Năm nay, Chính phủ đặt mục tiêu tốc độ tăng trưởng kinh tế trên 8%, thậm chí 10% nếu thuận lợi, còn các địa phương đầu tàu phấn đấu cao hơn mức chung cả nước.
Báo cáo tại hội nghị tổng kết của Chính phủ và các địa phương ngày 8/1, Phó thủ tướng Nguyễn Hòa Bình cho biết tình hình kinh tế – xã hội 2024 tiếp tục phục hồi, tích cực trên các lĩnh vực. GDP 2024 tăng 7,09%.
Năm 2025 được coi là thời điểm “tăng tốc và bứt phá” để đạt mục tiêu cả nhiệm kỳ 2020-2025. Do đó, Chính phủ đặt mục tiêu tốc độ tăng trưởng kinh tế cao hơn 8% hoặc10% trong điều kiện thuận lợi, để tạo đà tăng trưởng hai chữ số cho giai đoạn tiếp theo. Địa phương có tiềm năng, thế mạnh như các thành phố lớn, đầu tàu kinh tế cần phấn đấu đạt mức tăng cao hơn bình quân chung cả nước.
Mục tiêu GDP 8-10% cao hơn so với chỉ tiêu Quốc hội giao (6,5-7%). Các tổ chức quốc tế đưa ra dự báo GDP năm nay của Việt Nam có thể dưới 7%. Chẳng hạn, IMF dự báo 6,1%, cao hơn so với các nước như Trung Quốc, Indonesia và Thái Lan (3-5,1%). ADB là khoảng 6,6%, nhờ vào động lực từ thương mại và đầu tư của 2024.
Song, theo Chính phủ, đây sẽ là nền tảng để Việt Nam đạt tăng trưởng hai chữ số trong giai đoạn tới (2026-2030).
Phát biểu chỉ đạo, Tổng bí thư Tô Lâm cho rằng cần có giải pháp đồng bộ, hiệu quả để đạt tốc độ tăng trưởng kinh tế 8% năm 2025. Theo ông, Việt Nam cần có đột phá về thể chế, đề cao nguyên tắc thị trường trong huy động, phân bổ nguồn lực, loại bỏ cơ chế “xin – cho” và tư duy bao cấp.
“Sức mạnh từ nhân dân và mọi thành phần kinh tế cần phát huy bằng cách xây dựng một nền hành chính hiệu quả, năng động, môi trường kinh doanh an toàn, chi phí thấp, đạt chuẩn quốc tế”, ông nói, thêm rằng việc này sẽ thúc đẩy tinh thần khởi nghiệp, làm giàu của người dân.
Cùng với đó, theo Tổng bí thư, Nhà nước phải bảo vệ quyền tài sản hợp pháp, tự do kinh doanh, khuyến khích phát triển các mô hình kinh doanh dựa trên công nghệ và đổi mới sáng tạo.
Trước đó, Bộ trưởng Kế hoạch & Đầu tư Nguyễn Chí Dũng nhìn nhận 20 năm tới, Việt Nam phải tăng trưởng cao, phấn đấu từ 10% trở lên, để trở thành nước có thu nhập cao vào năm 2045. Trong đó, từ nay đến 2030 theo ông là giai đoạn quan trọng nhất để Việt Nam đạt mục tiêu này.
Việt Nam đặt mục tiêu thành nước đang phát triển có thu nhập trung bình cao vào 2030 và tới 2045 là nước phát triển thu nhập cao. Song, nền kinh tế chưa có giai đoạn phát triển cao, trung bình 10% mỗi năm kéo dài trên 10 năm. Do vậy, giới chuyên môn cho rằng thách thức của Việt Nam là làm sao để có thể tiếp tục tăng trưởng nhanh, bền vững, để dần bước vào nhóm các nước có thu nhập cao.
Tại hội nghị, nhiều địa phương cũng đặt mục tiêu tăng trưởng cao, phấn đấu hai chữ số năm 2025. Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Trần Sỹ Thanh nói Thủ đô sẽ “tăng tốc, bứt phá để đạt mục tiêu phát triển cao nhất”.
Còn theo Chủ tịch UBND TPHCM Phan Văn Mãi, thành phố sẽ tập trung tháo gỡ các dự án, công trình tồn đọng, gồm công và tư, để huy động ít nhất 620.000 tỷ đồng để bảo đảm được tăng trưởng từ 10% trở lên.
