Sự thay đổi trong liên minh hãng tàu toàn cầu từ năm 2025 đánh dấu bước ngoặt lớn đối với thị trường vận tải biển.
Sự thay đổi cấu trúc của các liên minh hãng tàu lớn trên thế giới, dự kiến từ tháng 2/2025, đang làm dậy sóng ngành vận tải biển toàn cầu. Việc hình thành các liên minh mới như Gemini Cooperation (Maersk và Hapag-Lloyd) và Premier Alliance (HMM, ONE, Yang Ming), cùng sự tiếp tục hoạt động của Ocean Alliance (CMA CGM, COSCO, Evergreen, OOCL), không chỉ định hình lại thị trường vận tải biển mà còn đặt ra những cơ hội và thách thức lớn đối với các cảng biển Việt Nam.
Cấu trúc liên minh mới bao gồm:
Chấm dứt liên minh 2M: Maersk và MSC sẽ chính thức tách rời vào tháng 1/2025, kết thúc liên minh kéo dài gần một thập kỷ. Trong khi MSC tập trung tăng quy mô đội tàu, Maersk chuyển hướng sang cung cấp dịch vụ logistics tích hợp.
Gemini Cooperation: Sự hợp tác giữa Maersk và Hapag-Lloyd sẽ đưa liên minh này vào hoạt động từ tháng 2/2025, với đội tàu 290 tàu, sức tải 3,4 triệu TEU. Mạng lưới của Gemini sẽ giảm số lần ghé cảng tại các tuyến chính, thay vào đó sử dụng các cảng nội khu để kết nối hàng hóa ra cảng trung tâm.
Premier Alliance: HMM, ONE và Yang Ming tái cấu trúc từ THE Alliance, tập trung vào các tuyến thương mại xuyên Thái Bình Dương và Á-Âu.
Ocean Alliance: Vẫn duy trì cấu trúc hiện tại và gia hạn thỏa thuận hoạt động đến năm 2032, Ocean Alliance sẽ tiếp tục là liên minh lớn nhất với sức tải 6 triệu TEU.
Nguồn: VCBS Research Department |
Thị phần của các liên minh hãng tàu trước và sau tái cấu trúc liên minh
Trước khi tái cấu trúc, ba liên minh lớn cùng với MSC (vận hành độc lập) chi phối thị trường vận tải container toàn cầu: 2M Alliance (Maersk và MSC) chiếm thị phần 34,4%. Ocean Alliance (CMA CGM, COSCO, Evergreen, OOCL): 29,3%. THE Alliance (Hapag-Lloyd, ONE, Yang Ming, HMM): 18,5%.
Sau tái cấu trúc, các thay đổi lớn trong cấu trúc liên minh dẫn đến sự dịch chuyển thị phần như sau:
Liên minh Gemini Cooperation: Thành lập bởi Maersk và Hapag-Lloyd; thị phần dự kiến: ~21,5%, với đội tàu tổng sức tải 3,4 triệu TEU, trong đó Maersk đóng góp 60%, còn Hapag-Lloyd đóng góp 40%.
Premier Alliance: thay thế THE Alliance, gồm HMM, ONE, Yang Ming. Việc Hapag-Lloyd rời liên minh khiến Premier Alliance trở thành liên minh nhỏ nhất, với thị phần dự kiến khoảng 11,6%.
Ocean Alliance: Tiếp tục là liên minh lớn nhất, tập trung trên các tuyến Á-Âu và xuyên Thái Bình Dương với thị phần dự kiến khoảng 29,3%.
Hãng tàu MSC, sau khi tách khỏi liên minh 2M, hoạt động độc lập với đội tàu lớn nhất thế giới (~5 triệu TEU), thị phần dự kiến 19,8%.
Nguồn: VCBS Research Department |
Tác động đến cảng Việt Nam
Sự thay đổi liên minh dự kiến sẽ tác động mạnh đến các cảng trọng điểm tại Việt Nam, đặc biệt là Hải Phòng và Cái Mép – Thị Vải (CM-TV), vốn phụ thuộc lớn vào các liên minh hãng tàu này.
