Chi tiết

Phân khúc nhân sự nào đang đứng trước làn sóng sa thải tại các công ty lớn?

Phân khúc nhân sự nào đang đứng trước làn sóng sa thải tại các công ty lớn?

Làn sóng sa thải quản lý cấp trung đang lan rộng tại các tập đoàn lớn ở Mỹ, buộc cả doanh nghiệp lẫn người lao động phải định hình lại chiến lược để thích nghi với biến động.

Thị trường lao động tại Mỹ đang chứng kiến một làn sóng cắt giảm nhân sự quản lý chưa từng có, làm lung lay những con đường thăng tiến truyền thống trong sự nghiệp. Những thay đổi này không chỉ ảnh hưởng đến các vị trí quản lý cấp cao mà còn tạo áp lực lớn lên đội ngũ quản lý cấp trung – vốn là xương sống trong nhiều doanh nghiệp.

Phân khúc nhân sự nào đang đứng trước làn sóng sa thải tại các công ty lớn?
Sa thải hàng loạt. Ảnh minh hoạ

Theo Wall Street Journal, các công ty lớn đang thực hiện một cuộc “đại phẫu” mạnh mẽ. Báo cáo từ Live Data Technologies, phân tích dữ liệu hơn 20 triệu nhân viên văn phòng, cho thấy số lượng quản lý cấp trung tại các công ty đại chúng ở Mỹ đã giảm khoảng 6% so với giai đoạn cao điểm tuyển dụng trong đại dịch. Không chỉ cấp trung, đội ngũ điều hành cấp cao cũng bị cắt giảm gần 5% kể từ cuối năm 2021.

Nhiều tập đoàn hàng đầu đã có động thái mạnh mẽ để tái cơ cấu. UPS và Citigroup đã sa thải hàng nghìn vị trí giám sát kể từ năm ngoái. Amazon, dưới sự lãnh đạo của CEO Andy Jassy, đang tập trung tăng tỷ lệ nhân viên trên mỗi quản lý. Trong khi đó, Google vừa công bố cắt giảm 10% vị trí quản lý nhằm tiết kiệm chi phí, và Meta đã loại bỏ nhiều cấp quản lý trong năm qua. Riêng Citigroup, trong vòng 6 tháng, đã giảm từ 13 xuống chỉ còn 8 cấp quản lý.

Điều này dẫn đến một thực tế: các nhà quản lý hiện phải giám sát số lượng nhân viên gấp ba lần so với năm 2017, theo số liệu từ Gartner. Tuy nhiên, áp lực đè nặng khiến khoảng 30% nhân viên cho biết cấp trên của họ quá căng thẳng đến mức không thể hỗ trợ họ trong công việc, theo khảo sát của LinkedIn.

Phân khúc nhân sự nào đang đứng trước làn sóng sa thải tại các công ty lớn?
Nhiều quản lý tại Mỹ loay hoay tìm việc mới trước làn sóng sa thải. Ảnh minh họa: Freepik

James Riggle, cựu quản lý tại Citi với 15 năm kinh nghiệm, đã chia sẻ về hành trình gian nan sau khi bị sa thải. “Các nhà tuyển dụng thậm chí không muốn nói chuyện với tôi”, ông thừa nhận. Ban đầu, Riggle từ chối một công việc có mức lương thấp hơn 40.000 USD so với thu nhập trước đây. Nhưng sau nhiều tháng thất nghiệp, ông buộc phải chấp nhận thực tế để duy trì cuộc sống tại O’Fallon, Missouri.

Không chỉ vậy, làn sóng này còn đặt ra câu hỏi lớn về tương lai của vai trò quản lý khi công nghệ AI đang len lỏi vào mọi lĩnh vực. Colyn Montgomery, cựu lãnh đạo nhóm tiếp thị sản phẩm tại Meta, nhận định rằng các công cụ AI có thể thay thế nhiều công việc thường ngày, từ chia sẻ dữ liệu đến quản lý quy trình. Gartner dự đoán rằng trong hai năm tới, cứ 5 công ty thì 1 công ty sẽ dùng AI để tinh giản tổ chức, dẫn đến việc giảm một nửa số lượng quản lý cấp trung.

Trong khi nhiều người phải đối mặt với khủng hoảng, một số lại tìm thấy cơ hội mới. Jeff Yun-Nikolac, cựu quản lý kỹ thuật phần mềm tại Pure Storage, đã quyết định quay về vai trò kỹ sư. “Tôi là một người quản lý giỏi, nhưng tôi chưa bao giờ thực sự yêu thích công việc đó”, ông chia sẻ. Hiện tại, ông vẫn giữ mức lương cũ nhưng cảm thấy hài lòng hơn khi tập trung phát triển chuyên môn.

Kyle C. Murphy, chuyên gia điều hành tại Los Angeles, khuyến nghị rằng các công ty cần tái định nghĩa vai trò của nhà quản lý. Thay vì sa lầy vào quản lý quy trình và dữ liệu, họ nên dành thời gian nhiều hơn để phát triển và trao quyền cho nhân viên. “Nếu muốn tạo ra sự khác biệt, hãy để họ tập trung vào phát triển con người”, ông nhấn mạnh.

Làn sóng cắt giảm quản lý cấp trung dự báo sẽ còn tiếp diễn, tạo áp lực buộc doanh nghiệp và người lao động phải thích nghi. Đây không chỉ là bài toán sống còn mà còn là cơ hội để định hình lại chiến lược phát triển nhân sự trong một thế giới thay đổi không ngừng.



Nguồn tin