Chi tiết

Cổ phiếu dù chia 3 từ đỉnh vẫn nắm Top 1 thị giá, Chủ tịch đã bớt mặn mà với ‘giấc mơ Mỹ’

“Kỳ lân” công nghệ VNG đang trong giai đoạn khó khăn với 10 quý kinh doanh thua lỗ liên tiếp. Công ty tạm gác lại kế hoạch IPO tại Mỹ sau nhiều năm ấp ủ.

CTCP VNG (UPCoM: VNZ) – tiền thân là Vinagames vẫn luôn được người dùng biết đến nhiều nhất với các sản phẩm game, đồng thời là chủ sở hữu của ứng dụng Zalo, cổ đông lớn tại Tiki… Đây là “kỳ lân” hiếm hoi của Việt Nam hoạt động trong lĩnh vực công nghệ, vào năm 2014, VNG từng được định giá 1 tỷ USD theo World Startup Report. Đến năm 2019, VNG được quỹ đầu tư Temasek định giá lên tới 2,2 tỷ USD (tương đương 1,8 triệu đồng/cp). Năm 2021, VNG vẫn được định giá cao “ngất ngưởng” khi Công ty quản lý quỹ Mirae Asset mua cổ phần với giá 1,7 triệu đồng/cp.

Thời điểm tháng 1/2023, VNG được niêm yết trên sàn UPCoM với mã VNZ và trở thành “bom tấn” khi giá cổ phiếu tăng nóng gần 7 lần, phải giải trình do trần liên tục, trở thành cổ phiếu giá trị nhất sàn chứng khoán.

Ông chủ của Zalo: 'Bom tấn' IPO năm 2023 cổ phiếu đã chia 3 từ đỉnh, tạm khép lại 'giấc mơ' Mỹ
Diễn biến cổ phiếu VNZ và thời điểm thị giá cổ phiếu vượt qua 1 triệu đồng

Cụ thể, vào ngày 5/1/2023, 36 triệu cổ phiếu VNZ chào sàn với giá tham chiếu 240.000 đồng/cp và tăng lên đỉnh cao 1.562.500 đồng/cp vào ngày 16/2 cùng năm. Tuy nhiên, thanh khoản rất thấp, chỉ đạt vài trăm cổ phiếu mỗi phiên, một phần đến từ việc nhỏ lẻ ít nắm giữ do 5 cổ đông hàng đầu đã cầm 96,97% cổ phần công ty.

Kết phiên giao dịch ngày 31/5, cổ phiếu VNZ đóng cửa ở mức 515.500 đồng/cp, thanh khoản 1.300 cổ phiếu, ứng với giá trị 0,68 tỷ đồng. Như vậy, sau 1,5 năm thị giá VNZ đã chia 3 từ đỉnh, tuy nhiên so với giá tham chiếu ngày chào sàn vẫn tăng hơn 2 lần. Vốn hóa công ty còn 14.813,4 tỷ đồng, dưới 1 tỷ USD (công ty được gọi là kỳ lân có vốn hóa từ 1 tỷ USD trở lên).

Ấp ủ “giấc mơ” IPO tại Mỹ, VNG không mặn mà với UPCoM

Cổ đông VNG không mặn mà với việc giao dịch cổ phiếu trên UPCoM có thể xuất phát từ trọng tâm của công ty là IPO trên sàn chứng khoán Mỹ (kế hoạch đã ấp ủ từ lâu).

Năm 2017, VNG đã đạt được biên bản thỏa thuận để niêm yết với Nasdaq (Mỹ). Tháng 8/2021 báo ngoại đưa tin, VNG đang để mắt đến một đợt IPO thông qua một công ty mua lại có mục đích đặc biệt (SPAC) với mức định giá khoảng 2-3 tỷ USD. SPAC cũng là cách mà VinFast đưa cổ phiếu lên sàn Nasdaq, hiểu ngắn ngọn là sáp nhập vào công ty đủ điều kiện niêm yết có sẵn.

Tháng 8/2023, VNG Limited (công ty mẹ của VNZ) đã nộp hồ sơ đăng ký theo mẫu F-1 lên Uỷ ban Giao dịch Chứng khoán Mỹ (SEC) và dự kiến sẽ IPO cổ phiếu phổ thông loại A tại sàn chứng khoán Nasdaq với mã giao dịch “VNG”.

Nhưng đến tháng 9/2023, VNG đã trì hoãn kế hoạch IPO cho tới khi nhà đầu tư sẵn sàng đón nhận. Ngày 22/1/2024, SEC tuyên bố trên trang web rằng VNG Limited quyết định không IPO tại thời điểm này và lên kế hoạch trở lại trong tương lai.

Không nhất thiết phải IPO tại Mỹ bằng mọi giá

Ông chủ của Zalo: 'Bom tấn' IPO năm 2023 cổ phiếu đã chia 3 từ đỉnh, tạm khép lại 'giấc mơ' Mỹ
CEO VNG Lê Hồng Minh chia sẻ tại Tech in Asia Saigon Summit 2024

Ngày 30/5, tại Tech in Asia Saigon Summit 2024, CEO VNG Lê Hồng Minh đã lên tiếng về lý do tạm dừng kế hoạch IPO tại Mỹ. Ông Minh bày tỏ rằng công ty nào cũng đều muốn IPO trên hành trình phát triển của mình. VNG đã đặt ra kế hoạch đó vài năm trước đây và tiến hành các thủ tục chuẩn bị cần thiết.

Tuy nhiên, VNG chưa ở trong tâm thế sẵn sàng. “Tới năm ngoái (năm 2023) thì thủ tục hoàn thành nhưng đó lại không phải là thời điểm thích hợp cho các công ty công nghệ. Điều tốt là chúng tôi đã hiểu rõ những rủi ro nhưng không ngại đối mặt với hậu quả. Chúng tôi không dừng lại ở bàn luận mà quan trọng là đã hành động, nhưng chúng tôi cũng nhận ra chúng tôi không nhất thiết phải làm điều đó (IPO) bằng mọi giá. Điều quan trọng nhất là công ty đã hoàn thiện và trong tâm thế sẵn sàng” – ông Minh nói.

Ông chủ của Zalo: 'Bom tấn' IPO năm 2023 cổ phiếu đã chia 3 từ đỉnh, tạm khép lại 'giấc mơ' Mỹ
VNG trải qua 10 quý thua lỗ liên tiếp

Về kết quả kinh doanh, VNG đang trong giai đoạn khó khăn khi đã có 10 quý thua lỗ liên tiếp. Tính trong năm 2022, công ty này lỗ ròng 1.119 tỷ đồng và năm 2023 lỗ ròng 2.150 tỷ đồng. Quý I/2024, kết quả kinh doanh không mấy khởi sắc khi lỗ 31 tỷ đồng. Doanh thu ổn định, không tăng trưởng.

Tại thời điểm ngày 31/3, tổng tài sản của VNG là 10.898,8 tỷ đồng, được hình thành từ 3.770,2 tỷ đồng vốn chủ sở hữu và 7.528,6 tỷ đồng nợ phải trả.

>> VNG công bố Báo cáo tài chính kiểm toán năm 2023; kết quả kinh doanh khả quan nhờ sự tăng trưởng ở các mảng sản phẩm cốt lõi

Source link