Thứ nhất, Việc tái cấu trúc liên minh có thể dẫn đến thay đổi tuyến vận tải biển, ảnh hưởng đến lưu lượng hàng container tại Việt Nam. Với sự hình thành liên minh Gemini Cooperation, luồng hàng từ châu Âu đến Việt Nam có thể thay đổi theo hướng ưu tiên cảng nước sâu hoặc cảng có hệ thống quản lý tốt hơn. Cảng Cái Mép – Thị Vải: có lợi thế lớn khi là cảng nước sâu, đáp ứng tàu trọng tải lớn (>18.000 TEU). Đây có thể trở thành điểm đến hấp dẫn hơn nếu các liên minh mới tập trung vào tuyến thương mại Á-Âu. CM-TV có thể thu hút thêm các tàu trọng tải lớn từ các tuyến Á-Âu của Gemini Cooperation và Ocean Alliance. Trong khi đó, cảng Hải Phòng: Có thể gặp khó khăn trong việc duy trì lượng hàng hóa nếu các liên minh ưu tiên sử dụng cảng trung chuyển khu vực tại Singapore hoặc Malaysia. Đồng thời, Một số cảng có thể mất các khách hàng truyền thống do thay đổi tuyến vận tải, nhưng đồng thời, các tuyến mới có thể mang lại khách hàng tiềm năng.
Thứ hai, các cảng Việt Nam phải đầu tư mạnh mẽ vào cơ sở hạ tầng, bao gồm bến cảng, thiết bị bốc dỡ hiện đại và hệ thống logistics liên kết, để đáp ứng nhu cầu của các liên minh mới. Cảng Hải Phòng cần tăng khả năng xử lý hàng hóa, đặc biệt trên các tuyến nội Á và trung chuyển.Cảng Cái Mép – Thị Vải cần nâng cấp để cạnh tranh với các cảng khu vực như Port Klang (Malaysia) hoặc Singapore, nhằm thu hút các tuyến vận tải xuyên đại dương.
Sự thay đổi liên minh dự kiến sẽ tác động mạnh đến các cảng trọng điểm tại Việt Nam. Ảnh minh họa |
Thứ ba, tăng cường sự cạnh tranh giữa các cảng. Các cảng phải cạnh tranh khốc liệt hơn để thu hút tàu cập cảng, có thể dẫn đến giảm giá dịch vụ hoặc tăng thêm dịch vụ giá trị gia tăng như kho bãi và logistics. Đồng thời, các cảng nước sâu như CM-TV có thể tận dụng lợi thế đàm phán với các hãng tàu lớn nhờ khả năng phục vụ tàu siêu trọng. Hiện tại, bến nước sâu Lạch Huyện 3-4 và 5-6 đang đẩy nhanh thi công kỳ vọng bắt đầu đưa vào khai thác trong Q1.2025 để bắt kịp với việc thay đổi của liên minh các hãng tàu lớn trên thế giới (02/2025). Khi Lạch Huyện 3-4, 5-6 đi vào hoạt động sẽ tạo áp lực cạnh tranh ngày càng lớn tại cụm cảng Hải Phòng vốn đang dư công suất và với các cảng có khả năng đón tàu lớn như HICT và Nam Đình Vũ (GMD).
Thứ tư, với vị trí chiến lược trong chuỗi cung ứng toàn cầu, Việt Nam có cơ hội thu hút đầu tư quốc tế vào lĩnh vực cảng và logistics. Việc tái cấu trúc liên minh có thể là cơ hội để Việt Nam phát triển các cảng nước sâu như CM-TV thành trung tâm trung chuyển quốc tế, phục vụ cả khu vực Đông Nam Á. Với sự hiện diện của MSC và mong muốn liên doanh đầu tư tại các các nước sâu của Việt Nam như ký kết với PHP (khai thác bến Lạch Huyện 3-4) và muốn đầu tư xây dựng cảng trung chuyển quốc tế Cần Giờ (SGP) cho thấy tầm quan trọng chiến lược của Việt Nam đối với MSC
Sự thay đổi trong liên minh hãng tàu toàn cầu từ năm 2025 đánh dấu bước ngoặt lớn đối với thị trường vận tải biển. Đối với Việt Nam, đây là thách thức nhưng cũng mở ra cơ hội để cải thiện năng lực cảng biển, tăng cường kết nối thương mại và khẳng định vị thế trong chuỗi cung ứng toàn cầu. Việc quản lý tốt các tác động và đầu tư hợp lý vào hạ tầng sẽ quyết định khả năng tận dụng lợi thế của các cảng biển Việt Nam trong giai đoạn mới.