Lãnh đạo TP HCM đề nghị Chính phủ, Thủ tướng, Chủ tịch Hội đồng vùng Đồng bằng sông Hồng và Đông Nam Bộ nghiên cứu, có cơ chế để liên kết, phát huy nguồn lực từ hai vùng kinh tế. “Nếu làm tốt thì hai vùng này sẽ đóng góp trên 50% GDP của cả nước”, ông nói.
Hải Dương – địa phương chịu ảnh hưởng nặng của bão Yagi – nhưng vẫn đạt tăng trưởng 12% năm ngoái, mức cao nhất trong 10 năm qua. Bí thư Tỉnh ủy Hải Dương Trần Đức Thắng cho biết địa phương này tiếp tục sửa đổi thể chế theo hướng phân cấp, quyền nhiều hơn cho địa phương để thực hiện các mục tiêu kinh tế – xã hội.
Trước các kiến nghị của địa phương, Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh Chính phủ tăng phân cấp, phân quyền đi đôi với phân bổ nguồn lực và xóa bỏ cơ chế xin cho, thủ tục rườm rà.
Ông cam kết Chính phủ sẽ quyết tâm thực hiện kế hoạch năm 2025, với phương châm “kỷ cương trách nhiệm, tinh gọn hiệu quả, tăng tốc bứt phá”.
Cùng với GDP, Chính phủ cũng dự kiến chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tăng bình quân khoảng 4,5%, tăng trưởng tín dụng trên 15%, thu ngân sách Nhà nước cao hơn ít nhất 10% so với năm 2024 và triệt để tiết kiệm chi, nhất là chi thường xuyên.
Để đạt mục tiêu trên, Phó thủ tướng Nguyễn Hòa Bình cho rằng giải pháp đầu tiên là hoàn thiện thể chế, tinh gọn bộ máy, nâng cao hiệu quả hoạt động. Nhà điều hành sẽ xây dựng thể chế, khung pháp lý giúp phát triển nhanh, lành mạnh các thị trường tài chính, chứng khoán, khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo, bất động sản. Trong đó, các cơ chế, chính sách đặc thù, mô hình thí điểm sẽ được tổng kết, để đưa vào thành quy định pháp luật.
Các động lực tăng trưởng truyền thống như đầu tư công được tập trung giải ngân ngay từ đầu năm, bởi một đồng vốn công được giải ngân sẽ kéo theo 2 đồng vốn cho đầu tư xã hội.
Bộ trưởng Tài chính Nguyễn Văn Thắng cho biết cơ quan quản lý sẽ tận dụng tối đa dư địa nợ công để tăng huy động vốn trong nước thông qua phát hành trái phiếu Chính phủ, vay nợ nước ngoài với lãi suất, chi phí hợp lý, ít ràng buộc. Việc này nhằm đảm bảo nguồn lực cho chi đầu tư phát triển, xây dựng các công trình hạ tầng trọng điểm.
“Hiệu quả của từng dự án cần kiểm soát chặt chẽ, để tránh gánh nặng trả nợ sau này. Chỉ những dự án được tính toán có hiệu quả rõ rệt mới sử dụng nguồn vốn đi vay”, ông Thắng nói.
Bên cạnh đó, Chính phủ sẽ có cơ chế đủ mạnh để thu hút đầu tư, phát triển các ngành, lĩnh vực mới nổi, công nghệ cao như chip bán dẫn, trí tuệ nhân tạo, điện toán đám mây, công nghiệp văn hóa, công nghệ y sinh học, năng lượng sạch…
Nguồn lực từ doanh nghiệp nhà nước, tư nhân được huy động tối đa, trong khi thị trường chứng khoán, bất động sản, trái phiếu doanh nghiệp có giải pháp tháo gỡ để khơi thông nguồn vốn hiệu quả. Vướng mắc của các dự án năng lượng tái tạo đã đầu tư, BOT, bất động sản sẽ được xử lý triệt để, theo yêu cầu của Chính phủ.
Phương Dung
Nguồn tin: https://vnexpress.net/chinh-phu-dat-muc-tieu-gdp-tang-8-10-nam-nay-4836838.html