Chi tiết

Một loạt chính sách liên quan y tế có hiệu lực, SSI Research gọi tên các cổ phiếu kỳ vọng hưởng lợi

(ĐTCK) Sự thay đổi chính sách y tế liên quan đến đấu thầu đối với thuốc sản xuất chất lượng GMP EU dự kiến sẽ tăng cường đáng kể thị phần của các công ty dược phẩm Việt Nam trong nhóm 1 và 2.

Năm 2024, thống kê của SSI Research cho biết, các cổ phiếu ngành y tế đã đạt mức tăng trung bình 30, được thúc đẩy chủ yếu nhờ IMP (85%) và DBD (32,8%). Ngược lại, các doanh nghiệp lớn khác ghi nhận hiệu suất kém vượt trội so với VN-Index, với DHG tăng 11%, trong khi TRA giảm 7%.

Sau năm 2023 đầy ấn tượng, tốc độ tăng trưởng đã chậm lại trong 10 tháng đầu năm 2024. Hầu hết các công ty dược phẩm ghi nhận kết quả kém tích cực ở cả doanh thu và lợi nhuận sau thuế do sức mua yếu của thị trường OTC và chi phí API tăng cao. Tuy nhiên, IMP và DBD đã đi ngược xu hướng khi vẫn duy trì đà tăng trưởng đối với doanh số bán hàng. Quý IV/2024 đánh dấu sự phục hồi so với quý liền trước trong kênh OTC, cho thấy tín hiệu tâm lý thị trường được cải thiện trong thời gian tới.

Đối với bệnh viện, TNH (bệnh viện tư nhân duy nhất niêm yết) công bố lợi nhuận sau thuế giảm 38% so với cùng kỳ trong 9 tháng 2024, do người tiêu dùng thắt chặt chi tiêu và ảnh hưởng từ cơn bão Yagi. Tuy nhiên, giá cổ phiếu của TNH cũng đã tăng 21%, nhờ sự quan tâm của nhà đầu tư nước ngoài sau khi giới hạn sở hữu của nước ngoài tăng từ 40% lên 70%.

Sang năm 2025, theo báo cáo Triển vọng Ngành y tế năm 2025 của SSI Research, có nhiều chính sách, quy định trong ngành y tế có hiệu lực từ năm 2024-2025 sẽ mang tới động lực mạnh mẽ cho các công ty dược phẩm đầu tư vào phát triển thuốc mới và năng lực sản xuất, tăng cường cạnh tranh với thuốc nhập khẩu nhằm chiếm lĩnh thị phần. SSI Research kỳ vọng những cải cách này sẽ giúp các công ty dược phẩm hướng tới phân khúc thuốc chất lượng cao hơn.

Cụ thể, Bộ Y tế đã ban hành Thông tư 03 và 07/2024 (có hiệu lực từ tháng 5/2024), không cho phép các công ty nước ngoài tham gia đấu thầu thuốc Nhóm 1 và 2 đối với các loại thuốc mà có ít nhất 3 công ty trong nước có thể sản xuất đạt tiêu chuẩn chất lượng EU GMP (danh sách thuốc được đưa ra tại Thông tư 03).

“Sự thay đổi chính sách này dự kiến sẽ tăng cường đáng kể thị phần của các công ty dược phẩm Việt Nam (như DHG, IMP, DBD, DHT, DHD) trong Nhóm 1 và 2, thị trường vốn bị chi phối bởi thuốc nhập khẩu”, SSI Research nhận định.

