Ông Nguyễn Hoài Bảo – Phó Chủ tịch Hội Mỹ nghệ và chế biến gỗ TP Hồ Chí Minh (HAWA) cho biết, những năm qua ngành gỗ được hưởng lợi nhiều từ việc Việt Nam tham gia các FTA. Gần như ở các thị trường chính, các doanh nghiệp đều hưởng thuế suất 0%, trong đó Hoa Kỳ là thị trường lớn nhất của ngành chế biến gỗ, chiếm hơn 50% kim ngạch xuất khẩu, tương đương khoảng 9 tỷ USD năm 2024.
Bước sang năm 2025, chính sách thương mại của thị trường nhập khẩu gỗ lớn nhất của Việt Nam sẽ có thay đổi khi ít ngày tới, ông Donald Trump chính thức nhậm chức Tổng thống Hoa Kỳ. Là ngành xuất khẩu lớn, Việt Nam có thể đối mặt với rủi ro liên quan đến chính sách thuế nhập khẩu. Tuy nhiên, theo ông Nguyễn Hoài Bảo, điều này không quá lo ngại.
Lãnh đạo HAWA cho rằng, vấn đề cần quan tâm nhiều hơn là lạm phát ở Hoa Kỳ. Năm qua, lạm phát có phần được kiểm soát, người tiêu dùng đã mua hàng trở lại, nhờ đó doanh số của ngành chế biến gỗ Việt Nam tại Hoa Kỳ đã tăng khoảng 25% so với năm trước.
Thời gian tới, một số chính sách sắp tới của chính quyền Trump 2.0 có thể ảnh hưởng đến ngành xây dựng cũng như tác động đến nhà cung cấp gỗ xây dựng lớn nhất cho Hoa Kỳ là Canada. Khi ngành xây dựng chững lại, việc tiêu dùng đồ gỗ nội thất sẽ giảm đi.
Gỗ nội thất cũng không phải là mặt hàng tiêu dùng thiết yếu, khi thu nhập của người dân Hoa Kỳ bị ảnh hưởng, phải chi trả nhiều hơn cho các mặt hàng thiết yếu có thể sẽ làm giảm tiêu dùng gỗ nội thất.
Cơ hội lớn nhất cho doanh nghiệp Việt Nam, theo nhận định của ông Nguyễn Hoài Bảo là thương mại điện tử. HAWA cũng như cộng đồng doanh nghiệp xuất khẩu Việt Nam đang tích cực kết nối, làm việc với các sàn thương mại điện tử của Hoa Kỳ như Wayfair, Amazon để thúc đẩy mảng bán hàng trên kênh này bên cạnh các kênh truyền thống.
Những năm gần đây, gỗ nội thất và thủ công mỹ nghệ với các sản phẩm như quà tặng cá nhân từ gỗ; kệ sách, kệ giày, kệ nhà bếp, phòng tắm, tủ quần áo, bàn làm việc gấp gọn… là những dòng sản phẩm bán chạy nhất trên các sàn thương mại điện tử xuyên biên giới, góp phần đưa ngành hàng này tăng trưởng nhanh. Thêm một kênh tiêu thụ sản phẩm, mở ra cơ hội cho các doanh nghiệp gỗ của Việt Nam tiếp cận thêm khách hàng, tăng doanh thu cũng như giảm bớt rủi ro khi chỉ phụ thuộc vào kênh bán hàng truyền thống.
Khi bán hàng qua sàn thương mại điện tử, ông Nguyễn Hoài Bảo cho biết thêm: doanh nghiệp chủ động về nguyên vật liệu, thiết kế, kế hoạch bán hàng nhưng cũng gặp khó khăn trong vận chuyển. Do vậy, cần phát triển mạng lưới logistics về gỗ nội thất tại Hoa Kỳ để phục vụ nhu cầu này. HAWA đang tích cực kết nối với các doanh nghiệp logistics để hỗ trợ doanh nghiệp về kho vận, ship hàng nhằm nâng cao năng lực logistics, tối ưu cho mô hình xuất khẩu trực tuyến của doanh nghiệp.