Chi tiết

Niềm tin doanh nghiệp châu Âu ở Việt Nam cao nhất 2 năm

Chỉ số niềm tin kinh doanh tại Việt Nam (BCI) quý IV/2024 đạt mức cao nhất hơn hai năm qua, theo EuroCham.

BCI tăng vọt từ 52 điểm trong quý III lên 61,8 điểm vào quý cuối năm ngoái. Hiệp hội Doanh nghiệp châu Âu tại Việt Nam (EuroCham Việt Nam) lưu ý suốt hai năm qua, chỉ số thường dao động quanh mức 50, thậm chí có lúc xuống dưới ngưỡng này. Cùng kỳ 2023, nó nằm trong vùng tiêu cực là 46,3.

Tuy nhiên, kết quả khảo sát mới nhất đã đánh dấu bước ngoặt. 42% doanh nghiệp châu Âu được hỏi nói cảm thấy tích cực về tình hình kinh doanh. 56% dự báo nền kinh tế Việt Nam tiếp tục cải thiện (quý III, tỷ lệ này chỉ 47%).

Ông Bruno Jaspaert, Chủ tịch EuroCham Việt Nam, nói đây là dấu hiệu rõ ràng cho thấy doanh nghiệp châu Âu ngày càng tự tin hơn vào triển vọng kinh tế của Việt Nam và là mắt xích quan trọng trong thương mại, đầu tư Đông Nam Á.

EuroCham lý giải niềm tin dâng cao nhờ nhiều yếu tố, đặc biệt là những cải cách kinh tế đang diễn ra và vai trò trung tâm của Việt Nam trong xu hướng toàn cầu về phát triển bền vững. Nhiều doanh nghiệp thấy tích cực với xu hướng “chuyển đổi kép” – quá trình chuyển đổi số và chuyển đổi xanh. Có đơn vị nắm bắt được xu hướng này đã báo cáo mức tăng trưởng doanh thu lên tới 40% so với 2023.

Báo cáo mới cũng đánh giá Việt Nam là “ngôi sao sáng” về đầu tư. 75% lãnh đạo doanh nghiệp châu Âu được hỏi cho biết sẽ giới thiệu đây như một điểm đến đầu tư lý tưởng. Cụ thể, 25% cân nhắc hợp tác với các nhà sản xuất hoặc nhà cung cấp dịch vụ Việt Nam, hơn 20% mong muốn mở rộng hiện diện.

Một góc dây chuyền sản xuất tự động của Lego Việt Nam tại Bình Dương trong ngày chạy thử 6/11/2024. Ảnh: Viễn Thông

Một góc dây chuyền sản xuất tự động của Lego Việt Nam tại Bình Dương trong ngày chạy thử 6/11/2024. Ảnh: Viễn Thông

Ngoài ra, 30% định tăng giao thương hoặc chuyển sản xuất sang Việt Nam. “Động thái này phù hợp xu hướng chuyển dịch thương mại toàn cầu, đặc biệt trong bối cảnh các gián đoạn gần đây liên quan các chuỗi cung ứng”, ông Thue Quist Thomasen, CEO Decision Lab – đơn vị nhận ủy quyền thực hiện khảo sát BCI của EuroCham – nhận định.

Dù vậy, ba trở ngại lớn nhất trong vận hành của doanh nghiệp châu Âu tại Việt Nam được chỉ ra là” gánh nặng hành chính, quy định chưa rõ ràng và khó khăn trong việc xin giấy phép.

Các phức tạp liên quan đến yêu cầu visa cho chuyên gia nước ngoài đứng đầu trong khó khăn hành chính, với 42% đồng tình. Các vấn đề liên quan đến thuế, bao gồm hoàn thuế VAT, cũng được 30% doanh nghiệp phản ánh, cùng với những thách thức khác về thủ tục xuất nhập khẩu và đăng ký đầu tư.

Chủ tịch EuroCham Việt Nam nói những khó khăn hành chính kéo dài đang thử thách hoạt động kinh doanh, nhưng doanh nghiệp châu Âu vẫn lạc quan về quyết tâm của Chính phủ trong việc tạo môi trường thuận lợi hơn. “Các nỗ lực như đề án sắp xếp, tinh gọn tổ chức bộ máy đang cho thấy triển vọng tích cực”, ông chỉ ra.

Viễn Thông



Nguồn tin: https://vnexpress.net/niem-tin-doanh-nghiep-chau-au-o-viet-nam-cao-nhat-2-nam-4836949.html