Chi tiết

Chính sách tiền tệ ‘thử lửa’ đầu năm 2025

Chính sách tiền tệ ‘thử lửa’ đầu năm 2025

Tốc độ tăng trưởng tín dụng của năm 2025 dự kiến sẽ còn cao hơn năm 2024, tiếp tục cho thấy áp lực của chính sách tiền tệ, đặc biệt là trong bối cảnh tỷ giá vẫn giữ ở vùng cao kỷ lục ngay từ đầu năm.


Biến động của các ngoại tệ và nền kinh tế lớn trên thế giới tiếp tục ảnh hưởng đến đồng nội tệ của các nền kinh tế nhỏ nhưng có độ mở thương mại lớn như Việt Nam. Ảnh minh họa.

Chạy theo tỷ giá

Áp lực mới cho chính sách tiền tệ trong năm 2025 xuất hiện, khi Ngân hàng Nhà nước (NHNN) mới đây cho biết, đã giao chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng toàn hệ thống lên đến 16%, tức cao hơn cả mức dự kiến thực hiện 15% trong năm 2024.

Việc công bố tiếp tục mở rộng chính sách tiền tệ này diễn ra trong bối cảnh chỉ số DXY (đo lường sức mạnh đồng đô la Mỹ với rổ ngoại tệ mạnh khác) tiếp tục phá kỷ lục vào giai đoạn cuối năm 2024, khi có thời điểm lên trên 108 điểm, và vẫn giữ ở vùng cao kỷ lục này.

Chỉ số DXY cao tiếp tục gây áp lực cho tỷ giá cuối năm 2024. Theo bản tin thị trường tài chính tiền tệ của Ngân hàng ACB, tỷ giá đóng cửa cuối ngày 31-12-2024 ở mức 25.484 đồng/đô la. NHNN cũng nối lại nguồn cung ứng đô la cho một số thành viên ngân hàng khi tỷ giá vượt mức 25.450. “Thị trường đang kỳ vọng những yếu tố bên ngoài có thể tiếp tục thúc đẩy đà tăng của tỷ giá trong nước thời điểm đầu năm 2025”, báo cáo nêu.

Thống kê chung cho thấy so với đầu năm 2024, tỷ giá trung tâm tăng khoảng 1,9%, tỷ giá thị trường chính thức tăng khoảng 4,8%, tỷ giá thị trường tự do tăng khoảng 4,3%. Tin mừng là mức biến động này vẫn giảm nhẹ so với giai đoạn tăng giá đô la vào tháng 10.

Năm 2024 có thể nói là năm “chạy theo” đồng đô la Mỹ, không chỉ ở Việt Nam mà là trên quy mô toàn thế giới. Áp lực tỷ giá buộc chính sách tiền tệ phải đi theo trong bối cảnh hỗ trợ tăng trưởng tín dụng.


Biến động của các ngoại tệ và nền kinh tế lớn trên thế giới tiếp tục ảnh hưởng đến đồng nội tệ của các nền kinh tế nhỏ nhưng có độ mở thương mại lớn như Việt Nam. Ảnh minh họa.

NHNN trong năm qua cũng có nhiều giải pháp để kiểm soát áp lực mất giá của tiền đồng, trong đó có cả việc bán ngoại tệ can thiệp với hai giai đoạn chính là từ tháng 4-7 và giai đoạn từ tháng 9-12. Thống kê của Công ty chứng khoán Rồng Việt cho rằng đã có khoảng 9,4 tỉ đô la được bán ra.

Việc kiểm soát áp lực tỷ giá cũng buộc giữ lãi suất trên thị trường duy trì ở mức đủ cao so với lãi suất đô la. Chỉ có điều, không có nhà phân tích nào có thể dự đoán kịch bản tỷ giá sẽ đi như thế nào, đặc biệt là dưới thời “Trump 2.0” sắp tới đây.

Theo ông Hoàng Huy, Chuyên gia phân tích chiến lược, Công ty chứng khoán Maybank, những diễn biến mới gần đây cho thấy lộ trình giảm lãi suất của Cục dự trữ liên bang Mỹ (Fed) sẽ chậm hơn. Theo đó dự báo cắt giảm lãi suất năm 2025 chỉ còn 75 điểm cơ bản, so với mức 100 điểm đưa ra hồi tháng 9. “Điều này sẽ giữ áp lực tỷ giá hối đoái ở mức cao, ngăn cản NHNN thực hiện các chính sách tiền tệ nới lỏng hơn”, ông Huy bình luận.


Biến động của các ngoại tệ và nền kinh tế lớn trên thế giới tiếp tục ảnh hưởng đến đồng nội tệ của các nền kinh tế nhỏ nhưng có độ mở thương mại lớn như Việt Nam. Ảnh minh họa.