Thêm vào đó, Chính phủ đã thông qua Kế hoạch Triển khai Chiến lược Dược Quốc gia (có hiệu lực từ tháng 2/2024), cùng với Luật Dược sửa đổi (có hiệu lực từ tháng 7/2025), Luật Bảo hiểm Y tế sửa đổi (có hiệu lực từ tháng 1/2025), cùng các nghị định, thông tư liên quan, sẽ có ảnh hưởng chuyển đổi ngành theo hướng: Ưu tiên phát triển ngành công nghiệp dược trong nước; Tạo hành lang pháp lý, bổ sung quyền và trách nhiệm cho các chuỗi nhà thuốc và thuốc được bán qua các nền tảng thương mại điện tử; Đơn giản hóa thủ tục đăng ký thuốc để giảm chi phí cho nhà sản xuất; Khuyến khích các bệnh viện đầu tư thêm vào các dịch vụ chất lượng cao cho bệnh nhân.

Triển vọng năm 2025 tươi sáng hơn, với kỳ vọng các kênh chính đều tăng trưởng. Kênh bệnh viện/thuốc kê đơn dự kiến sẽ duy trì đà tăng nhờ các chính sách thuận lợi. Kênh bán lẻ dự kiến đã chạm đáy và sẽ phục hồi một phần nhờ kinh tế tăng trưởng. Tăng trưởng doanh thu của các công ty SSI Research nghiên cứu dự kiến đạt 12%, vượt mức trung bình của ngành trong 2 năm qua. Tăng trưởng lợi nhuận dự kiến đạt 22%, phục hồi sau năm 2024 đầy thách thức. Tuy nhiên, rủi ro về tỷ giá có thể làm tăng giá nhập khẩu nguyên liệu trong năm 2025.

Ngoài ra, tác động của các khoản đầu tư theo xu hướng của Chính sách có thể mất từ 1-2 năm để giúp tăng doanh thu và lợi nhuận của các công ty. Trong ngắn hạn, Thông tư 07 vẫn là động lực chính đối với tăng trưởng doanh thu (DBD, DHG, IMP), do các công ty thuốc nhập khẩu sẽ bị bất lợi so với các công ty sản xuất thuốc trong nước.

SSI Research kỳ vọng mảng bệnh viện tư nhân sẽ tiếp tục phát triển, đặc biệt là các bệnh viện đa khoa tư nhân nhiều hơn 50 giường tại các tỉnh trên cả nước. Những bệnh viện này cung cấp cho bệnh nhân các dịch vụ tiên tiến và chăm sóc tốt hơn mà không cần phải đến Hà Nội hoặc TP.HCM. Tỷ lệ giường bệnh tư nhân hiện tại khoảng 5,8% của tổng giường bệnh cả nước, thấp hơn nhiều so với mục tiêu của Chính phủ là 10% trước năm 2025.

SSI Research dự kiến IMP và DBD sẽ giữ vững vị trí hàng đầu về tăng trưởng doanh thu và lợi nhuận nhờ đã đầu tư vào cơ sở sản xuất đạt tiêu chuẩn EU GMP. DBD là cổ phiếu ưa thích nhờ danh mục sản phẩm có tiềm năng tăng trưởng mạnh mẽ và vẫn còn tiềm năng tăng giá. Trong khi IMP cũng có mức tăng trưởng tốt hơn mức trung bình, nhưng SSI Research chọn IMP là ý tưởng đầu tư ngắn hạn vì cổ phiếu đang giao dịch ở mức P/E 12 tháng cao so với các công ty cùng ngành (IMP ở mức P/E 25x so với 17x của các công ty SSI Research nghiên cứu).

Đối với TNH, kỳ vọng công ty có tăng trưởng lợi nhuận trở lại (+41%), sau khi giảm mạnh trong năm 2024, nhờ bệnh viện thứ ba mới mở (Bệnh viện TNH Việt Yên). Tuy nhiên, công ty đang trải qua giai đoạn đầu tư mới mạnh mẽ, có thể làm tăng chi phí trong ngắn hạn đến trung hạn.


Nguồn tin: https://www.tinnhanhchungkhoan.vn/mot-loat-chinh-sach-lien-quan-y-te-co-hieu-luc-ssi-research-goi-ten-cac-co-phieu-ky-vong-huong-loi-post361425.html