025.
Bộ trưởng Năng lượng Ukraine German Galushchenko cho biết trong một tuyên bố: “Chúng tôi đã ngừng cho quá cảnh khí đốt của Nga. Đây là một sự kiện lịch sử. Nga đang mất thị trường, họ sẽ phải chịu tổn thất về tài chính. Châu Âu đã đưa ra quyết định từ bỏ hoàn toàn khí đốt của Nga”.
Đường ống qua Ukraine chiếm một nửa sản lượng xuất khẩu sang châu Âu. Hiện chỉ còn đường ống TurkStream qua Biển Đen. TurkStream có hai nhánh – một tuyến cho thị trường nội địa Thổ Nhĩ Kỳ và tuyến còn lại cung cấp cho các khách hàng Trung Âu bao gồm Hungary và Serbia.
Liên minh châu Âu đã không ngừng nỗ lực giảm sự phụ thuộc vào năng lượng của Nga sau khi chiến sự Nga – Ukraine nổ ra vào năm 2022 bằng cách tìm kiếm các nguồn thay thế. Những khách hàng mua khí đốt còn lại của Nga thông qua Ukraine như Slovakia và Áo cũng đã sắp xếp nguồn cung thay thế.
Hoạt động buôn bán khí đốt giữa Nga và EU là một trong những kênh thương mại có quy mô lớn nhất, được xây dựng từ nhiều thập kỷ, mang đến nguồn năng lượng giá rẻ cho EU, đồng thời là nguồn thu ổn định với nền kinh tế Nga. Nhưng bây giờ nó đã bị phá hủy chỉ trong vòng vài năm.
Đường ống Yamal-Europe qua Belarus cũng đã bị đóng cửa và tuyến đường Nord Stream qua Biển Baltic đến Đức đã bị phá hủy vào năm 2022. Nga và EU có thể chấm dứt hoàn toàn tuyến thương mại này.
Theo các chuyên gia, việc Ukraine “khóa van” khí đốt sẽ kết thúc kỷ nguyên ảnh hưởng của năng lượng Nga với toàn bộ “lục địa già”. Trong tình hình hiện nay, sự kiện này chưa ảnh hưởng ngay tức khắc với châu Âu. Bởi vì Mỹ, Na Uy và các nước Trung Đông đã lấp đầy nhu cầu khí hóa lỏng.
Tuy vậy, Thủ tướng Slovakia Robert Fico, cảnh báo rằng việc ngừng cung cấp khí đốt có thể gây tổn thất lên tới 120 tỷ euro cho EU trong hai năm tới. Nội bộ khối này sẽ bất hòa khi một số thành viên nhỏ hơn phải chịu chi phí cao hơn để chuyển đổi nguồn cung khí đốt.
Ngược lại, phía Nga có thể nhận về thiệt hại lớn hơn. Năm ngoái, tập đoàn Gazprom lỗ gần 7 tỷ đô la Mỹ. Nhưng quan trọng hơn, sức ảnh hưởng của Moscow với châu Âu ngày càng yếu – không giống như trước đây, năng lượng giá rẻ luôn là “quân bài” khiến châu Âu phụ thuộc vào Nga.
Kinh tế châu Âu suy yếu trong 5 năm trở lại đây, một phần do liên tục bị đe dọa mất an ninh năng lượng. Nhiều mối nguy còn tiềm tàng phía trước, liệu châu Âu có thể đoạn tuyệt hoàn toàn giao thương với Nga?