Theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, tính đến hết ngày 30/11/2024, tổng vốn đăng ký cấp mới, điều chỉnh và góp vốn mua cổ phần, mua phần vốn góp của nhà đầu tư nước ngoài đạt gần 31,4 tỷ USD, tăng 1% so với cùng kỳ năm 2023. Giải ngân vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) đạt khoảng 21,68 tỷ USD, tăng 7,1% so với cùng kỳ năm 2023.
Nhadautu.vn điểm lại một số dự án FDI lớn trong năm qua, được kỳ vọng tạo ra hiệu ứng đáng kể đối với Việt Nam.
Dự án Samsung Display tại Bắc Ninh: 1,8 tỷ USD
Tháng 9/2024, UBND tỉnh Bắc Ninh và Công ty Samsung Display Việt Nam ký biên bản ghi nhớ phát triển dự án màn hình, linh kiện điện tử trị giá 1,8 tỷ USD tại khu công nghiệp Yên Phong, tỉnh Bắc Ninh.
Trong dự án mới này, Samsung sẽ triển khai dây chuyền sản xuất sản phẩm OLED dành cho điện thoại di động, thiết bị IT, ô tô. Khoản đầu tư mới sẽ nâng tổng vốn đầu tư của Tập đoàn Samsung tại Bắc Ninh lên 8,3 tỷ USD.
Hiện nay, Samsung Việt Nam có 6 nhà máy sản xuất, 1 trung tâm nghiên cứu và phát triển, và 1 pháp nhân bán hàng với tổng vốn đầu tư lũy kế 22,4 tỷ USD, tiếp tục giữ vững vị thế là nhà đầu tư nước ngoài lớn nhất tại Việt Nam.
Amkor Technology “rót” thêm 1,07 tỷ USD sớm hơn kế hoạch
Ngày 1/7/2024, nhân dịp chuyến thăm chính thức Hàn Quốc của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Bắc Ninh Vương Quốc Tuấn đã trao Giấy chứng nhận điều chỉnh đầu tư cho Công ty TNHH Amkor Technology Việt Nam.
Theo đó, Amkor Technology Singapore Holding Pte.Ltd sẽ tăng vốn thêm hơn 1,07 tỷ USD cho dự án Nhà máy sản xuất, lắp ráp và thử nghiệm vật liệu, thiết bị bán dẫn cho nhà đầu tư tại KCN Yên Phong II-C.
Sau khi điều chỉnh đăng ký đầu tư, nhà máy sản xuất, lắp ráp và thử nghiệm vật liệu, thiết bị bán dẫn của Amkor Technology tại Việt Nam có tổng vốn đầu tư 1,6 tỷ USD, với công suất 3,6 tỷ sản phẩm/năm. Điều đáng nói là việc tăng vốn này sớm hơn 11 năm so với kế hoạch ban đầu của công ty.
Trước đó, công ty đã tổ chức lễ khánh thành nhà máy này ngày 11/10/2023. Đây là một trong những nhà máy bán dẫn lớn nhất tại Việt Nam hiện nay.
Cùng với dự án nêu trên của Samsung Display, việc Amkor Technology tăng vốn 1,07 tỷ USD giúp Bắc Ninh trở thành địa phương thu hút nhiều vốn FDI nhất Việt Nam, với 5,04 tỷ USD trong 11 tháng năm 2024, gấp 3 lần so với cùng kỳ năm 2023, bỏ xa vị trí thứ hai của Quảng Ninh với 2,3 tỷ USD.
Nhờ vị trí địa lý thuận lợi, cơ sở hạ tầng phát triển và chính sách thu hút đầu tư nổi trội, Bắc Ninh hiện là một trong những trung tâm công nghiệp công nghệ cao, sản xuất thông minh hàng đầu không chỉ của Việt Nam mà còn của khu vực. Địa phương này đã trở thành “tổ” của các “đại bàng” công nghệ lớn khác như Foxconn, Goertek, Luxshare, Talway.
LG đầu tư thêm 1 tỷ USD
Giữa tháng 11, Hải Phòng trao chứng nhận đầu tư điều chỉnh cho Dự án Đầu tư mở rộng của Tập đoàn LG (Hàn Quốc) tại Khu công nghiệp Tràng Duệ, điều chỉnh tăng thêm 1 tỷ USD, nâng tổng vốn đầu tư lên 5,65 tỷ USD.
Đây là một trong những dự án đầu tư lớn nhất của chaebol Hàn Quốc tại Việt Nam, chuyên sản xuất màn hình OLED công nghệ cao với quy mô 13-14 triệu sản phẩm/tháng.
