Chi tiết

Tình hình chậm trả nợ trái phiếu hạ nhiệt

(ĐTCK) Tính chung cả năm 2024, có 11 tổ chức phát hành chậm trả gốc/lãi trái phiếu lần đầu, giảm đáng kể so với con số 79 tổ chức phát hành chậm trả gốc/lãi trong năm 2023.

Tình hình xử lý trái phiếu chậm trả

Tháng 12/2024, chỉ có 2 trái phiếu chậm trả lần đầu. Cả 2 đều là trái phiếu của CTCP Tập đoàn Đầu tư Địa ốc Nova (Novaland) với tổng giá trị gốc trái phiếu là 830 tỷ đồng.

Theo công bố thông tin ngày 3/1/2025, Novaland đang đàm phán với các trái chủ và sẽ thanh toán khoản chậm trả trước ngày 8/1/2025. Hiện chưa có thông tin về tiến độ thanh toán của khoản này. Trước đó, Hội đồng quản trị của Novaland cũng công bố thông tin mua lại 21 trái phiếu của công ty với tổng giá trị tối đa 7.000 nghìn tỷ đồng, bao gồm 2 trái phiếu trên.

Trái phiếu chậm trả phát sinh mới theo tháng
Trái phiếu chậm trả phát sinh mới theo tháng

Tính chung cả năm 2024, có 11 tổ chức phát hành chậm trả gốc/lãi trái phiếu lần đầu, giảm đáng kể so với con số 79 tổ chức phát hành chậm trả gốc/lãi trong năm 2023.

Tỷ lệ chậm trả lũy kế vào cuối tháng 12/2024 giữ ở mức 14,5%. Nhóm Năng lượng có tỷ lệ chậm trả cao nhất ở mức 43%, trong khi nhóm Bất động sản Nhà ở chiếm 62% tổng lượng trái phiếu chậm trả.

Tỷ lệ trái phiếu chậm trả và giá trị trái phiếu doanh nghiệp đang lưu hành
Tỷ lệ trái phiếu chậm trả và giá trị trái phiếu doanh nghiệp đang lưu hành

Đáng chú ý, VIS Rating cho biết, nhiều khả năng lượng trái phiếu chậm trả phát sinh mới thực tế cao hơn số liệu hiện tại (các số liệu trên được cập nhật đến ngày 6/1/2025 dựa dữ liệu công bố trên trang chủ của Sở giao dịch Chứng khoán Hà Nội (HNX).

“Chúng tôi ước tính có 15 trái phiếu có rủi ro cao không trả được nợ gốc đúng hạn vào tháng 12/2024”, VIS Rating đánh giá.

Về tình hình xử lý trái phiếu doanh nghiệp chậm trả, trong tháng 12/2024, có 10 tổ chức phát hành chậm trả thuộc các lĩnh vực Bất động sản Nhà ở, Năng lượng, Xây dựng, Du lịch nghỉ dưỡng và Sản phẩm Nông nghiệp đã hoàn trả tổng cộng 2.768 tỷ đồng tiền gốc cho các trái chủ. Trong đó, CTCP Kinh doanh Bất động sản Thái Bình và Công ty TNHH Vịnh Ngôi Sao đã hoàn trả toàn bộ số tiền gốc còn lại của trái phiếu.

Novaland công bố đã hoàn trả toàn bộ gốc của 5 trái phiếu cho các trái chủ với tổng giá trị gốc trái phiếu là 1.550 tỷ đồng. Những trái phiếu này đã chậm trả lãi coupon vào tháng 7 và tháng 8/2023. Trong năm 2024, doanh nghiệp này đã hoàn trả khoảng 2 nghìn tỷ đồng nợ gốc trái phiếu, chỉ đạt gần 10% tổng giá trị gốc của các trái phiếu chậm trả gốc lãi, cho thấy doanh nghiệp tiếp tục gặp khó khăn trong quá trình xử lý trái phiếu doanh nghiệp chậm trả.

85% nợ gốc trái phiếu đã chậm trả được hoàn trả trong tháng 12/2024 đến từ các tổ chức phát hành nhóm Bất động sản Nhà ở với tổng giá trị gốc là 2,3 nghìn tỷ đồng. Nhờ đó, tỷ lệ thu hồi trái phiếu chậm trả của nhóm ngành Bất động sản Nhà ở tăng 1,4% lên mức 22,7% vào cuối tháng 12/2024. Tỷ lệ thu hồi trái phiếu chậm trả của toàn thị trường trái phiếu doanh nghiệp đã tăng 1% so với mức 22,9% vào cuối tháng 11/2024.

Tình hình tái cấu trúc nợ của trái phiếu chậm trả gốc/lãi
Tình hình tái cấu trúc nợ của trái phiếu chậm trả gốc/lãi

Trái phiếu sắp đáo hạn có rủi ro cao

Có 5 nghìn tỷ đồng trái phiếu đáo hạn trong tháng 1/2025. VIS Rating đánh giá có 2 trong 9 trái phiếu có nguy cơ chậm trả nợ gốc, cả hai đều thuộc nhóm ngành bất động sản nhà ở.

Trong năm 2025, khoảng 110 nghìn tỷ trái phiếu phát hành bởi các tổ chức phát hành thuộc nhóm bất động sản nhà ở sẽ đáo hạn. Trong đó, 31 nghìn tỷ đồng đã chậm trả gốc lãi trước đó. Những trái phiếu này đã chậm trả lãi hoặc chậm trả nợ gốc trước khi gia hạn đến năm 2025.

Trong 224 nghìn tỷ đồng trái phiếu đáo hạn năm 2025, ước tính 17% có rủi ro chậm trả nợ gốc. 94% giá trị trái phiếu rủi ro này đến từ nhóm Bất động sản Nhà ở và Du lịch, nghỉ dưỡng.


Nguồn tin: https://www.tinnhanhchungkhoan.vn/tinh-hinh-cham-tra-no-trai-phieu-ha-nhiet-post361488.html