Cân bằng lãi suất và tăng trưởng tín dụng

Tháng 12 kết thúc với những dự báo mới rằng tăng trưởng tín dụng có thể đạt mục tiêu 15% đặt ra hồi đầu năm, trong khi con số công bố tính đến 7-12 trước đó là 12,5%. Còn theo báo cáo tài chính quí 3 của các ngân hàng niêm yết, tăng trưởng bình quân lên đến 12%, nhưng thực tế có ngân hàng tư nhân quy mô lớn đã tăng tín dụng trên 20% trong 9 tháng đầu năm.

Trở lại câu chuyện của tăng trưởng tín dụng đặt ra ở mức cao vào đầu năm 2025, lên đến mức 16%, có vẻ như tương đồng với mục tiêu tăng trưởng GDP lên đến 7-8% mà Chính phủ liên tục nhắc đến gần đây. Dĩ nhiên để tăng trưởng cao, yếu tố đầu tiên là lượng tiền cho vay ra thị trường phải tăng cao.

Nhóm chuyên gia thuộc Khối ngoại hối, thị trường vốn và Dịch vụ chứng khoán của Ngân hàng HSBC Việt Nam bình luận, NHNN đang “đứng trước nhiệm vụ tương đối nặng nề” khi phải điều hành chính sách tiền tệ theo hướng hỗ trợ tăng trưởng thông qua việc “phấn đấu” giảm lãi suất cho vay và thúc đẩy tăng trưởng tín dụng.

“Khi tỷ giá đứng trước áp lực tăng, chính sách tiền tệ của Mỹ và các quốc gia vẫn chưa chuyển hướng rõ rệt đặt ra rất nhiều thách thức để hoàn thành nhiệm vụ này”, nhóm chuyên gia này đánh giá.

Dù vậy, hầu hết các nhà phân tích đều cho rằng việc giữ mặt bằng lãi suất ở mức thấp trong năm 2024 được xem là một thành công của nhà điều hành chính sách tiền tệ, cho dù lãi suất ở cả hai thị trường đều có xu hướng tăng trở lại.

Trên thị trường huy động tiền gửi cư dân, lãi suất huy động có nhịp giảm khá mạnh vào đầu năm khi tăng trưởng tín dụng tăng chậm, nhưng tăng dần vào gần cuối năm. So với mức lãi suất thấp nhất được ghi nhận vào cuối quí 1, lãi suất huy động bình quân các kỳ hạn 1, 6 và 9 tháng tăng khoảng 90 điểm cơ bản.

Trong đó, nhóm ngân hàng thương mại quốc doanh vẫn giữ được mức lãi suất thấp, với lãi suất huy động kỳ hạn 12 tháng của nhóm này giảm khoảng 25 điểm so với đầu năm 2023. Dù vậy, thị trường cũng ghi nhận sự phân hóa đáng kể về mức tăng lãi suất huy động, theo quy mô của từng ngân hàng.

Ở thị trường liên ngân hàng, áp lực tăng lãi suất thấy rõ hơn khi NHNN nhiều lần can thiệp, trong đó hoạt động hút ròng dòng tiền phổ biến trong giai đoạn tỷ giá tăng cao. Dù vậy, theo báo cáo của Công ty chứng khoán Rồng Việt, tính chung cả năm 2024, quy mô điều tiết thanh khoản trên thị trường mở của NHNN tương đối nhỏ, với lượng hút ròng khoảng 28.000 tỉ đồng so với việc bơm ròng 66.000 tỉ đồng của năm trước đó.

Điểm lạc quan của chính sách tiền tệ là câu chuyện lạm phát đã “nhạt” bớt sau những lo ngại hồi đầu năm. Các báo cáo gần đây cũng kỳ vọng lạm phát toàn cầu trong năm 2025 sẽ ở mức vừa phải, là cơ sở để các ngân hàng trung ương trên thế giới tiếp tục giảm lãi suất.

Năm 2025 sẽ tiếp tục là một năm “thử lửa” của chính sách tiền tệ ở nền kinh tế nhỏ nhưng có độ mở thương mại cao như Việt Nam, đặc biệt xuất khẩu phụ thuộc vào các thị trường lớn như Mỹ. Chính sách tiền tệ tiếp tục mở rộng, nhưng tác động của việc mở rộng cũng là có giới hạn, đặc biệt là ở câu chuyện lãi suất.

Theo ông Huy, nhu cầu tín dụng tăng trong năm nay sẽ tiếp tục ảnh hưởng đến câu chuyện lãi suất, với dự báo lãi suất tiền gửi sẽ tăng 50 điểm cơ bản trong vòng 6-12 tháng tới. “Một phần trong số đó sẽ được chuyển cho người vay. Tuy nhiên, mức lãi suất tăng trở lại này vẫn còn tương đương giai đoạn Covid-19, và sẽ không làm gián đoạn sự phục hồi kinh tế”, ông Huy bình luận.

Dũng Nguyễn

TBKTSG

– 07:00 02/01/2025



Source link