LG được cấp giấy chứng nhận đầu tư lần đầu vào năm 2016 với tổng vốn đầu tư 1,5 tỷ USD. Công ty sản xuất màn hình OLED nhựa cho các thiết bị di động, làm hình OLED ti vi, màn hình LCD…
Cùng với 1 số dự án khác được cấp chứng nhận đăng ký đầu tư cùng đợt với tổng vốn khoảng 800 triệu USD, dự án của LG đưa Hải Phòng trở thành địa phương thu hút FDI lớn thứ tư trong 11 tháng năm 2024.
Hãng xe Chery đầu tư 800 triệu USD
Tháng 4, Tập đoàn Geleximco và Omoda Jaecoo Automobile, một công ty con của hãng xe Chery (Trung Quốc), ký kết hợp đồng liên doanh tại Hà Nội. Theo đó, hai bên sẽ xây dựng một nhà máy tại Việt Nam với công suất 200.000 xe/năm, để sản xuất các mẫu xe mang thương hiệu Omoda & Jaecoo.
Liên doanh Geleximco – Omoda & Jaecoo dự kiến sẽ xây dựng nhà máy tại tỉnh Thái Bình. Việc xây dựng nhà máy được thực hiện theo 3 giai đoạn, tổng vốn đầu tư ước tính hơn 800 triệu USD.
Giai đoạn 1, dự kiến sẽ hoàn thành vào quý I/2026 với vốn đầu tư 220 triệu USD, công suất khoảng 50.000 xe/năm. Giai đoạn 2 (2031 – 2033) với vốn đầu tư 200 triệu USD, công suất 100.000 xe/năm. Giai đoạn 3 (2034-2035) với vốn đầu tư 380 triệu USD, công suất 200.000 xe/năm.
Trong quá trình xây dựng nhà máy, Omoda & Jaecoo thăm dò thị trường Việt Nam bằng hình thức nhập khẩu xe nguyên chiếc từ Indonesia. Tháng 11, lô xe điện Omoda C5 đầu tiên rời cảng Indonesia để về Việt Nam. Việc có nhà máy lắp ráp tại Việt Nam là một nước đi quan trọng để giảm giá thành của các mẫu xe Omoda & Jaecoo.
Hãng xe Trung Quốc Chery từng xuất hiện tại Việt Nam hồi 2009 thông qua hợp tác với Liên doanh ô tô Hòa Bình.
Hyosung đầu tư thêm 730 triệu USD
Tháng 3, Công ty TNHH Hyosung Đồng Nai, một công ty con của Tập đoàn Hyosung (Hàn Quốc), nhận chứng nhận đăng ký đầu tư để xây dựng một nhà máy sản xuất BDO sinh học trị giá 730 triệu USD với công suất 200.000 tấn/năm tại KCN Phú Mỹ 2, tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu. Dự án dự kiến đưa vào hoạt động vào năm 2026.
Đây là dự án đầu tiên tại châu Á sử dụng công nghệ hiện đại để sản xuất sản xuất sợi sinh học (nguyên liệu làm sợi vải spandex) từ đường thô, thay thế hoàn toàn nguyên liệu thô hóa thạch truyền thống như than đá. Sản phẩm Bio-BDO sau đó sử dụng để sản xuất sợi bio-spandex.
Bắt đầu hoạt động đầu tư kinh doanh vào Việt Nam từ năm 2007, trước dự án BDO, Hyosung đã đầu tư vào Việt Nam hơn 4 tỷ USD tại các tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu, Đồng Nai, Quảng Nam và Bắc Ninh.
Hyosung Việt Nam đã đầu tư vào các nhà máy chuyên sản xuất các loại dây lốp, vải thun, dây thép, sợi kỹ thuật, nylon, polytetramethylene ether glycol (PTMG) và động cơ.
Trong cuộc gặp với Thủ tướng Phạm Minh Chính ngày 14/10, Chủ tịch Hyosung Cho Hyun-joon tái khẳng định sự tin tưởng vào môi trường đầu tư tại Việt Nam và “cam kết gắn bó với Việt Nam trong 100 năm tới”.
Lãnh đạo Hyosung cho biết, công ty sẽ tăng tổng vốn đầu tư tại Việt Nam lên 8 tỷ USD, củng cố thêm vị thế là nhà đầu tư Hàn Quốc lớn thứ ba tại Việt Nam, sau Samsung và LG.
Ngoài 5 dự án kể trên, một số dự án lớn được cấp phép đầu tư trong năm 2024 bao gồm: Dự án CapitaLand (Singapore) với vốn đăng ký 661 triệu USD, dự án Trina Solar Cell (Trung Quốc) trị giá 454,4 triệu USD, Foxconn (dự án về sản phẩm giải trí thông minh và thiết bị hệ thống thông minh) của Đài Loan với 551 triệu USD, Dự án Tổ hợp công nghệ tế bào quang điện của Gokin Solar (Hồng Kông) với 275 triệu USD…